Sóng ngầm ở biển Đông

LAM HỒNG| 20/05/2009 03:49

Những tranh chấp về lợi ích giữa các nước lớn tại biển Đông đã đẩy khu vực này vào một cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh hải quân.

Sóng ngầm ở biển Đông

Những tranh chấp về lợi ích giữa các nước lớn tại biển Đông đã đẩy khu vực này vào một cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh hải quân.

Chạy đua tàu ngầm

Mỹ đang tăng cường đội tàu ngầm tại khu vực biển Đông

Trong tháng Tư đã có tới bốn vụ tàu đánh cá mang cờ Trung Quốc tới quá gần tàu ngầm không vũ trang của Mỹ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc tàu đánh cá của Trung Quốc “hành xử nguy hiểm” gần một tàu hải quân Mỹ ở khu vực Hoàng Hải. Thông cáo của Lầu Năm góc cho biết, hai tàu của Trung Quốc tiến lại gần tàu USNS Victorious tới 27 mét một cách nguy hiểm. Trong khi đó, Bắc Kinh lại cáo buộc tàu của Mỹ vào khu vực kinh tế đặc quyền của Trung Quốc bất hợp pháp.

Đằng sau những tranh chấp “lặt vặt” trên giữa Washington và Bắc Kinh là mối lo ngại về chiến lược biển Đông trên bình diện địa - chính trị. Biểu hiện của mối quan ngại này là cuộc chạy đua “sức mạnh đáy biển” giữa các nước liên quan. Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định rằng, thế giới chứng kiến sự bắt đầu của một kỷ nguyên tàu ngầm mới ở Á châu. Giới làm chính sách quân sự cho biết: Tàu ngầm có thể là vũ khí hủy diệt với nhiều tính năng, có khả năng giúp một quốc gia chống trả kẻ thù lớn hơn.

Tàu ngầm có thể dùng mắc cáp ngầm dưới biển, chuyển lính đặc nhiệm hay thám báo tới địa phận của đối phương, thậm chí chuyên chở cả hỏa tiễn... Chính vì vậy, tàu ngầm hay các xung đột liên quan đến phương tiện này là biểu hiện “nóng” nhất về những tranh chấp trên biển Đông hiện nay.

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng Lầu năm góc đang tiếp tục chuyển tàu ngầm từ khu vực Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, mới nhất là tàu USS Jacksonville được điều từ kênh đào Panama. Tới cuối năm nay, 31 trong số 53 tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ sẽ được đặt tại châu Á - Thái Bình Dương, một sự xoay chuyển trái ngược với các tiêu chí thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ghi nhận sự kiện hạm đội tàu ngầm 60 chiếc của Trung Quốc ngày càng tuần tra xa hơn. Tình hình càng căng thẳng giữa các cường quốc trong khu vực, khi quyền lợi của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga đụng chạm nhau.

Tâm điểm xung đột

Tình hình trên khiến các nước phải theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động quân sự của nhau. Mỗi động thái hay kế hoạch mua bán vũ khí đều gây phản ứng tức thì giữa các nước. Bộ Quốc phòng Úc tuần trước vừa cho ra sách trắng gây tranh cãi, khi yêu cầu tăng ngân sách hải quân và đầu tư thêm 12 tàu ngầm nữa. Các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore cũng đang mua sắm tàu ngầm.

Theo Tiến sĩ Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, khu vực biển Đông là một nơi có nhiều khả năng bùng nổ tranh chấp và tốt nhất phải giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Trong hai năm nay, tranh chấp biển Đông trở thành chủ đề cấp thiết trong số các vấn đề an ninh châu Á. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì chẳng bao lâu khu vực này có thể trở thành điểm xung đột lớn ở khu vực. Biển Đông có các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, trong có các tuyến vận chuyển dầu lửa của Trung Quốc, và cũng là nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào. Tuy nhiên, theo ông Carl Thayer, giáo sư tại Học viện Quốc phòng Úc, các nước ASEAN hiện đang phải tập trung quá nhiều vấn đề khác trước khi quay sang giải quyết vấn đề thuộc loại phức tạp như biển Đông.

Việc án binh bất động của ASEAN trong cuộc đua tàu ngầm nhắc nhở một điều rằng, cả vùng Đông Nam Á không có lấy một tổ chức an ninh hiệu quả nào. Giáo sư Thayer nói: “Khi một quốc gia cải thiện năng lực quân sự của mình thì các nước khác cũng làm theo. Nếu không, họ sẽ gặp nguy cơ không bảo vệ được chủ quyền”. Với động thái của các nước như hiện nay, cuộc chạy đua tàu ngầm tại biển Đông sẽ ngày một lan rộng và căng thẳng hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sóng ngầm ở biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO