Sính hàng hiệu nhất thế giới

09/01/2010 09:03

Ở châu Á, danh sách những thị trường mới cho hàng hiệu nổi bật những cái tên như Trung Quốc, Ấn Độ…

Sính hàng hiệu nhất thế giới

Ở châu Á, danh sách những thị trường mới cho hàng hiệu nổi bật những cái tên như Trung Quốc, Ấn Độ…

Ở các thành phố lớn của châu Âu và Mỹ, Armani chỉ mở một cửa hàng lớn cho dòng sản phẩm cao cấp Giorgio Armani, còn các dòng sản phẩm thời trang cấp thấp hơn được bán trong các gian hàng đặt tại các trung tâm mua sắm cao cấp. Nhưng tại Trung Quốc, sau khi đã mở hai cửa hàng lớn ở Thượng Hải và Bắc Kinh cho dòng sản phẩm Giorgio Armani, Armani đang có kế hoạch mở thêm hai cửa hàng lớn nữa ở Thượng Hải trong vài tháng tới.

Trung Quốc: hàng hiệu thể hiện đẳng cấp

Tính cả những dòng sản phẩm khác, trong đó có dòng sản phẩm Armani Jeans và dòng sản phẩm phổ thông Armani Exchange, Armani đang có 45 cửa hàng lớn ở Trung Quốc, trong khi ở Mỹ, thị trường lớn nhất của Armani, chỉ có 25 cửa hàng dạng này.

Khu giải trí đánh bài nổi tiếng Wynn Macau có một khu mua sắm với hàng chục nhãn hiệu cao cấp như Chanel, Prada, Louis Vuitton. Theo bà Linda Switzer, quản lý khu mua sắm này, gần 90% khách hàng của nơi này là những người Trung Quốc đại lục. Cùng với Hong Kong, Macau thu hút nhiều khách mua sắm đồ hiệu từ

Trung Quốc sang vì nơi này có thuế đánh vào hàng xa xỉ thấp hơn đại lục. Khách mua sắm từ đại lục chính là những người đã giúp cửa hàng đồng hồ Thuỵ Sĩ Piaget ở Wynn Macau trở thành cửa hàng kinh doanh thành công nhất trong hệ thống cửa hàng Piaget trên toàn thế giới.

Bà Jill Telford, tổng giám đốc của hãng nghiên cứu thị trường Synovate, nhận xét rằng những người giàu mới nổi ở Trung Quốc mua sản phẩm hàng hiệu để chứng tỏ vị thế trong xã hội. Với người Trung Quốc, logo hàng hiệu gắn trên sản phẩm, biểu hiện của sự thành đạt của người dùng sản phẩm, trở nên có ý nghĩa nhiều hơn nếu được nhiều người biết đến. “Nếu họ không biết đến thương hiệu, đừng hòng mong họ gõ cửa”, bà Linda Switzer, phụ trách bán lẻ ở Wynn Macau nói.

“Tôi dùng hàng xịn, chứ không phải hàng giả”

Các thị trường khác của châu Á cũng có xu hướng chuộng dùng hàng hiệu hơn các khu vực khác trên thế giới. Năm 2009, hãng Synovate của bà Telford đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến quy mô lớn về xu hướng toàn cầu trong mua sắm hàng hiệu với 8.000 người ở 11 thị trường – trong đó có Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Canada, Mỹ, Brazil, Hong Kong, Ấn Độ, Đài Loan, và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Kết quả khảo sát công bố trong đầu năm 2010 cho thấy người châu Á sính hàng hiệu nhất thế giới.

Tại Hong Kong, 68% số người tham gia khảo sát cho biết họ chuộng các sản phẩm hàng hiệu hơn các sản phẩm khác. Cũng như ở Trung Quốc, lý do người tiêu dùng ở Hong Kong chuộng sản phẩm hàng hiệu – theo bà Telford – là vì “họ muốn những người khác biết rằng hàng họ đang dùng là hàng xịn, chứ không phải hàng giả”. Tại Ấn Độ và UAE, tỷ lệ chuộng dùng sản phẩm hàng hiệu cũng rất cao: 79% và 58%.

Trong khi đó, những người tham gia khảo sát ở Mỹ và Anh lại cho rằng họ thường chọn những sản phẩm không có logo hàng hiệu hơn. Tại Mỹ, chỉ có 36% số người được hỏi cho biết họ thích dùng sản phẩm hàng hiệu, và tỷ lệ này tại Anh là 33%. Các thị trường khác ở phương Tây cũng có tỷ lệ không cao như các thị trường châu Á.

Những sự khác biệt

Cách tiếp cận người tiêu dùng mà các nhãn hiệu cao cấp triển khai ở thị trường châu Á cũng khác với các thị trường khác trên thế giới. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, các bảng quảng cáo hàng hiệu hấp dẫn thường đặt trên các con đường đông đúc vì thị trường hàng cao cấp ở đây còn mới và đang tập trung thu hút khách hàng trẻ.

Ông John Hooks, phó chủ tịch của tập đoàn thời trang Armani, đưa ra một đặc trưng khác của người tiêu dùng châu Á: người Trung Quốc, chẳng hạn, thường tiêu tiền nhiều cho các dịp đặc biệt, nên thường chú ý đến hàng đắt tiền nhiều hơn trong các dịp này, và các nhãn hiệu cao cấp vào những dịp như thế lại có thêm khách hàng mới, trong khi ở châu Âu và Mỹ khách hàng của Armani thì luôn ổn định ở một nhóm đối tượng.

Trong kết quả khảo sát của Synovate, các nhà phân tích nhận thấy sự khác biệt trong tâm lý của người tiêu dùng khu vực châu Á và các khu vực khác. Trong khi một nửa số người tham gia khảo sát ở Mỹ cho biết họ cảm thấy áy náy khi mua hàng xa xỉ và xem những món hàng này là thứ vượt quá mức cần thiết, thì những người Ấn Độ giải thích họ mua hàng hiệu vì chất lượng của sản phẩm và vì đó là một phong cách sống.

Gần 3/4 số người được hỏi ở Ấn Độ cho rằng không thấy áy náy gì khi mua một sản phẩm xa xỉ. Ở Hong Kong, theo bà Telford, một trong những lý do chủ yếu khiến người tiêu dùng chọn những sản phẩm có gắn logo của nhãn hiệu nổi tiếng là vì họ không muốn mua một chiếc đồng hồ đeo tay hay một chiếc túi xách hàng nhái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sính hàng hiệu nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO