Nhật hạ giá đồng Yên, kinh tế khu vực "điêu đứng"

09/04/2015 03:54

Hàn Quốc và Đài Loan là hai nước đang chịu tác động trực tiếp khi đồng Yên giảm giá.

Nhật hạ giá đồng Yên, kinh tế khu vực

Việc Ngân hàng Trung ương Nhật liên tục hạ giá đồng Yên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kích thích tiêu dùng khiến các nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng.

Trước đây, khi còn là Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Haruhiko Kuroda từng chỉ trích rằng Trung Quốc, trong lúc nâng mức sống của người dân nước mình, đã khiến các nước láng giềng bị ảnh hưởng.

“Mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và giảm nghèo không thực sự trực tiếp, nhưng nếu Trung Quốc giữ một tỷ giá linh hoạt hơn sẽ có lợi cho châu Á”, ông Koruda khi đó nói.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm qua, kể từ khi nắm vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Kuroda liên tục hạ giá đồng Yên, tương tự những gì Trung Quốc làm. Điều này đồng nghĩa với việc ông đang tạo ra tác động lên khu vực châu Á hệt như Trung Quốc, theo tác giả William Pesek của hãng tin Bloomberg.

>>Sự mất giá của đồng yên: Lợi hay hại?

Mục tiêu quan trọng nhất của ông Kuroda ở vị trí đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật là tạo ra mức lạm phát 2% và kéo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP 4,9 nghìn tỷ USD ra khỏi hai thập kỷ giảm phát.

Song không thể phủ nhận rằng việc một đồng Yên yếu đang khiến Nhật Bản gián tiếp xuất khẩu giảm phát sang cả khu vực. Nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu của Đài Loan đang chịu nhiều áp lực từ đồng Yên yếu, và Singapore cũng sẽ sớm nhận thấy điều này.

Hàn Quốc là nước thấy đặc biệt rõ tác động của một đồng Yên yếu. Việc sản lượng công nghiệp của nước này giảm 4,7% vào tháng 2 vừa qua là dấu hiệu mới nhất cho thấy giảm phát đã đến bên ngưỡng cửa. Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc cũng chỉ tăng 0,5% trong cùng tháng và là mức thấp nhất kể từ năm 1999, trong khi xuất khẩu giảm 3,4%.

Các nhà sản xuất Hàn Quốc đã đối phó với tình hình đồng Yên giảm giá 20% bằng cách giảm giá sản phẩm. Thực tế, điều này có nghĩa là dù các chủ doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào, họ vẫn phải tránh mở rộng đầu tư cũng như không tăng lương cho người lao động.

Khi tiền lương giậm chân tại chỗ, người dân hạn chế chi tiêu và tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng theo.

Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc là một ví dụ. Tháng trước, lần đầu tiên trong vòng sáu năm, tập đoàn này quyết định không tăng lương cho công nhân của hãng tại Hàn Quốc do doanh thu tăng chậm và lợi nhuận giảm.

Samsung không gắn quyết định trên với diễn biến của đồng Yên. Song theo các nhà kinh tế, như Roman Man của HSBC, có thể thấy khá rõ là có vấn đề với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào lúc này.

“Chính sách nới lỏng tiền tệ ở Nhật Bản có thể không đẩy các nước láng giềng vào giảm phát ngay lập tức, nhưng áp lực giảm phát rõ ràng là đang gia tăng. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có các chaebol, đã hoàn toàn không tăng lương công nhân. Điều này có nghĩa là ngay cả khi lạm phát giữ ở mức thấp, thì thu nhập thực của người lao động vẫn đang bị giảm đi. Điều này ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng tư nhân”, ông Man nói.

Chừng nào hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục khó khăn, tình hình kinh tế chung của cả khu vực vẫn sẽ mong manh. Trung Quốc đang chật vật với mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay, trong khi sản xuất công nghiệp tại Nhật giảm tới 3,4% trong tháng 2 vừa qua. Việc ông Kuroda tiếp tục hạ giá đồng Yên chỉ là vấn đề thời gian.

Nếu Ngân hàng Trung ương Nhật có thể để lại cho Hàn Quốc bài học nào, thì đó là giảm phát - thách thức khó đối phó nhất đối với các nền kinh tế.

> Xuất hàng đi Nhật, thị trường khó tính số 1
>Đồng yên sẽ gây ra chiến tranh thương mại
>15 DN bị cấm xuất khẩu cá da bò vào Hàn Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật hạ giá đồng Yên, kinh tế khu vực "điêu đứng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO