Nụ cười đã tắt

LAM HỒNG| 20/05/2010 08:41

Quân đội nổ súng nhắm vào những người biểu tình và đã có hàng loạt người chết... Căng thẳng tại Thái Lan đã mang dáng dấp một cuộc “nội chiến”, dập tắt nụ cười mà đất nước này mong ước trong ba thập niên qua.

Nụ cười đã tắt

Quân đội nổ súng nhắm vào những người biểu tình và đã có hàng loạt người chết... Căng thẳng tại Thái Lan đã mang dáng dấp một cuộc “nội chiến”, dập tắt nụ cười mà đất nước này mong ước trong ba thập niên qua.

Cuộc chiến đường phố

Xung đột tại Thái Lan đã lên đến đỉnh điểm khi quân đội thẳng tay với phe chống Chính phủ. Binh sĩ sử dụng lựu đạn cay và đã nổ súng nhiều lần để giải tán người biểu tình cố thủ trên đường dẫn đến khu thương mại. Nội trong ngày 15/5, xung đột làm ít nhất sáu người thiệt mạng. Theo nguồn tin từ Bệnh viện Bangkok, tính đến ngày 17/5 đã có tổng cộng 31 người chết và 172 người bị thương.

Người biểu tình bị quân đội bắn bị thương trên đường phố Bangkok

Tuy nhiên, hàng nghìn người áo đỏ vẫn kiên quyết bám trụ sau các chiến lũy trong một khu vực rộng khoảng 3km². Chính quyền hy vọng, biện pháp mạnh cùng vòng vây siết chặt, điện nước và các nguồn thực phẩm bị cắt sẽ khiến những người biểu tình phải ra đi. Trong khi đó, phía bên trong chiến lũy, những thanh niên áo đỏ còn trụ lại lo ngại sẽ có cuộc tắm máu. Mặc dù vậy, nhiều người sẵn sàng thà chết chứ nhất quyết không rời khỏi vị trí.

Thủ tướng Abhisit duy trì khả năng sử dụng vũ lực để giải tán cuộc biểu tình của phe áo đỏ tại thủ đô. Vì vậy, bạo lực dự báo tiếp tục gia tăng. Trước đó, một lãnh đạo của phe áo đỏ, cựu tướng Seh Daeng, một người trung thành với Thủ tướng lưu vong Thaksin, đã bị bắn chết. Theo giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Prawit Wongsuwong, chiến dịch quân sự đang diễn ra nhằm mục đích gây áp lực với phe áo đỏ để buộc họ đàm phán.

Bạo lực gia tăng mang tính chất của một cuộc “nội chiến” tại Thái Lan khiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi cả người biểu tình lẫn giới chức chính phủ "làm mọi cách trong quyền năng của họ nhằm tránh bạo lực và thương vong". Phát ngôn viên Nhà Trắng, PJ Crowley, muốn thấy hai bên giải quyết các khác biệt bằng biện pháp hòa bình, "góp phần củng cố thể chế dân chủ".

Một mối lo nữa, theo các nhà phân tích, là cuộc chiến quyết định tương lai Thái Lan lại diễn ra trên đường phố. "Khi dân chúng tự quyết các vấn đề, kết quả thường không tốt. Thái Lan là một xã hội đồng thuận, nhưng cũng là một xã hội của bạo lực. Sự đồng thuận rất mỏng manh, chỉ cần một tác động nhỏ, nó sẽ bùng cháy”, Jacques Ivanoff thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, bình luận.

Bế tắc của một nền dân chủ nửa vời

Từ Bangkok, phóng viên tờ Bangkok Post Apiradee cho Doanh Nhân Sài Gòn biết: “Mỗi sáng, khi thức giấc, điều đầu tiên chúng tôi cầu mong là tất cả trở lại bình yên như cũ. Tất cả chỉ là giả hiệu”. Còn nhớ cách đây bốn năm, anh bạn Tom làm việc tại Quỹ Tưởng niệm Đông Dương (IMMF) cũng nói điều tương tự: “Tôi sẽ đá đít Thaksin!” để bày tỏ thái độ trước sự lạm quyền của chính phủ Thaksin. Bốn năm đã trôi qua, dù Thaksin đã phải sống lưu vong nhưng Tom lại có thêm một nhân vật để “đá đít” vì Thái Lan dường như lún sâu hơn vào những điều tồi tệ nhất.

Kể từ khi thành lập nhà nước quân chủ lập hiến năm 1932, Thái Lan đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng chính trị, trong đó có 18 vụ đảo chính thành hoặc bất thành. Nước này cũng thường phải chứng kiến tình trạng xung đột giữa quân đội và người biểu tình, điển hình là năm 1992, khi đích thân Quốc vương Bhumibol Adulyadej phải can thiệp để chấm dứt xung đột.

Khủng hoảng hiện nay ở Thái Lan bắt nguồn từ những vấn đề trong chính xã hội Thái và đã tồn tại hàng chục năm. Tầng lớp trên sống ở Bangkok, giàu có, đều được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế những năm 60. Còn ở vùng nông thôn miền Bắc và Đông Bắc, đông đảo nông dân ngày càng bất bình bởi họ ít được hưởng thành quả của sự tăng trưởng.

Kể từ trung tuần tháng Ba, người dân Thái Lan đã phải chứng kiến tình trạng bạo lực phe phái nghiêm trọng nhất trong 18 năm qua. Những người biểu tình áo đỏ, ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn, chủ yếu ở thủ đô Bangkok, với yêu sách đòi chính phủ của Thủ tướng Abhisit lập tức giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Chính phủ đã từ chối đề nghị này và cuộc khủng hoảng chính trị đã rơi vào bế tắc suốt hai tháng qua.

Ngày 5/5, Quốc vương Bhumipol, 82 tuổi, nằm viện từ tháng 9 năm ngoái, đã tạm rời bệnh viện để đến Hoàng cung tham dự lễ kỷ niệm 60 năm đăng quang. Trong lần phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi có các cuộc biểu tình phản kháng của phe áo đỏ, Quốc vương Bhumipol chỉ nói đến sự cần thiết của hòa bình, chứ không nhắc đến cuộc khủng hoảng. Nhưng thực sự Thái Lan đã rơi vào khủng hoảng.

Rối loạn chính trị đã trở nên thường xuyên kể từ năm 2006, khi Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Những người biểu tình áo đỏ thuộc Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống Độc tài (UDD), là những người dân nghèo chủ yếu từ khu vực Bắc và Đông Bắc Thái Lan, ủng hộ Thaksin. Thủ tướng đương nhiệm Abhisit được phe áo vàng thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) hậu thuẫn. Đây là nhóm dân sự gồm những người chủ yếu thuộc thành phần trung và thượng lưu ở Thái Lan. Nhóm này phản đối những hoạt động của phe áo đỏ và chống lại Thaksin.

Thaksin Sinawatra, thủ tướng theo đường lối dân túy, giành chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử để rồi sau đó bị lật đổ trong đảo chính năm 2006, khiến sự chia rẽ trong xã hội tăng lên. Tầng lớp trung lưu sống ở thành thị của Thái Lan, vốn đã bị sự lạm dụng quyền hành của ông Thaksin làm thất vọng một cách cay đắng và lo lắng ông này trao quyền cho người nghèo.

Vì vậy, thay vì thách thức Thaksin thông qua tiến trình dân chủ, họ đã lật đổ chế độ dân chủ bằng một cuộc đảo chính quân sự! Việc tầng lớp trung lưu buộc chế độ dân chủ phải lùi bước bằng cách đảo chính đã tước đi quyền bầu cử của người nghèo, gây ra nhiều cuộc phản kháng mạnh mẽ hơn và chia rẽ Thái Lan một cách trầm trọng.

Một số người muốn xem những lộn xộn đang diễn ra tại Thái Lan như cơ hội để nghi ngờ hiệu quả của thể chế tự do bầu cử trước cản trở của truyền thống độc tài, tham nhũng, gia đình trị, phe nhóm trị vốn bám rễ rất sâu ở những nước đang phát triển. Quân đội Thái Lan phải dùng sức mạnh để trấn áp cho thấy tầng lớp trung lưu, từng thúc đẩy thực thi dân chủ thông qua quyền tự do chính trị hiện nay, nay cũng dùng đến những chiến thuật ngoài luật pháp và không dân chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nụ cười đã tắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO