Nhật Bản: Khơi dậy tinh thần doanh nhân

HÀ CÚC| 04/09/2013 00:26

Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, Sony, Honda và Toyota đã trở thành những tên tuổi hàng đầu của thế giới nhờ tinh thần đổi mới và mạo hiểm. "Abenomics" muốn làm sống dậy tinh thần này trong thế kỷ XXI.

Nhật Bản: Khơi dậy tinh thần doanh nhân

Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, Sony, Honda và Toyota đã trở thành những tên tuổi hàng đầu của thế giới nhờ tinh thần đổi mới và mạo hiểm. "Abenomics" muốn làm sống dậy tinh thần này trong thế kỷ XXI.

Đọc E-paper

Thủ tướng Abe đã tung ra kế hoạch "Abenomics" nhằm vực dậy nền kinh tế Nhật Bản đã suy trầm trong gần hai thập kỷ qua. Đó là một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng dài hạn, gồm gói kích thích kinh tế lên đến 20.200 tỷ yên (226,5 tỷ USD), khoản ngân sách khổng lồ 92.610 tỷ yên (906.2 tỷ USD) đầu tư cho các công trình công cộng. Các cải cách này cũng liên quan đến cải cách các quy định của ngành ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn.

>>
>> Abenomics, “canh bạc” không chỉ của nước Nhật

Điều đáng lưu ý là, ngoài số tiền khổng lồ ấy, trên tất cả, ông Abe thừa nhận: "Nhật Bản cần phải biết chấp nhận thất bại và đứng lên với tinh thần cao nhất". Ông không nói về nhiệm kỳ đầu tiên thất bại của mình mà nói về tinh thần đối với doanh giới Nhật.

Bởi vì, hiện tại, tinh thần kinh doanh tại nước này rất thảm hại. Trong khi các công ty đóng cửa vì thua lỗ ngày càng nhiều thì số lượng các công ty mới thành lập chưa bằng một nửa so với ở Mỹ và Anh. Trong khảo sát của Global Entrepreneurship Monitor về thị trường có hoạt động kinh doanh sôi động nhất, Nhật Bản đứng ở vị trí cuối cùng trong số 24 quốc gia phát triển.

Khả năng "nuôi dưỡng" những người trẻ khởi nghiệp của Nhật Bản hiện cũng rất đáng lo ngại. Chỉ có 6% số người tham gia cuộc khảo sát nghĩ rằng có cơ hội để bắt đầu một doanh nghiệp trong nước, và chỉ có 9% tin rằng có những kỹ năng cần thiết để kinh doanh. (Các con số tương đương ở Pháp là 38% và 36%). Sự thiếu tham vọng của những người trẻ Nhật là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế về vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại nước này. Các công ty mới tại đây chỉ thu hút khoảng một phần hai mươi tiền đầu tư mạo hiểm so với tại Mỹ.

Tại sao iPhone, iPad hay Google không xuất phát từ các doanh nghiệp công nghệ Nhật? Theo Konrad Hilbers, cựu giám đốc điều hành của Napster, thiếu một nền văn hóa kinh doanh dám chấp nhận rủi ro là một phần của câu trả lời. Các điều khoản liên quan đến phá sản thật sự là một bản án đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, thậm chí nhiều người đã phải chọn cách tự sát để tìm lối thoát. Chính phủ Nhật có thể giúp loại bỏ nhiều rào cản để thúc đẩy kinh doanh nhưng một cản trở lớn đối với các doanh nhân khởi nghiệp khả năng tiếp cận công nghệ và các phát minh.

Bởi vì, các công ty lớn tại Nhật đều đã đăng ký độc quyền đối với phần lớn những phát minh, khám phá từ trường đại học, viện nghiên cứu. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ gần như không có cơ hội tiếp cận và phát triển các ý tưởng mới. Trong sự bùng nổ ứng dụng di động và mạng xã hội trên khắp thế giới, Nhật Bản chỉ đóng góp một tên tuổi là mạng xã hội GREE do Yoshikazu Tanaka, 32 tuổi, thành lập.

Sự thành công của các công ty lớn tại Nhật Bản sau chiến tranh với những tên tuổi như Honda, Toyota hay Sony là những bài học kinh điển về ý chí khởi nghiệp gắn liền với tinh thần dân tộc. Ông Abe muốn thổi bùng lại tinh thần này cho giới trẻ Nhật Bản. Gần đây, các hành động và tuyên bố cứng rắn của ông Abe về quân sự cũng như chính sách ngoại giao hay yêu cầu sửa hiến pháp cũng gửi gắm những thông điệp về khơi dậy tinh thần dân tộc. Về tài chính, Bộ Công nghiệp Nhật Bản hứa hẹn sẽ tài trợ hào phóng cho các dự án trẻ với mục đích tăng gấp đôi tỷ lệ của các doanh nghiệp mới thành lập của Nhật Bản vào năm 2020.

Tuy nhiên, có một rủi ro là nếu Nhật Bản mạnh tay nới lỏng tiền tệ, hậu quả có thể làm cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng hơn (nợ của Nhật Bản đứng ở mức gần 250% GDP), các công ty lớn nhất của Nhật Bản có thể sụp đổ. Các nhà bình luận cho rằng ông Abe đang chấp nhận mức rủi ro chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế nước này. Dường như Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác nhưng cũng có thể đó mới là tinh thần chấp nhận mạo hiểm mà ông Abe muốn cổ vũ doanh nhân nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản: Khơi dậy tinh thần doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO