Quan hệ Á - Âu: Đôi bờ

THANH TÂM| 22/10/2010 00:28

Cả châu Á và châu Âu đều chủ trương đa nguyên hóa thế giới. Đây là cơ sở quan trọng trong hợp tác chính trị Á - Âu. Tuy nhiên, bản thân nội bộ châu Âu đã rất khó tìm kiếm tiếng nói chung.

Quan hệ Á - Âu: Đôi bờ

Hội nghị Thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Brussels (Bỉ) với sự góp mặt của không dưới 46 thành viên và đại diện Liên minh Châu Âu (EU) cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào thượng tuần tháng Mười đã khép lại. Tuy nhiên, dư âm của lời ca thán dai dẳng nhất trong hội nghị vẫn chưa phai: Hiệp hội Á - Âu sẽ mãi chỉ là giấc mơ?

Hai mươi lăm quốc gia sáng lập đã tổ chức ASEM lần đầu tiên vào năm 1996 tại Bangkok (Thái Lan). Trải qua 15 năm ròng, dù phát triển về quy mô, nhưng hội nghị vẫn chưa hoàn thành mục tiêu lớn nhất là xây dựng Hiệp hội Á - Âu.

Cả châu Á và châu Âu đều chủ trương đa nguyên hóa thế giới. Đây là cơ sở quan trọng trong hợp tác chính trị Á - Âu. Tuy nhiên, bản thân nội bộ châu Âu đã rất khó tìm kiếm tiếng nói chung. Thậm chí, cả Hiệp ước Lisbon, nhằm tăng cường sự gắn kết chính sách đối ngoại các quốc gia thành viên châu Âu, cũng chỉ khiến tình hình càng tồi tệ hơn.

Nói về vấn đề này, nhà ngoại giao đã về hưu người Singapore Kishore Mahbubani phát biểu trên tờ Time: “Châu Âu không nhìn ra mình đang sống tách rời khỏi thế giới”. Cụ thể, cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng Chín, nội dung là sẽ chú tâm cải thiện quan hệ ngoại giao, nhưng các thành viên EU lại chỉ xào xáo chuyện Pháp trục xuất người Roma nhập cư.

EU đã có đơn xin gia nhập Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Tuy nhiên, 10 thành viên ASEAN, Úc, Trung Quốc (TQ), Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc cộng thêm Nga và Mỹ sẽ gia nhập năm 2011, lại thẳng thừng từ chối. Lý do ban đầu được đưa ra là vi phạm nguyên tắc gia nhập “chỉ chấp nhận từng thành viên chứ không đồng ý cho cả nhóm đồng loạt bước vào”.

Và dù trở ngại đó được thông qua, ASEAN vẫn phớt lờ mong muốn của EU. Bà Shada Islam thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu phê bình: “Cho đến hiện tại, cam kết hợp tác quốc tế của EU chỉ là lời nói mớ giữa ban ngày... EU chưa sẵn sàng có một ghế trong bàn đàm phán các chiến lược lớn”.

Triển vọng le lói của quá trình gắn kết Á - Âu là tăng trưởng thương mại giữa EU và các thành viên châu Á trong ASEM: tăng 25% trong nửa đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm ngoái. Và một gương mặt tích cực vun đắp tình hữu nghị giữa hai bên là TQ. Con rồng châu Á đánh giá cao châu Âu và đồng EUR, nên tích cực đầu tư vào Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Một số chuyên gia cho rằng, tình bằng hữu này được xây dựng trên những toan tính. TQ muốn giảm sự công kích của Hoa Kỳ và châu Âu về tỷ giá đồng nhân dân tệ, đồng thời đối tốt với châu Âu do quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật đang ở hồi căng thẳng...

Tuy nhiên, để đáp lại thịnh tình này thì EU phải chia sẻ hai trong tám ghế trên dàn lãnh đạo tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như yêu cầu của châu Á. Mặc dù yêu cầu này đưa ra đã khá lâu, nhưng các nước nằm trên lục địa già không muốn từ bỏ những đặc quyền của họ nên từ chối mọi cuộc thương lượng về tăng quyền bỏ phiếu của các nền kinh tế mới nổi thông qua hạn ngạch thành viên.

Chưa kể, ngoài bất đồng về tiền tệ, nhân cuộc họp thượng đỉnh với TQ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi Bắc Kinh có những tiến bộ về mặt nhân quyền, đặc biệt là phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Bất đồng về vấn đề này đã dẫn tới một sự kiện bất bình thường là cuộc họp báo chung Liên Hiệp Châu Âu - TQ đã bị hủy bỏ, với lý do chính thức là “không có thời gian”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan hệ Á - Âu: Đôi bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO