PCA: Trung Quốc không có quyền lịch sử bên trong đường 9 đoạn

P.V| 13/07/2016 06:43

Tòa Trọng tài Thường trực kết luận Trung Quốc không có quyền lịch sử bên trong "đường 9 đoạn" vốn vẫn được nước này tuyên bố chủ quyền.

PCA: Trung Quốc không có quyền lịch sử bên trong đường 9 đoạn

Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) hôm 12/7 đã đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Theo đó, PCA kết luận Trung Quốc không có quyền lịch sử bên trong "đường 9 đoạn" vốn vẫn được nước này tuyên bố chủ quyền.

Thông cáo báo chí của PCA phát đi từ The Hague (Hà Lan) có nội dung chính như sau:

Về "Đường 9 đoạn":

"Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn".

Về quy chế của các cấu trúc:

"Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Tòa nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có".

Về tính pháp lý của các hoạt động của Trung Quốc:

"Tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Tòa cũng khẳng định rằng ngư dân từ Philippines (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở Bãi Scarborough và rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này. Toà cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines.

Về việc tác động đến môi trường biển:

"Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt".

Về việc làm "phức tạp thêm tranh chấp":

"Tòa nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên".

Hơn 3 năm trước, vào ngày 22/1/2013, Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc về 4 vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc ở Biển Đông:

Thứ nhất, Philippines muốn Tòa phán quyết về nguồn luật quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trên Biển Đông và hiệu lực của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (Công ước) đối với yêu sách về quyền lịch sử bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Thứ hai, Philippines muốn Tòa phán quyết về việc liệu một số cấu trúc mà cả Trung Quốc và Philippines cùng yêu sách được xác định chính xác là đảo, đảo đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm theo Công ước. Quy chế pháp lý của các cấu trúc này theo Công ước quyết định vùng biển mà những cấu trúc đó có thể có được.

Thứ ba, Philippines muốn Tòa phán quyết liệu một số hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có vi phạm Công ước không khi can thiệp vào việc Philippines thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do phù hợp với Công ước, cũng như Trung Quốc đã làm tổn hại đến môi trường biển thông qua các hoạt động đánh cá và xây dựng.

Cuối cùng, Philippines muốn Tòa phán quyết về một số hoạt động do Trung Quốc tiến hành, cụ thể là việc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa kể từ khi vụ kiện bắt đầu đến nay đã làm mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.

Chính phủ Trung Quốc khi đó đã đưa ra quan điểm không chấp nhận và không tham gia vào trình tự tố tụng của vụ kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
PCA: Trung Quốc không có quyền lịch sử bên trong đường 9 đoạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO