![]() |
Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bắt tay nhau trong một cử chỉ được xem là biểu tượng của những nỗ lực nhằm chôn vùi sự thù địch kéo dài nửa thế kỷ.
Đây là một sự kiện lịch sử vì lần ngược về năm 1956, thời chế độ Batista, mới thấy hết ý nghĩa cuộc gặp giữa hai người lãnh đạo Nhà nước Mỹ và Cuba. Đây cũng là cuộc gặp gỡ đầy đủ đầu tiên kể từ khi mối quan hệ Mỹ - Cuba có dấu hiệu "tan băng" hồi tháng 12/2014. Hai bên bàn về vấn đề tái lập quan hệ ngoại giao mà trở ngại chính là việc Mỹ vẫn duy trì Cuba trong danh sách các nước ủng hộ khủng bố, khiến cho La Habana không được hưởng nhiều khoản viện trợ quốc tế.
Tổng thống Obama nói giờ là lúc "thử điều gì đó mới" và việc Mỹ trao đổi trực tiếp hơn với Chính phủ Cuba cũng như với người dân Cuba là điều quan trọng. "Chúng tôi cũng kết luận rằng chúng tôi vẫn có thể bất đồng nhưng dựa trên tinh thần tôn trọng và phép lịch sự", Tổng thống Obama phát biểu. Đáp lại, Chủ tịch Castro nói ông đã "sẵn sàng đàm phán về những vấn đề nhạy cảm, tuy vẫn cần kiên nhẫn".
Theo đánh giá, những việc hai quốc gia cựu thù có thể thực hiện ngay là bình thường hóa quan hệ ngoại giao và mở tòa đại sứ của Hoa Kỳ tại Havana, và ngược lại, tòa đại sứ Cuba ở Washington DC.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca, những biện pháp nới lỏng cấm vận kinh tế và tài chính đối với Cuba mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra mới đây là chưa trọn vẹn và đầy đủ, và chưa thay đổi bản chất của chính sách đơn phương mà Washington duy trì chống lại đảo quốc Caribe này.
Bộ trưởng Malmierca kêu gọi Washington cho phép Cuba sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế, mở đường cho việc xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Cuba, thậm chí cả một số sản phẩm công nghệ sinh học..., tiến tới chấm dứt hoàn toàn chính sách cấm vận kinh tế.
Chính sách cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba đã có hiệu lực từ năm 1962 nhằm phong tỏa kinh tế để qua đó làm sụp đổ chế độ Fidel Castro lên nắm quyền từ năm 1959. Kể từ đó, nguyên Chủ tịch Cuba Fidel Castro liên tục kêu gọi Hoa Kỳ gỡ bỏ cấm vận kinh tế áp đặt lên Cuba.
Sau 46 năm, năm nay đã 83 tuổi, em trai của Fidel Castro vẫn tiếp tục đưa ra những lời kêu gọi tương tự, khác biệt là kêu gọi kèm theo những hành động cụ thể.
Cuba từng phụ thuộc quá nhiều vào Venezuela giàu trữ lượng dầu hỏa. Với việc giá dầu xuống thấp, Chủ tịch Cuba Raul Castro buộc phải tìm ra giải pháp để giảm bớt căng thẳng với Mỹ. Sau khi thay anh lên lãnh đạo thì Cuba có cải thiện luật lệ về đầu tư nước ngoài. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền Brazil, Cuba xây dựng được cơ sở cho hải cảng Mariel nhìn qua Vịnh Mexico với tham vọng làm bàn đạp cho nhiều lĩnh vực khác, kể cả công nghệ điện toán. Nhưng khả năng của Brazil hay Venezuela lại có hạn nên dự án Mariel bị khựng lại và Cuba trông cậy nhiều nhất vào đầu tư Mỹ để vừa có tiền vừa có kỹ thuật hiện đại.
Theo nhận xét của kinh tế gia Ricardo Torres từ Trung tâm Nghiên cứu về Kinh tế Cuba, các lợi ích kinh tế có thể có trong việc tan băng quan hệ với Mỹ sẽ có tác động vô cùng to lớn đối với Cuba, đặc biệt là cho các mối quan hệ tài chính quốc tế của Havana.
Theo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, lệnh cấm vận, được khởi xướng vào năm 1962 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là John Kennedy và được chính quyền Mỹ qua các nhiệm kỳ thực hiện kể từ đó cho đến nay, đã gây thiệt hại hơn 116 tỷ USD cho nền kinh tế Cuba. Trong khi đó, theo CNN, lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba cũng khiến kinh tế Mỹ thất thu 1,2 tỷ USD mỗi năm. Cuộc điều tra dư luận gần đây do CNN và Opinion Research Corp tiến hành cho thấy, 71% người Mỹ muốn dỡ bỏ cấm vận kéo dài gần 5 thập niên với Cuba và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. |
Ngược lại, một khi quan hệ hai bên được "hâm nóng" cho dù có giới hạn thì Mỹ mới là nước được phần lớn nhất khi bình thường hóa quan hệ toàn diện với châu Mỹ la tinh. Tình hình kinh tế của nhiều nước trong khu vực rất bấp bênh do đồng USD mạnh, do nguyên liệu mất giá và thiếu thị trường xuất khẩu.
Đây là thời cơ để Washington tái chính phục thị phần đang bị Trung Quốc thâu tóm. Các công ty Mỹ từ nay sẽ dễ dàng xuất khẩu các thiết bị truyền thông như điện thoại, phần mềm và cung cấp dịch vụ internet ở Cuba.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, sau khi bỏ lệnh cấm vận, ước tính xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Cuba đạt 4,3 tỷ USD mỗi năm, so với chưa đầy 360 triệu USD năm ngoái. Cuba có thể xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đạt 5,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Obama muốn xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Cuba thì cũng cần phải có thời gian, thậm chí là thời gian rất dài. Ông sẽ cần phải thông qua Quốc hội Hoa Kỳ và đã có những tiếng nói phản đối đầy trọng lượng trong số các chính trị gia Mỹ gốc Cuba.
Biết trước khó khăn như vậy, nhưng dường như ông Obama sẽ quyết tâm giảm nhẹ ảnh hưởng của lệnh cấm vận kinh tế trong thời gian hai năm ông còn nắm quyền. Đây không phải là di sản quốc tế của một tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, mà là một lựa chọn của xu thế không thể trì hoãn lâu hơn.
>Cuba “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư nước ngoài
>Mỹ - Cuba: Quyết định "không bình thường"
> Sức sống của Cuba
>Cuba và Mỹ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ