![]() |
Trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, nhiều quốc gia châu Á đang đẩy mạnh phát triển nhà máy điện hạt nhân, bất chấp những lo ngại về độ an toàn, mức độ ô nhiễm và chi phí đắt đỏ.
Kể từ thời điểm Liên Xô công bố nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới Obninsk (27/6/1954), sau 55 năm, thế giới hiện có 435 nhà máy điện hạt nhân, sản xuất 373 gigawatt, đáp ứng 15% nhu cầu dùng điện toàn thế giới (theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA).
![]() |
Mục tiêu Trung Quốc đạt 70 gigawatt vào năm 2020 và 400 gigawatt vào năm 2050. |
Tính đến nay, Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất, với 104 nhà máy, sản xuất 102 gigawatt, đáp ứng 19,7% nhu cầu điện trong nước. Đặc biệt những năm 1970, xây thêm 47 nhà máy điện hạt nhân. Từ năm 1980 - 2008, lượng điện sản xuất tăng từ 251 lên thành 809 tỷ kWh. Pháp có 59 nhà máy điện hạt nhân, đáp ứng đến 72,9% nhu cầu điện trong nước.
Tuy nhiên, khu vực châu Á đang đi đầu trong việc quan tâm sử dụng điện hạt nhân. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ có tốc độ phát triển năng lượng nguyên tử nhanh nhất hiện nay. Theo một báo cáo của IAEA, với 18 trên 32 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và nhiều lò đang dự kiến sẽ xây dựng tại khu vực.
Nhiều nước đang phát triển như Argentina, Brazil và Nam Phi đang dự tính mở rộng hoạt động các nhà máy có sẵn. Các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya... đang xem xét việc xây dựng các lò phản ứng năng lượng đầu tiên của mình. Tuy nhiên, có những nước như Úc ngừng triển khai phát triển điện hạt nhân vì lý do an toàn.
Theo ước tính của IAEA, năng lượng hạt nhân có thể sẽ đạt mức tăng gấp đôi trong hai thập niên tới, đạt mức 691 gigawatt, chiếm 13,3% trong tổng lượng điện sản xuất ra trên toàn thế giới. |
Bùng nổ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang diễn ra tại TQ. Trong 10 năm tới, số lượng nhà máy điện hạt nhân xây mới sẽ nhiều gấp ba lần tổng số nhà máy điện hạt nhân các quốc gia còn lại sẽ xây. Hiện tại, 11 nhà máy điện hạt nhân có thể sản xuất 9 gigawatt điện, cung cấp 2,7% nhu cầu toàn quốc. Mục tiêu TQ là đạt 70 gigawatt nào năm 2020 và 400 gigawatt vào năm 2050.
Trong lúc đó, Tổ chức Hòa bình Xanh lại phản ứng chống lại những nhà máy điện hạt nhân vì không chỉ đắt đỏ, kém hiệu quả mà còn cực kỳ nguy hại cho môi trường. Nguy hiểm hơn là rủi ro của các vụ rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân không giảm đi sau nhiều thập niên qua. Chính vì vậy, mặc dù đặt tham vọng lớn nhưng chính quyền TQ thời gian gần đây đã phải cảnh báo về những dấu hiệu phát triển năng lượng hạt nhân “không thích hợp” và “quá nhanh” tại một số vùng. Zhang Goubao, lãnh đạo Cục Năng lượng Quốc gia cho biết: “Chúng tôi thà tiến chậm hơn và đạt kết quả ít hơn thay vì đối mặt với những mối lo phát sinh từ năng lượng hạt nhân”.
Thậm chí, các nhà chức trách đã bắt giam chủ tịch đầy quyền lực của Công ty Điện hạt nhân Quốc gia TQ Kang Rixin do dính líu đến vụ hối lộ 260 triệu USD để thắng thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy vụ án không nhắc gì đến tình trạng an toàn hay chất lượng của những nhà máy hạt nhân, nhưng nó cũng là bằng chứng để thấy việc chọn thầu nhiều nhà máy hạt nhân xây dựng tại TQ đã không dựa trên tiêu chí an toàn. Philippe Jamet, giám đốc bộ phận an toàn lắp đặt hạt nhân của IAEA, nói rằng các nước còn xa lạ hoặc đang làm quen với điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, vì có thể học từ sai lầm đối với các lĩnh vực khác nhưng với điện hạt nhân thì không.