Nước cờ kinh tế - chính trị của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

THÁI BẢO| 16/08/2016 01:00

Cuộc gặp gỡ được đánh giá thành công giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã mở ra nhiều đổi thay về chính trị, ngoại giao bên cạnh lợi ích kinh tế của cả hai bên.

Nước cờ kinh tế - chính trị của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc gặp gỡ được đánh giá thành công giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã mở ra nhiều đổi thay về chính trị, ngoại giao bên cạnh lợi ích kinh tế của cả hai bên.

Đọc E-paper

Ngày 9/8, Tổng thống Erdogan đến St. Petersburg - nơi ông hội kiến với Tổng thống Nga Putin. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Erdogan từ sau khi dập tắt cuộc đảo chính vào giữa tháng 7 qua. Chuyến đi này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông quốc tế.

Lợi ích kinh tế

Trước khi sang Nga gặp ông Putin, ông Erdogan đã trả lời phỏng vấn của Hãng tin TASS. Trong đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi người đồng cấp phía Nga là "Vladimir thân mến". Đó là biểu tượng cho một sự hàn gắn rất nhanh, nếu biết rằng mối quan hệ của cả hai rất căng thẳng trước đó.

Tháng 11/2015, một chiếc tiêm kích của Nga bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, gián tiếp dẫn tới cái chết của một phi công Nga. Phía Nga đã tỏ ra cứng rắn bằng lệnh trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara quyết không đưa ra lời xin lỗi đến Điện Kremlin. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm nay, mọi thứ đã ôn hòa hơn. Ông Erdogan xin lỗi Nga, và ông Putin gọi điện cho người đồng cấp bày tỏ sự cảm thông về tình hình chính trị của vụ đảo chính bất thành.

Đó là sự giao hảo bên ngoài. Trên thực tế, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều thấy cần phải đặt lợi ích kinh tế của quốc gia lên hàng đầu.

Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ chịu áp lực rất lớn sau lệnh cấm vận của Nga nhằm vào kinh tế, du lịch và thị thực. Việc tháo gỡ nút thắt này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ hồi phục phần nào ngành du lịch, nhất là khi họ bị các cuộc khủng bố ở Istanbul làm thất thu.

Tuncay Ozilhan, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Nga nhận định, cuộc gặp giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin mang theo kỳ vọng thúc đẩy kinh tế song phương hai nước lên 100 tỷ USD.

Trong khi đó, Nga cũng gặp áp lực từ việc bị Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trừng phạt kinh tế, liên quan tới vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine mà phương Tây tố Nga dính líu.

Về năng lượng, nguồn thu lớn của Nga đang chịu gánh nặng từ giá thị trường quốc tế và lệnh cấm vận, việc cam kết xây dựng đường ống gas "Turkish Stream" trị giá hàng tỷ USD có thể dẫn tới một lối thoát cho cả hai phía.

Nước cờ chính trị

Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rất nhạy cảm, đơn giản vì Thổ Nhĩ Kỳ là một phần châu Âu và hơn hết là một trong những thành viên quan trọng nhất của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khi đó mối quan hệ giữa Nga và NATO đang bị đánh giá "lạnh nhất sau thời chiến tranh lạnh".

Sputnik, hãng tin của Nga, ngày 11/8 có bài bình luận cho rằng cuộc gặp gỡ giữa Putin và Erdogan đã "gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ, NATO". Theo đó, bên cạnh những lợi ích kinh tế song phương, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc "thương lượng lợi ích" ngoại giao, kinh tế với phương Tây.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ và NATO dõi theo cuộc gặp trên là những thỏa thuận về tình hình Syria. Trước đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có sự khác biệt rất lớn khi Điện Kremlin ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Ankara theo lập trường tương tự phương Tây. Một cái bắt tay giữa hai bên vào lúc này sẽ góp phần quan trọng tới cục diện Syria, vốn đã quá rối rắm với hàng chục bên đấu nhau.

"Cuộc gặp giữa Putin và Erdogan, theo quan điểm của tôi, đã cho thấy quyết tâm của hai bên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ có sự hợp tác trong cơ chế ngoại giao và quân sự" - Giáo sư Mesut Hakki Casino, một cựu sĩ quan quân đội đã giảng dạy tại các trường quân sự về quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế trong 16 năm, nói với Sputnik.

Tạp chí ngoại giao National Interest ngày 9/8 cũng cho rằng NATO không thể không săm soi cẩn trọng trước viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và Nga "lập hội" với nhau. Mối quan tâm này có thực, khi phát ngôn viên của NATO, bà Oana Lungescu, nói rằng tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ "không bị đặt dấu hỏi", và phát ngôn viên của ông Erdogan, Ibrahim Kalin, thì khẳng định Ankara vẫn là thành viên mạnh mẽ của khối và không đề cập gì tới việc rời NATO.

>Sau đảo chính, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt khó khăn

>Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó vì nguy cơ khủng bố

> Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Đằng sau lệnh cấm vận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước cờ kinh tế - chính trị của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO