Nụ hôn trong tranh

Y CHIÊU| 14/02/2012 09:13

Nụ hôn là một biểu hiện của tình yêu nam – nữ và là đề tài của nghệ thuật tạo hình từ xưa đến nay. Trước thềm ngày Valentine 14/2, xin giới thiệu một số tuyệt tác mỹ thuật có đề tài nụ hôn.

Nụ hôn trong tranh

Nụ hôn là một biểu hiện của tình yêu nam – nữ và là đề tài của nghệ thuật tạo hình từ xưa đến nay. Trước thềm ngày Valentine 14/2, xin giới thiệu một số tuyệt tác mỹ thuật có đề tài nụ hôn.

>>Ngày Lễ Tình nhân đặc biệt

Nụ hôn của Gustav Klimt

Nổi tiếng nhất, được biết đến nhiều nhất vẫn là tác phẩm Nụ hôn của nhà danh họa Áo Gustav Klimt (1862-1918), được sáng tác vào khoảng năm 1907-1908, đỉnh cao của “thời hoàng kim” của ông, khi Klimt vẽ những tuyệt tác của mình.

Nụ hôn mô tả một đôi lứa đang ôm hôn nhau, thân thể họ trong trang phục như thành một khối vàng với bố cục, màu sắc và các chi tiết trong tranh thể hiện phong cách Art Nouveau của Vienna mà tác giả là đại diện lớn nhất.

Gustav Klimt vẽ Nụ hôn năm 45 tuổi, khi ông vẫn còn sống trong gia đình với mẹ và hai cô em chưa lập gia đình; có người cho rằng ông vẽ chính mình với nàng Emilie Flöge, người yêu của ông dù chưa có cơ sở hay bằng chứng nào khẳng định điều ấy.

Lại có người cho rằng nhân vật nữ trong tranh là nàng “Hilda Đỏ” - một người mẫu mà Klimt yêu thích, thường vẽ. Nụ hôn là tác phẩm hội họa hiện đại được ưa thích nhất, là bức tranh được vẽ lại hay in phiên bản nhiều nhất từ trước đến nay. Hiện tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Österreichische trong cung điện Belvedere ở thủ đô Vienna của Áo.

Nụ hôn của Francesco Hayez

Tuy nhiên, trước Nụ hôn của Gustav Klimt thì hội họa thế giới đã có một tác phẩm cùng tên của họa sĩ Ý Francesco Hayez (1791-1881), được coi là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của ông và cũng là một trong những bức tranh tiêu biểu của trào lưu Lãng mạn trong hội họa Ý. Được vẽ năm 1859, bức tranh mô tả đôi tình nhân thời Trung cổ đang ôm hôn nhau - một nụ hôn đam mê bậc nhất trong lịch sử hội họa phương Tây.

Trước Francesco Hayez, họa sĩ Pháp Jean- Honoré Fragonard (1732-1806), người theo phong cách hội họa Roccoco, cũng đã vẽ nhiều tranh về nụ hôn, nổi tiếng nhất là bức Hôn trộm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage ở St Petersburg (Nga), mô tả một tình yêu trong sáng của đôi trai gái, chàng chỉ dám hôn trộm lên má nàng.

Hôn trộm của Jean Fragonard

Fragonard đã vẽ lại cảnh nhân vật Cherubino hôn nàng Barbarina trong vở nhạc kịch Đám cưới Figaro của Mozart nhưng nụ hôn ấy đã trở thành bất tử! Ông còn vẽ đôi bức nữa cũng thể hiện tình yêu thơ ngây như thế.

Maxmilian Pirner (1854-1924), một họa sĩ người Czech chưa được biết đến nhiều đã có tác phẩm Hoa nở rộ mô tả nụ hôn nồng cháy của đôi lứa đang yêu trên con thuyền bên bờ sông vắng. Tranh hiện trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Prague.

Hoa nở rộ của Maxmilian Pirner

Riêng nụ hôn của Romeo và Juliet trong kịch Shakespeare cũng được nhiều họa sĩ thể hiện trong tranh, như họa sĩ người Anh Frank Bernard Dicksee (1853-1928) hay họa sĩ Pháp Madox Brown (1821-1893).

Romeo và Juliet của Madox Brown

Thời hiện đại có rất nhiều nhà danh họa đã đưa nụ hôn vào tác phẩm của mình như Picasso, Henri de Toulouse- Lautrec, Robert Delaunay,
Edvaard Munch…

Tình nhân bên biển của Picasso (1931)

Riêng Picasso đã vẽ nhiều tác phẩm về nụ hôn, từ Thời kỳ Xanh cho đến giai đoạn Lập thể rực rỡ nhất của thiên tài hội họa này. Là một người tình bền lâu bậc nhất với hàng chục người đẹp từng đi qua cuộc đời ông, dễ hiểu vì sao Picasso vẽ nhiều tác phẩm thể hiện cung bậc cao nhất của tình yêu như thế.

Hôn trên giường của Henri de Toulouse-Lautrec

Henri de Toulouse-Lautrec vẽ cảnh đôi lứa trên giường yêu đang trao nhau nụ hôn nồng nàn, còn nụ hôn trong tranh của họa sĩ bậc thầy khuynh hướng Biểu hiện Edvaard Munch cũng thật đê mê!

Một tên tuổi lớn của nghệ thuật pop-art Mỹ Roy Lichtenstein cũng có bức Nụ hôn V rất nổi tiếng. Các họa sĩ đương đại vẽ rất nhiều tác phẩm về nụ hôn, trong đó có cả Nhạc Mẫn Quân của Trung Quốc nổi tiếng với những bộ mặt cười…

Nụ hôn của August Rodin

Cũng nổi tiếng và rất được ưa chuộng là hai tác phẩm điêu khắc đều có tên Nụ hôn, một của August Rodin, nhà điêu khắc Pháp lừng danh và một của Constantin Brâncuşi, thiên tài nghệ thuật Rumania. Tác phẩm trước là một biểu tượng bất tử của tình yêu, còn tác phẩm sau là một mẫu mực của điêu khắc trừu tượng mà Constantin Brâncuşi là đại diện lớn nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nụ hôn trong tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO