Tạm biệt châu Á, Obama mang về Mỹ 3 điều lớn

Nguồn Dân Trí| 20/11/2009 07:54

Tổng thống Mỹ Obama đã tận dụng một tuần ở châu Á để đạt được 3 mục tiêu mà ông muốn: đặt vấn đề giải quyết những vướng mắc lớn, củng cố quan hệ “định hình thế kỷ 21” và khẳng định dấu ấn Mỹ.

Tạm biệt châu Á, Obama mang về Mỹ 3 điều lớn

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tận dụng một tuần ở châu Á (từ 13-19/11) để đạt được 3 mục tiêu mà ông muốn: đặt vấn đề giải quyết những vướng mắc lớn, củng cố quan hệ “định hình thế kỷ 21” và khẳng định dấu ấn Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bước xuống chuyên cơ Air Force One tối qua, tại căn cứ không quân Mỹ ở Osan, phía nam Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Nỗ lực giải quyết những vướng mắc lớn

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 17 tại Singapore (từ 14-15/11) là cơ hội cho Tổng thống Mỹ gặp lại một số nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới mà ông từng gặp hai lần trong năm nay tại các hội nghị của Nhóm G-20 và có các cuộc gặp lần đầu tiên với các nhà lãnh đạo khác. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên có sự tham gia của Tổng thống Mỹ cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN.

Vướng mắc đầu tiên mà Obama cần giải quyết là kinh tế. Từ đầu năm nay, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu bắt đầu phục hồi, nhưng động lực chủ yếu là từ châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi tăng trưởng. Trong khi đó, kinh tế Âu và Mỹ mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện, nhưng chưa vững chắc. Khu vực châu Á mua khoảng 25% hàng xuất khẩu của Mỹ và 1,6 triệu việc làm tại Mỹ phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu này. Vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này đặc biệt quan trọng. Có thể nói hiện đang là thời điểm nhạy cảm của kinh tế Mỹ. Do vậy, Obama lựa chọn thời điểm này tiến hành chuyến thăm châu Á.

Vấn đề thứ hai là củng cố quan hệ đồng minh. Trước khi đến Singapore, Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên của Obama. Tokyo hiện là đồng minh hàng đầu của Mỹ trong khu vực nhưng chính quyền non trẻ của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama vẫn đang trong quá trình xây dựng các chính sách và quan hệ với bộ máy hành chính nhà nước và muốn xem xét lại các chính sách kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm và đã từng chỉ trích các chính sách này trong quá trình tranh cử, trong đó có các thỏa thuận liên quan tới tương lai của các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Okinawa.

Tại Seoul, chặng dừng chân cuối cùng, các vấn đề liên quan tới Triều Tiên là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa ông Obama và các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Mỹ muốn giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ giúp Mỹ và đã gửi đến Bình Nhưỡng một đề nghị quan trọng: Đó là một khoản trợ giúp đánh đổi lấy việc phi hạt nhân hoá bán đảo. Tổng thống Mỹ cũng thông báo rằng ông sẽ cử đặc phái viên về chính sách Triều Tiên Stephen Bosworth tới miền Bắc vào 8/12, chấm dứt các phỏng đoán về thời điểm đặc phái viên này sẽ tới Bình Nhưỡng trong nỗ lực nối lại đàm phán 6 bên.

Trước đó, tại Trung Quốc, ông Obama tiếp tục củng cố quan hệ đối thoại kinh tế và chiến lược, vốn đã khởi động từ tháng 7/2009. Mục tiêu chính của cách tiếp cận mới của Chính quyền Obama là tăng cường các nỗ lực, vốn đã bắt đầu từ thời Chính quyền Bush, để thúc đẩy hợp tác Trung-Mỹ trong các vấn đề khu vực và thế giới. Tại Bắc Kinh, ông đặt vấn đề thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác vẫn còn hạn chế giữa hai nước như tổ chức các cuộc đối thoại quân sự, thu hẹp khoảng cách trong việc giải quyết các vấn đề như tranh cãi thương mại, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

“Làm lành” để củng cố quan hệ “định hình thế kỷ 21”

Trong chuyến thăm châu Á lần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đối mặt với một châu Á đang thay đổi cơ bản. Việc Mỹ định hình sự trỗi dậy của châu Á trong một phần tư đầu tiên của thế kỷ 21 sẽ ảnh hưởng to lớn tới tương lai của chính nước Mỹ.

Điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Á lần này của Obama là Nhật Bản, mặc dù thời gian khá ngắn chỉ có một ngày, nhưng cũng đủ để thể hiện Mỹ luôn coi trọng quan hệ với Nhật Bản. Điều này không chỉ mang ý nghĩa chiến lược nhắc lại “Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật” vẫn còn nguyên giá trị, đồng thời thể hiện mong muốn mở lại căn cứ quân sự của quân Mỹ tại Okinawa, mà còn có ý kiềm chế và gia tăng ảnh hưởng đối với ý tưởng sách lược “thoát Mỹ, nhập Á” của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyana.

Tại Trung Quốc, Obama khẳng định quan hệ Trung-Mỹ là xu thế tất yếu. Hai nước đã ra tuyên bố chung gồm 5 điểm, trong đó kêu gọi có các cuộc trao đổi thường xuyên giữa Barack Obama và Hồ Cẩm Đào và mỗi bên cần phải chú ý hơn tới những quan ngại chiến lược của bên kia. Tuyên bố chung cũng cam kết hai bên cùng nhau làm việc trên tinh thần đối tác về các vấn đề kinh tế, Iran và biến đổi khí hậu. Mỹ không chỉ đóng vai trò là thị trường quan trọng của Trung Quốc, mà còn phải nhớ Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, có nhiều dự trữ USD nhất. Obama mong muốn đón nhận Trung Quốc với thái độ cởi mở của thế kỷ 21. Điều này cho thấy ông Obama thực sự coi trọng quan hệ Trung-Mỹ là xu thế tất yếu.

Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên về châu Á đọc tại Tokyo ngày 14/11, Obama đã đề cập nhiều đến Trung Quốc. Tổng thống Obama đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong hợp tác khu vực, đồng thời muốn xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong khi, với việc tự nhận là "Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên", ông Obama xem ra muốn tìm cách củng cố các liên minh cũ, trong đó có liên minh với Nhật Bản và xây dựng các quan hệ đối tác mới với các nước trong khu vực để đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.

Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến thăm châu Á. Ảnh: Getty.

Khẳng định dấu ấn Mỹ

Ngoài cam kết mạnh mẽ làm việc một cách toàn diện với các đối tác châu Á trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo khu vực ở Singapore, chuyến thăm của Tổng thống Obama bao gồm các chặng dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng là Washington vẫn là một cường quốc có nhiều ảnh hưởng tại khu vực.

Tổng thống Obama bắt đầu ngày làm việc đầu tiên ở chặng cuối cùng tại Seoul bằng những nghi thức và mau chóng đi vào thực chất mà đứng đầu nghị trình là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Cũng như lúc khởi đầu, ông kết thúc cuộc hành trình bằng một cuộc thăm viếng binh sĩ Mỹ. Tại căn cứ không quân Osan, gần Seoul, ông Obama đã bầy tỏ cảm tưởng về chuyến thăm Đông Á đầu tiên của ông trong cương vị tổng thống. “Ở mỗi bước trong hành trình của tôi, một chân lý hiện lên rất rõ ràng: đó là nền an ninh giúp các gia đình sống được an lành ở châu Á và ở Mỹ, sự thịnh vượng giúp cho mọi người theo đuổi các ước mơ của mình, những quyền tự do mà chúng ta quý trọng, đều không phải là những sự kiện ngẫu nhiên của lịch sử. Tất cả đều là kết quả trực tiếp của công việc mà mình làm”, ông nói

Có dư luận, kể cả từ chính nước Mỹ, cho rằng nỗ lực đầu tiên của Obama tại châu Á đã không đạt được thành quả đáng kể về các vấn đề như Iran, nhân quyền, tranh cãi thương mại. Nhưng những thành tích vừa kể trên cho thấy cho dù còn có nhiều yếu tố cản trở và không phải mọi vướng mắc đều đã và sẽ được giải quyết, nhìn tổng thể, chuyến đi của Tổng thống Mỹ lần này có kết quả lạc quan. Sau chuyến thăm, nhiều sáng kiến mới có thể được công bố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạm biệt châu Á, Obama mang về Mỹ 3 điều lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO