Những lo ngại khi AT&T thâu tóm Time Warner

THÁI DUY| 01/11/2016 00:25

Về lý thuyết, sự kết hợp giữa AT&T với Time Warner rất lý tưởng và thậm chí có thể là xu hướng sáp nhập mới, nhưng bên cạnh đó là nhiều vấn đề liên quan đến độc quyền, an ninh mạng và tự do báo chí...

Những lo ngại khi AT&T thâu tóm Time Warner

Về lý thuyết, sự kết hợp giữa AT&T với Time Warner rất lý tưởng và thậm chí có thể là xu hướng sáp nhập mới, nhưng bên cạnh đó là nhiều vấn đề liên quan đến độc quyền, an ninh mạng và tự do báo chí...

Đọc E-paper

Tuần trước, Hãng Viễn thông AT&T thông báo chốt giao dịch trị giá 85,4 tỷ USD để thâu tóm Tập đoàn Truyền thông Time Warner. Hiện tại, bản hợp đồng khổng lồ này vẫn phải chờ Chính phủ Mỹ xem xét. Tuy nhiên, vụ sáp nhập nhanh chóng thu hút truyền thông quốc tế và làm bật lên nhiều vấn đề.

Sự kết hợp đầy tham vọng

Chưa bàn đến số tiền, riêng hai cái tên của thương vụ này cũng đủ gây chú ý. AT&T là một trong những mạng viễn thông lớn nhất nước Mỹ, trong khi Time Warner là công ty sở hữu những kênh truyền hình danh tiếng, như CNN, HBO, Warner Bros studio, TNT... Nói cách khác, có thể khẳng định AT&T từ một nhà cung cấp hạ tầng điện thoại và internet, nay sẽ lấn sân vào lĩnh vực truyền thông.

Với sức mạnh không dây của AT&T cùng với sự lớn mạnh của CNN, HBO trong hệ thống truyền hình cáp tại Mỹ, không khó khăn để nhiều người liên tưởng tới một sự kết hợp mang tính thời đại: một phiên bản truyền hình trực tuyến, trực tiếp thông qua hạ tầng mạng.

Một cách đơn giản, khán giả truyền hình có thể sử dụng hạ tầng của AT&T để xem tin tức trên CNN, xem phim trên HBO mà chẳng cần gắn cáp hay mua tivi, giống như xu hướng xem phim di động trên Netflix vậy, có điều quy mô của AT&T - Time Warner ăn đứt Netflix. Điều này cũng được CEO của AT&T - ông Randall Stephenson nói trong cuộc trả lời phỏng vấn trên The Wall Street Journal ngày 23/10, khi ông đề cao việc khai thác kho phim và truyền hình khổng lồ từ Time Warner.

AT&T đã có một phiên bản như vậy với tên gọi DirecTV Now - một gói truyền hình trực tuyến chiếu phim và tin tức. DirecTV Now dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 11 này, và hiện phần nội dung đã được AT&T chuẩn bị khá kỹ lưỡng với hơn 100 kênh, đáng chú ý có Disney Channel, NBC Universal, HBO, Turner, AMC Networks, Viacom, Scripps, StarzA + E Networks.

Ngay sau khi công bố chốt hợp đồng với Time Warner, CEO của AT&T nói rằng gói đăng ký cho DirecTV Now chỉ vào khoảng 35USD. Đây là con số gây kinh ngạc cho giới quan sát, vì trước đó họ dự đoán chi phí thuê bao phải ở mức 50 - 70USD.

Chính vì vậy, mức giá trên đang được xem như sẽ "giết" các đối thủ của AT&T, nổi bật là Netflix. Trả lời phỏng vấn CNBC, đồng sáng lập và CEO Netflix - ông Reed Hastings thừa nhận AT&T đang tỏ ra rất hứa hẹn, nhưng đó cũng là cơ hội để Netflix chiêu mộ CEO của Time Warner. Đó có thể là lời khẳng định ngầm của Hastings trước những câu hỏi đại loại như Netflix sẽ sớm bị một đại gia công nghệ như Apple mua lại? Công ty này đã có giá trị gấp 100 lần kể từ lần đầu tiên ra mắt năm 2002, và Hastings bóng gió Netflix sẽ không dễ dàng bỏ cuộc.

Tập trung quyền lực

Vụ sáp nhập giữa AT&T và Time Warner nếu thành hiện thực có thể rất tốt cho việc làm ăn của họ. Tuy nhiên, người tiêu dùng, người dân bình thường và thậm chí cả nước Mỹ liệu có được hưởng lợi?

Trước hết, nếu gói DirecTV Now ra đời cùng giá trị cộng thêm của Time Warner, liệu hệ thống truyền hình cáp truyền thống có sụp đổ? Điều này nghĩa là AT&T hoàn toàn có quyền thắt chặt chuyện bản quyền cho thông tin và phim của họ. Nếu một người không xài mạng AT&T, thay vào đó dùng T-Mobile chẳng hạn, liệu có được xem đài CNN (của Time Warner) không?

Nói cách khác, viễn cảnh sáp nhập của AT&T và Time Warner đang được Chính phủ Mỹ và những nhà vận động chống độc quyền đặc biệt chú ý. Bên cạnh đó, sự sáp nhập này sẽ đánh thẳng vào CNN và tạo ra tiền đề cho những bản hợp đồng tương tự sau đó, nghĩa là vô tình biến báo chí - truyền thông ở Mỹ thành dạng độc quyền, ảnh hưởng tới tính trung thực.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton ngày 26/10 cho biết bà sẽ "theo dõi sát sao" việc xét duyệt hợp đồng trên, và cho rằng nếu may mắn đắc cử tổng thống, bà sẽ yêu cầu xem xét cẩn thận vụ sáp nhập này. Trong khi đó người từng cạnh tranh với bà Clinton bên Đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders kêu gọi ngăn chặn bản hợp đồng này vì nó sẽ tạo ra "một sự tập trung quyền lực khổng lồ”.

Theo ông Sanders, nếu AT&T nắm CNN, đồng nghĩa những trường hợp tương tự sẽ làm giảm sự đa dạng thông tin, ảnh hưởng tới tính dân chủ cốt lõi mà người Mỹ hướng đến. Luận điểm tương tự cũng xuất hiện ở ông Donald Trump, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa.

Thêm vào đó, The Daily Beast tuần trước cũng dẫn các tài liệu khẳng định AT&T đã bí mật vận hành chương trình Project Hemisphere, đánh cắp thông tin người dùng của mạng này để bán cho các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ. Đó chắc chắn là một vụ lùm xùm khiến uy tín của AT&T bị nghi ngờ, và mọi thứ có thể đi xa hơn nếu AT&T nắm luôn nhiều kênh - đài như Fox, CNN...

>Thương vụ mua bán sáp nhập kỷ lục giữa AT&T và Time Warner

>Mua Time Warner, tương lai truyền thông nằm trong tay AT&T

>Mỹ quyết ngăn cản thương vụ 39 tỷ USD của AT&T

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những lo ngại khi AT&T thâu tóm Time Warner
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO