Nợ công châu Âu: Mớ bùng nhùng

24/09/2011 08:56

Giữa lúc khủng hoảng nợ công đang ngày càng trầm trọng, các nước châu Âu vẫn lúng túng, chưa biết xử lý như thế nào.

Nợ công châu Âu: Mớ bùng nhùng

Giữa lúc khủng hoảng nợ công đang ngày càng trầm trọng, các nước châu Âu vẫn lúng túng, chưa biết xử lý như thế nào.
Các quốc gia nặng nợ

Một vấn đề lớn đang trở thành tâm điểm của kinh tế thế giới. Đó là khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Hy Lạp rồi qua Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gọi chung là nhóm PIGS - Portugal, Ireland, Greece, Spain. Và cả Ý cũng đối mặt với nguy cơ không trả được nợ. Nợ công của 14/27 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) hiện cao hơn 60% tổng sản phẩm nội địa - mức giới hạn do EU đặt ra.

Hậu quả khó lường

Các biện pháp giải quyết nợ công châu Âu đưa ra đều mang tính chữa cháy, ngắn hạn và không có sự phối hợp đồng bộ giữa các nước với nhau.

Nếu một nước châu Âu nào đó vỡ nợ, ảnh hưởng sẽ không chỉ giới hạn trong biên giới châu lục này vì ngày nay, mọi quốc gia đều có mối liên hệ và tương tác lẫn nhau.

Hơn nữa, kinh tế thế giới, vốn mong manh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có thể sẽ sụp đổ nếu thị trường tài chính châu Âu vỡ nợ với các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). Quy mô thị trường CDS đã lên đến 20.000 tỉ USD, lớn gấp 3 lần món nợ 7.000 tỉ USD của thị trường cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ năm 2007.

Những nước được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ đang phải ra sức thực hiện những chính sách khắc nghiệt như tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công. Ông Nouriel Roubini, người từng dự báo đúng về khủng hoảng tài chính Mỹ vừa qua, nhận định, do kinh tế Mỹ, khu vực đồng euro và Anh đều suy yếu, một cuộc suy thoái kép có thể sẽ sớm diễn ra, ngay trong năm nay. Trước đây, ông dự báo là năm 2013.

Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài vòng xoáy đó. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, vì cuộc khủng hoảng này, đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; bất ổn về tỉ giá và môi trường kinh tế vĩ mô, bảo hiểm rủi ro tín dụng cũng tăng lên.

Châu Âu lúng túng

Hiện nay, châu Âu vẫn chưa thể đưa ra được giải pháp nào hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng nợ công. Các biện pháp đưa ra đều mang tính chất chữa cháy, ngắn hạn và không có sự phối hợp đồng bộ giữa các nước với nhau.

Khó khăn đang chồng chất đối với EU khi các quốc gia thành viên không thể tìm được tiếng nói chung. Đức đã muốn loại Hy Lạp khỏi khu vực đồng euro, nhưng Pháp cho rằng nếu không cứu Hy Lạp, đồng euro sẽ tan rã và đó là lỗi của Đức.

Nhà đầu tư George Soros gợi ý Hy Lạp và Bồ Đào Nha nên rời khu vực đồng euro. 54% người Hà Lan được hỏi ý kiến đã ủng hộ việc tách Hy Lạp khỏi khu vực đồng euro, theo cuộc thăm dò ý kiến của 2 trung tâm Maurice de Hond và No Ties BV. Chính phủ Hà Lan cũng muốn như vậy.

Tuy nhiên, theo ông Amadeu Altafaj-Tardio, người phát ngôn về kinh tế của EU, không hề có cuộc thảo luận nào về vấn đề đưa Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro. “Việc rời bỏ hoặc trục xuất khỏi khu vực cũng không thể thực hiện được trong khuôn khổ Hiệp ước Lisbon, khi tham gia eurozone rồi thì không ra được nữa”, ông nói. Khu vực này đã thành lập Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu trị giá 750 tỉ euro để giúp các nước thành viên gặp khó khăn tài chính và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng. Liệu quỹ này có làm cho euro xuống giá, đẩy lạm phát lên cao? Lạm phát tháng 8 tại châu Âu đã lên 2,5%, hơn mức 2% là mục tiêu của ECB.

Ý tưởng về một loại trái phiếu chung cho khu vực đồng euro cũng đã được nhen nhóm. Ý và Luxemburg ủng hộ ý tưởng này nhưng Đức lại kịch liệt phản đối. Bởi lẽ, Đức (có tỉ lệ nợ công thấp nhất EU) sẽ phải đóng góp rất nhiều nếu Quỹ cần thêm vốn hoặc trái phiếu chung được phát hành.

Các nước đang đứng bên bờ vực vỡ nợ sẽ phải cơ cấu lại nợ công. Nhưng tái cơ cấu nợ ở quy mô lớn sẽ rất phức tạp và đầy rủi ro. Ủy ban châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm về lập pháp, thi hành các quyết định, duy trì các hiệp ước của EU, đã đề nghị tăng thêm quyền cho các nhà giám sát tài chính EU để giám sát các ngân hàng chặt chẽ hơn.

Ông Jean-Claude Trichet, Chủ tịch ECB, thì kêu gọi thành lập, trong dài hạn, “Bộ Tài chính Trung ương cho EU”. Theo ông, Bộ sẽ có trách nhiệm trong ít nhất 3 lĩnh vực: giám sát các chính sách tài khóa và cạnh tranh của các quốc gia, có trách nhiệm về hội nhập tài chính của EU và đại diện cho Liên minh tại các định chế tài chính quốc tế.

Ngày 23/9, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ gặp nhau tại Washington nhằm thảo luận khủng hoảng nợ công và triển vọng kinh tế toàn cầu.

Nhóm BRICS cũng sẽ họp vào ngày 22/9 tại Washington để bàn biện pháp hỗ trợ EU, trong đó có việc mua trái phiếu chính phủ của một số nước nặng nợ công như Trung Quốc đã làm.

Ngày 14/9/2011, Thủ tướng Đức nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Hy Lạp. Cả 3 thống nhất Hy Lạp sẽ ở lại khu vực đồng euro. Và Thủ tướng Hy Lạp cam kết sẽ thực hiện triệt để các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Ngày 9/9, Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo ngân hàng trung ương G7 đã gặp nhau tại Marseille (Pháp) để bàn cách giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu. Nhưng họ chỉ cam kết sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn nhằm giúp kinh tế thế giới phát triển đúng hướng mà không đề ra giải pháp cụ thể nào. Trong khi đó, vào ngày 15/9, một số ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cam kết sẽ cho các ngân hàng châu Âu vay USD không giới hạn.

Theo hãng xếp hạng tín dụng Mỹ Standard & Poor’s, ”tăng trưởng chậm lại tại châu Âu đang làm tăng nguy cơ suy thoái kép” của châu lục này. Tuy nhiên, Jean-Michel Six, nhà kinh tế trưởng về châu Âu của Hãng, cho biết: “Chúng tôi vẫn tin rằng suy thoái kép thật sự sẽ tránh được vì thấy có nhiều nguồn lực cho tăng trưởng trong 18 tháng tới, bao gồm nhu cầu từ các thị trường mới nổi vẫn tăng và đầu tư vốn của doanh nghiệp đang phục hồi, dù chậm chạp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ công châu Âu: Mớ bùng nhùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO