Quan hệ Anh - Trung Quốc nhìn từ Hinkley Point C

THÁI DUY| 20/09/2016 01:28

Trung Quốc từng tỏ thái độ không hài lòng khi bà Theresa May lên nắm chức Thủ tướng kế nhiệm ông David Cameron, đã bất ngờ trì hoãn việc ký kết hợp đồng xây dựng Hinkley Point C ngay trước "giờ G".

Quan hệ Anh - Trung Quốc nhìn từ Hinkley Point C

Ngày 15/9, chính quyền Anh của tân Thủ tướng Theresa May đã "bật đèn xanh" cho nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C, sử dụng khoảng 1/3 vốn của Trung Quốc. Động thái này đã làm hài lòng người Trung Quốc cũng như người Pháp, nhưng đằng sau đó vẫn là sự chuyển biến lớn từ phía người Anh.

Đọc E-paper

Hinkley Point C là công trình liên doanh trị giá 18 tỷ bảng Anh (tương đương 24 tỷ USD) giữa một bên là Chính phủ Anh, bên kia là Công ty EDF (của Pháp, chiếm 2/3) và Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN, chiếm 1/3). Đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân mới của nước Anh sau nhiều thập kỷ, giải quyết được phần lớn năng lượng cho Vương quốc Anh.

Trung Quốc trước đó đã tỏ rõ thái độ không hài lòng sau khi bà Theresa May lên nắm chức Thủ tướng kế nhiệm ông David Cameron hồi tháng 7 vừa qua, đã bất ngờ trì hoãn việc ký kết hợp đồng xây dựng Hinkley Point C ngay trước "giờ G". Theo truyền thông Anh, nữ thủ tướng 59 tuổi đã đặt các mối lo an ninh lên hàng đầu, dẫn tới việc tạm hoãn để "xem xét lại một số chi tiết hợp đồng".

Nhưng vừa qua, sau nhiều tuần bàn bạc, chính phủ Anh đã công bố quyết định phê chuẩn việc xây dựng nhà máy ở hạt Somerset, vùng South West England. Theo đó, một số chi tiết mới trong hợp đồng là việc Chính phủ Anh có quyền kiểm soát cao hơn đối với Hinkley Point C, bao gồm quyền ngăn chặn bất kỳ hợp đồng bán cổ phần nào trong liên doanh mà không thông qua chính phủ nước này.

Đây cũng là tiền đề cho sự cải cách toàn diện, trong đó Chính phủ Anh sẽ nắm quyền kiểm soát tương tự đối với những công trình cơ sở hạ tầng quan trọng sử dụng vốn nước ngoài trong tương lai.

Có vẻ như đây chỉ là sự điều chỉnh tất yếu, và cũng được cả EDF lẫn CGN chào đón. Tuy nhiên cả Anh lẫn Trung Quốc đều hiểu rằng đằng sau nó chính là mối quan hệ nhạy cảm giữa hai nước, vốn đã xuất hiện tín hiệu thay đổi từ sau "kỷ nguyên vàng" - cụm từ được dùng để ca ngợi hàng loạt hợp đồng đối tác ký trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Anh năm 2015, lúc ông David Cameron còn đương chức.

Trong bài xã luận ngày 16/9,Tân Hoa xã đã hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Theresa May, nhấn mạnh rằng nhà máy Hinkley Point C sẽ mang về 25.000 cơ hội việc làm cho Vương quốc Anh. Tuy nhiên, cơ quan thông tấn Trung Quốc cũng nói rằng bà May đã mang một "nỗi ám ảnh về Trung Quốc", và rằng chẳng có cái gì gọi là "mối lo an ninh" như tưởng tượng cả.

"Nhưng chúng ta đừng quên rằng nhà máy này, dù mang lợi ích cho tất cả các bên, đã từng đứng trên bờ vực sụp đổ bởi những lo lắng vô căn cứ rằng đầu tư từ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh cho quốc gia của Anh. Nếu để công trình thất bại, tất cả các bên đều phải trả giá đắt, trong khi quan hệ Trung Quốc - Anh có thể bị đưa vào tình trạng không chắc chắn" - The Guardian dẫn lập luận của Tân Hoa xã.

Chuyện các công ty Trung Quốc bị chính phủ các nước ngăn trở việc đầu tư vào những công trình lớn, tầm quốc gia và liên quan tới lĩnh vực năng lượng, hạt nhân không phải hiếm. Trong tháng 8, phía Úc đã ngăn người Trung Quốc thuê mạng lưới điện quốc gia lớn nhất tại đây cũng vì lý do an ninh.

"Nhận xét (của bà May) phản ánh thực tế rằng một số nước phương Tây vẫn còn ôm một mối hiểu lầm trầm trọng về Trung Quốc. Hãy để chúng tôi hy vọng rằng London thoát khỏi mối ám ảnh về Trung Quốc và làm việc cùng Bắc Kinh trong vấn đề đảm bảo sự tiến triển tốt đẹp của công trình này", theo Tân Hoa xã.

>Phiên trả lời chất vấn đầu tiên của tân Thủ tướng Anh - Theresa May

>Angela Merkel và Theresa May: Sức mạnh của "bóng hồng"

> Trung Quốc sẽ xây nhà máy điện hạt nhân tại Anh?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan hệ Anh - Trung Quốc nhìn từ Hinkley Point C
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO