Tham nhũng kìm hãm châu Á

ĐOÀN HẠO| 11/11/2010 08:29

Từ ngày 10 - 13/11, Hội nghị Chống tham nhũng lớn nhất thế giới sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Chắc sẽ có người cười khẩy: thật chẳng khác gì Hội nghị Chống vũ khí hạt nhân tại Bình Nhưỡng...

Tham nhũng kìm hãm châu Á

Từ ngày 10 - 13/11, Hội nghị Chống tham nhũng lớn nhất thế giới sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Chắc sẽ có người cười khẩy: thật chẳng khác gì Hội nghị Chống vũ khí hạt nhân tại Bình Nhưỡng... Quả thực, tham nhũng đối với châu Á lúc này nguy hiểm không khác gì bom nguyên tử, khi mà các quan chức bỏ túi hàng triệu USD, nhiều chính trị gia nhởn nhơ ngồi trên đống của cải phi pháp, đa số cảnh sát “lươn lẹo đến mức có thể tự liếm sống lưng của mình”...

Thái Lan quả thật nằm trong “ổ trùm tham nhũng” Đông Nam Á. Chỉ số Nhận thức Tham nhũng CPI 2010 phản ánh mức độ tham nhũng trong bộ máy hành chính công tại 178 quốc gia toàn thế giới cho thấy: Myanmar chỉ có 1,4/10 điểm; Lào và Campuchia đều là 2,1; Philippines 2,4; Đông Timor 2,5; Việt Nam 2,7; Indonesia 2,8; Thái Lan 3,5 và Malaysia 4,4...

Indonesia đang mạnh tay thực hiện nhiều chiến dịch chống tham nhũng

Người Philippines đã bắt đầu chỉ trích tổng thống mới được bổ nhiệm Benigno Aquino III vì thất bại trong việc thực thi vận động tái thiết “Không có tham nhũng thì không có đói nghèo”. Campuchia thì chỉ mới bắt đầu kế hoạch chống tham nhũng từ tháng Chín.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc luôn canh cánh nỗi lo tham nhũng và lạm phát “gây ra tác hại kinh khủng đến sự ổn định quyền lực”. Ông Pratyush Sinha, người từng đứng đầu Ủy ban Giám sát Tham nhũng Ấn Độ, nói với AFP: “1/3 người Ấn ăn bẩn”...

Toàn châu Á chỉ có vài cái tên “sạch” đáng tuyên dương như Singapore 9,3 điểm; New Zealand, 9,3; Hồng Kông 8,4; Nhật 7,8... Nhưng các châu lục khác cũng đừng vội mừng, bởi ¾ các quốc gia toàn thế giới dưới 5 điểm.

Hội nghị Chống tham nhũng Quốc tế (IACC) đang đón chào đại diện từ 130 nước, chứng tỏ tham nhũng là tai họa đe dọa sự sống, đục khoét gốc rễ sự phát triển, đánh tan hy vọng về một xã hội tốt đẹp và công bằng hơn, là vấn nạn toàn cầu của mọi người, mọi nhà.

Năm 2009, Tổ chức Minh bạch Quốc tế TI đã công bố điều mà hầu hết cư dân tại các quốc gia đang phát triển đều biết: lực lượng nhận tiền hối lộ thường trực nhất là cảnh sát. TI còn chỉ ra rằng người nghèo thường phải chi nhiều nhất. Cụ thể, những gia đình nghèo tại Mexico phải hối lộ lặt vặt cho quan chức địa phương đến 1/5 thu nhập... Tham nhũng không chỉ giới hạn trong khâu thi hành luật, mà còn tấn công sang những lĩnh vực từng một thời miễn nhiễm, như ngành thể thao và các tổ chức phi lợi nhuận.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) khảo sát thấy nếu thủ tục thành lập và vận hành doanh nghiệp dễ dàng, nhanh chóng và ít tốn kém hơn sẽ tạo việc làm cho nền kinh tế và giảm tham nhũng cho xã hội. Bởi vì, luật quy định dài ngày, nhưng chỉ cần “quen biết” và “chịu chi” thì việc gì cũng xong nhanh. Ví dụ như muốn mở công ty ở New Zealand chỉ cần 1 ngày, nhưng ở Suriname thì mất gần 2 năm. Cần 10 hồ sơ và 81 ngày mới xuất hàng khỏi Kazakhstan, so với Estonia là 5 ngày. Doanh nghiệp Việt Nam và Nigeria tới lui cơ quan thuế xấp xỉ 900 giờ một năm…

Theo đó, chủ đề chính của IACC 2010 là “Khôi phục sự tín nhiệm”, hoặc là “Chống lại sự lãnh đạm”. Bởi vì, dư luận càng ghê tởm nạn tham nhũng, thì họ càng đánh mất niềm tin vào chính quyền có khả năng chiến đấu chống tham nhũng.

Như ông Sinha có nói: “Hầu hết quan chức Ấn đều có vết nhơ, nhưng đã được cho qua. Sự chấp nhận đó tạo thành môi trường đen tối mà những cái xấu xa, gian dối có thể tồn tại, và thậm chí còn phát triển...

Những cơ quan chống tham nhũng cũng đang tham nhũng”. Horizon Research Consultancy Group, một tập đoàn tư vấn của Trung Quốc, có trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về các mối quan tâm của người dân, tại 5 thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán và Trùng Khánh.

Số người được hỏi ý kiến là 1.350 và kết quả thăm dò cho thấy 59,2% số người được hỏi cho biết vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là nạn tham nhũng của các quan chức trong chính quyền. Đứng hàng thứ hai trong mối lo ngại của người dân là nạn làm hàng giả. Tiếp theo mới đến vấn đề môi trường, lái xe ẩu và các tai nạn công nghiệp...

Trong Hội nghị Chống tham nhũng châu Á 2010 được tổ chức đầu năm, những người tham dự, là các chuyên gia chống tham nhũng trong khu vực và trên toàn cầu, cũng đã bàn về phản ứng của người dân châu Á.

“Họ ý thức rõ ràng và khao khát bài trừ nạn tham nhũng một cách mạnh mẽ, nhưng họ luôn nghĩ mình ở vị thế hoàn toàn bất lực”. Bởi vì chính sách tổng thể và hệ thống chính trị lỏng lẻo, nên “mặc cho người dân khao khát cải cách, giới cầm quyền luôn từ chối đổi mới”.

Triệt tiêu tham nhũng có thể là điều phi hiện thực nhưng không có nghĩa là chiến đấu phản kháng thì hoàn toàn vô ích. Tại Bangladesh, 44% bệnh nhân chi tiền cho bác sĩ, y tá tại các cơ sở khám chữa bệnh công cộng. Nhưng khi hàng trăm tình nguyện viên trẻ tham gia tư vấn, thì chẳng những nạn đút lót giảm, mà các bác sĩ còn tích cực chữa trị hơn...

Còn ở Indonesia, dù biết nước mình xếp thứ 111 trong 180 quốc gia của CPI, nhưng người dân vẫn tin tưởng Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia KPK đến mức xuống đường biểu tình để bảo vệ sự độc lập của Ủy ban... Indonesia là một trong số nước hiếm hoi tại châu Á có thứ hạng chống tham nhũng cải thiện rõ rệt trong hai năm qua.

Chính phủ Indonesia đang quyết liệt đánh vào những đường dây tiêu cực, chạy án trong hệ thống hành pháp và tư pháp, hòng tiêu diệt nạn tham nhũng ở nước này. Chánh án Tòa Hiến pháp Indonesia mới công bố áp dụng án tử hình đối với tội phạm tham nhũng, đồng thời đưa tham nhũng trở thành một trong những trọng tội, nhằm tăng mức độ trấn áp, răn đe.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang nỗ lực chống tham nhũng bằng biện pháp giáo dục từ rất sớm. Trẻ em tiểu học tại Thái Lan và các lớp lớn hơn tại Macau, Moldova, đang được hướng dẫn cách thức nhận biết và vạch trần tham nhũng.

Thử thách trước nhất của IACC tại Bangkok lần này là người phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, có thể sẽ mất chức, nếu tòa án tìm ra chứng cứ cho thấy Đảng Dân chủ của ông dính líu đến vụ scandal 8 triệu USD...

Có nhiều khó khăn trước mắt và viễn cảnh tương lai cũng không mấy sáng sủa, nhưng hội nghị hy vọng mọi người khắc ghi thông điệp: tham nhũng là hiểm họa của mọi quốc gia và việc phớt lờ sự tồn tại của nó không phải là giải pháp tốt cho thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tham nhũng kìm hãm châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO