Phố Wall hồi sinh

22/05/2013 09:02

JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Citigroup đang quay trở lại đường đua khi chiếm tới 1/3 doanh thu của ngành ngân hàng đầu tư.

Phố Wall hồi sinh

JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Citigroup đang quay trở lại đường đua khi chiếm tới 1/3 doanh thu của ngành ngân hàng đầu tư.

Giới tài chính Phố Wall không thể quên được mùa hè kinh hoàng của năm 2008 khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ (tháng 9.2008), Merill Lynch lọt vào tay Bank of America.

Tập đoàn Bảo hiểm American International Group (AIG) và Citigroup cũng phải nhờ đến tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ. Làn sóng khủng hoảng, bắt nguồn từ Lehman Brothers, đã nhanh chóng lan rộng khắp hệ thống tài chính Mỹ, làm rúng động toàn cầu. Ông Hank Paulson, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó, cũng không giấu nổi sự bàng hoàng: “Nếu mất cả Morgan Stanley lẫn Goldman Sachs thì toàn bộ hệ thống tài chính sẽ sụp đổ”.

Phía bên kia Đại Tây Dương, các ngân hàng châu Âu xem cuộc khủng hoảng là cơ hội để giành lấy pháo đài từ các tổ chức tài chính Mỹ. Ngay khi Lehman Brothers sụp đổ, Barclays (Anh) đã nhanh chóng mua lại các cơ sở tại Mỹ của ngân hàng đầu tư này. Deutsche Bank (Đức) cũng nhanh chóng bành trướng để giành thị trường từ các đối thủ Mỹ. Với sự tràn vào quá mạnh mẽ của các ngân hàng châu Âu, dường như thời kỳ nắm trọn các thị trường vốn quốc tế của các tổ chức tài chính Mỹ đã đến hồi chấm dứt.

Thế nhưng, đã gần 5 năm trôi qua, không phải các tổ chức tài chính Mỹ mà chính các ngân hàng châu Âu mới là những tổ chức đang loạng choạng. Hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS và Credit Suisse đang phải bán đi tài sản để tự cứu lấy mình. Royal Bank of Scotland, từng có thời gian ngắn lọt vào top 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, nay vẫn là ngân hàng do Chính phủ Anh sở hữu một phần. Cả Royal Bank Scotland lẫn Lloys Banking Group đều lỗ ròng trong năm 2012.

Thị phần của các ngân hàng châu Âu trên thị trường ngân hàng đầu tư thế giới cũng đã giảm tới 1/5 tính từ khi khủng hoảng diễn ra. Phần lớn thị phần mất đi lọt vào tay một số tổ chức tài chính còn sống sót của Phố Wall. Chỉ riêng JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Citigroup hiện chiếm tới 1/3 doanh thu của ngành ngân hàng đầu tư.

Barclays và Deutsche Bank đã giành được một phần trong miếng bánh lớn này kể từ khủng hoảng. Tuy nhiên, cả hai đều đang vấp phải các quy định chặt chẽ hơn tại thị trường nội địa lẫn ở nước ngoài. Còn HSBC, mặc dù đã tăng được thị phần trên một số thị trường ngân hàng đầu tư, nhưng vẫn bị các đối thủ tại Phố Wall bỏ lại đằng sau.

Một trong những lý do khiến các ngân hàng Mỹ hiện ở vị thế tốt hơn các ngân hàng châu Âu là vì họ chấp nhận đau một lần để giải quyết các ung nhọt trong tổ chức và họ làm điều đó nhanh hơn các đối thủ châu Âu. Hơn nữa, giới điều hành chính sách Mỹ đã rất nhanh chóng bắt tay hành động, buộc các ngân hàng nước họ phải giảm mạnh nợ xấu và huy động nhiều vốn hơn để nâng cao sức mạnh tài chính. Kết quả là các ngân hàng lớn của Mỹ nay đã có thể quay trở lại thời kỳ sinh lợi, trả lại tiền cho Chính phủ và hỗ trợ cho vay ra nền kinh tế. Sự quay lại của các ngân hàng Mỹ đã hỗ trợ cho sự phục hồi đang diễn ra tại Mỹ (mặc dù yếu ớt).

Trong khi các ngân hàng Mỹ đã quay trở lại đường đua thì các ngân hàng châu Âu vẫn phải tiếp tục giảm mạnh bảng cân đối kế toán và cứ què quặt với tình trạng thiếu vốn dai dẳng. Deutsche Bank trước đó từng khăng khăng cho rằng mình không cần tăng thêm vốn nhưng cuối cùng phải chấp nhận thực tế và dự kiến sẽ huy động gần 4 tỉ USD. Các ngân hàng Anh cũng đang thiếu vốn. Ngân hàng Trung ương Anh cho biết các ngân hàng Anh cần tới 38 tỉ USD vốn mới trong năm nay để có thể chống chọi lại với nền kinh tế đang suy yếu và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang lan rộng. Điều này buộc các ngân hàng do Chính phủ Anh sở hữu một phần như Royal Bank of Scotland và Lloys Banking Group phải tiếp tục bán đi tài sản để huy động vốn.

Sự hồi sinh của các ngân hàng Mỹ là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, các ngân hàng này sẽ chật vật làm ăn trên một thị trường hoàn toàn khác với thị trường họ đã chiếm lĩnh 5 năm trước. Năm 2009, ngành ngân hàng đầu tư đã tạo ra tổng doanh thu tới 341 tỉ USD, nhưng đến năm 2012, con số này chỉ còn 233 tỉ USD. Số nhân viên trong ngành tài chính cũng giảm mạnh. Chỉ riêng tại trung tâm tài chính London đã có 100.000 việc làm bị mất đi. Mức lương thưởng cũng giảm theo. Các quy định về tỉ lệ an toàn vốn cao hơn và các quy định khác, trong đó có đạo luật Dodd-Frank, dường như đang làm xói mòn khả năng sinh lợi của ngành.

Và đặc biệt, những khoản lợi nhuận kếch xù các ngân hàng kiếm được trong giai đoạn trước khủng hoảng giờ sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, ROE (lợi nhuận/vốn) của các ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đã giảm tới phân nửa, còn chỉ khoảng 10% ở châu Âu và 13% ở Mỹ. Triển vọng sắp tới cũng kém lạc quan hơn với việc mức lợi nhuận có thể sẽ giảm còn chỉ 6-9% khi các quy định mới trong ngành được thực thi. “Ngày càng nhiều người nhận ra rằng mọi thứ sẽ không quay trở về như trước kia nữa”, Tổng Giám đốc Brady Dougan của Credit Suisse, nhận xét

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phố Wall hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO