Nợ công Nhật đến hồi báo động

20/05/2010 05:14

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Nhật Bản sẽ phải bắt đầu cắt giảm nợ công khổng lồ thông qua chính sách tăng thuế tiêu thụ.

Nợ công Nhật đến hồi báo động

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Nhật Bản sẽ phải bắt đầu cắt giảm nợ công khổng lồ thông qua chính sách tăng thuế tiêu thụ.

Nợ công tại Nhật hiện tương đương 230% GDP, là mức cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp phát triển. Lời cảnh tỉnh của IMF về nợ công Nhật Bản một lần nữa làm dấy lên mối quan ngại nợ nần đang phủ khắp thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông John Lipsky (giữa), cảnh báo Nhật Bản cần cắt giảm khoản nợ công khổng lồ trong năm tới. Ảnh: World Bank

IMF cho rằng kinh tế phục hồi sẽ cho phép Nhật đưa ra các biện pháp cắt giảm nợ. Tuy nhiên các chính sách thuế có thể lại làm giảm chi tiêu và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. BBC dẫn lời Phó tổng giám đốc của IMF, ông John Lipsky nhận định: "Cùng với sự gia tăng giám sát tài chính công trên phạm vi toàn cầu, thì yêu cầu sớm điều chỉnh chính sách tài chính là điều cấp thiết".

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật sẽ đạt mức 2% trong năm nay và năm tới. Tổ chức này kỳ vọng chính sách thuế tiêu thụ sẽ hỗ trợ chính phủ Nhật tăng nguồn thu ngân sách và giảm nợ công.

Tương tự như nhiều nền kinh tế phát triển khác, Nhật đã tiêu tốn nhiều tiền cho hệ thống tài chính nhằm đẩy lùi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất. Tuy nhiên nếu không tính đến những bất ổn nội tại nền kinh tế trong 2 năm qua, thì chính sách tăng thuế thu nhập có thể sẽ không mang lại hiệu quả như kỳ vọng của chính phủ nước này, do họ đang theo đuổi mục tiêu mở rộng tăng trưởng kinh tế trong suốt 2 thập niên. Trong khi đó, người dân không sẵn lòng chi tiêu mạnh tay khi nền kinh tế đang lâm vào tình trạng giảm phát kéo dài và Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) lại kiên định lấy mục tiêu giảm giá là chính sách hàng đầu.

Các hãng đánh giá đang chực chờ để hạ tín nhiệm của quốc gia có mức nợ công cao hơn 90% so với nợ công của Hy Lạp năm ngoái. Bloomberg dẫn lời của Phó tổng giám đốc Thomas Byrne của hãng đánh giá định mức tín nhiệm Moody’s cho hay định mức tín nhiệm Aa2 của Nhật có thể sẽ được duy trì nếu như kế hoạch tài chính của nước này được công bố trong tháng 6 tới cho thấy những tiến triển khả quan.

Không chỉ đau đầu với vấn đề nợ công, Nhật còn mắc phải rắc rối với vấn đề giảm phát nền kinh tế. Về đấu tranh giảm phát, IMF đưa ra quan điểm chính sách mâu thuẫn với chính sách tăng thuế tiêu thụ của chính phủ Nhật. IMF cho biết: "Việc BOJ điều chỉnh chính sách phù hợp trong thời điểm hiện nay sẽ giúp bình ổn các thị trường tài chính và hỗ trợ nền kinh tế. Để thu hẹp hố cách sản lượng và chống giảm phát cần có các biện pháp nới lỏng, chẳng hạn như kéo dài thời hạn quản lý cung tiền của BOJ". Tuy nhiên yêu cầu giải quyết nợ công tại Nhật nhằm tránh nguy cơ bị đánh rớt tín nhiệm có thể sẽ không cho phép nước này chờ đợi lâu hơn.

Nếu đặt lên bàn cân xem xét vấn đề nợ công và giảm phát tại Nhật, có thể thấy cả hai vấn đề đều mang tính quyết định sống còn đối với kinh tế Nhật. Do đó, vệc tăng thuế tiêu thụ có thể xem là phương sách duy nhất thỏa mãn hai yêu cầu giảm nợ công và chống giảm phát trong thời điểm hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ công Nhật đến hồi báo động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO