Nhật Bản: Tiếp thị hạ tầng

THANH TÂM (Theo WSJ)| 07/05/2010 06:34

Trong hai ngày 29 và 30/4, Bộ trưởng Địa ốc - Hạ tầng - Vận tải - Du lịch Seiji Maehara đã đến Washington (Mỹ) nhằm quảng bá hệ thống tàu chất lượng cao - tốc độ nhanh của Nhật.

Nhật Bản: Tiếp thị hạ tầng

Tuần lễ vàng (29/4 - 5/5) là kỳ nghỉ lớn hằng năm của người Nhật. Tuy nhiên, năm 2010 này, một số quan chức kinh tế của xứ sở Mặt trời mọc đã phải công du đến Mỹ và các quốc gia đang phát triển ở châu Á để tìm kiếm cơ hội phát triển hướng đi mới của đất nước: xuất khẩu hạ tầng.

Tàu Shinkansen

Trong hai ngày 29 và 30/4, Bộ trưởng Địa ốc - Hạ tầng - Vận tải - Du lịch Seiji Maehara đã đến Washington (Mỹ) nhằm quảng bá hệ thống tàu chất lượng cao - tốc độ nhanh của Nhật. Mục tiêu của họ là giành thầu dự án đường xe lửa cao tốc 8 tỷ USD mà chính quyền Obama đang từng bước tiến hành.

Trong nước, ngân hàng công Doanh nghiệp Quốc tế Nhật Bản thực hiện chính sách “tập trung hỗ trợ tài chính cho các công ty đấu thầu dự án tàu cao tốc tại các quốc gia phát triển”. Theo đó, Bộ trưởng Chiến lược Kinh tế Yoshito Sengoku dẫn đầu phái đoàn đến Việt Nam để vận động chính phủ chọn liên doanh các công ty Nhật thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam cũng như dự án tàu cao tốc shinkansen Bắc Nam.

Hiroki Mitsumata, Giám đốc Hoạch định chính sách năng lượng hạt nhân thuộc Bộ Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản METI đánh giá: “Nếu không thúc đẩy xuất khẩu hạ tầng cơ sở, Nhật Bản không thể phát triển nhanh và mạnh hơn. Nếu chỉ dùng để thực hiện vài công trình nhỏ trong phạm vi nước Nhật, thì kỹ thuật và công nghệ cao cấp đến mức nào cũng sẽ sớm trở nên lạc hậu”.

Hiện tại, kinh tế quốc nội suy yếu trầm trọng, đồng thời dân số già và giảm sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng giảm trong tương lai. Hơn thế nữa, ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng tại những quốc gia phát triển và đời sống kinh tế - xã hội ngày càng cao tại những quốc gia đang phát triển tạo sự bùng nổ những dự án tàu cao tốc chất lượng cao, nhà máy điện hạt nhân, kỹ thuật năng lượng sạch...

Nắm bắt tình hình đó, chính quyền Thủ tướng Hatoyama quyết định can thiệp sâu vào hoạt động kinh tế, nhằm biến xuất khẩu hạ tầng thành một bộ phận đầy triển vọng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Nhật Bản. Bằng việc cử các bộ trưởng đi tiếp thị cho doanh nghiệp, chính quyền Hatoyama quyết tâm thắng thầu thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều tỷ USD ở nước ngoài.

Chiến dịch này gợi nhớ lại thời kỳ phát triển cực thịnh của Nhật những năm 1960 - 1980. Lúc bấy giờ, chính quyền Nhật đã đóng vai trò cổ động tích cực nhằm quảng bá có hiệu quả những máy móc, thiết bị sản xuất tại Nhật ra khắp thế giới. Đồng thời, các quan chức cấp cao cũng không quên giúp đỡ doanh nghiệp trong nước chống chọi với nhiều đối thủ từ nước ngoài vào.

Ngày nay, các công ty Nhật không chỉ có những đối thủ cũ như Mỹ và châu Âu, mà còn phải đương đầu với nhiều đối thủ mới xuất hiện như Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Mitsumata phát biểu: “Sau khi đấu thầu thất bại dự án 20 tỷ USD nhà máy điện hạt nhân tại Abu Dhabi trước Hàn Quốc và dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trước Nga, Nhật đã thấm thía tầm quan trọng của việc đoàn kết toàn dân tộc”.

METI đánh giá những dự án xây mới và tu sửa những nhà máy điện hạt nhân toàn cầu sẽ đem đến nhiều cơ hội kinh doanh có tổng giá trị 1,9 ngàn tỷ USD. Và họ tự tin rằng Nhật Bản sẽ không mất quá nhiều thời gian để “ôn lại bài học cũ” về sự phối hợp tất yếu giữa chính quyền công và doanh nghiệp tư trên đường phát triển đất nước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản: Tiếp thị hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO