Nhật Bản gia cố "quyền lực mềm"

PHẠM TÂM (THEO TIME)| 09/07/2013 02:39

Dù kinh tế khó khăn nhưng Chính phủ Nhật vẫn tập trung một nguồn tiền không nhỏ để bành trướng ảnh hưởng văn hóa.

Nhật Bản gia cố

Dù kinh tế khó khăn nhưng Chính phủ Nhật vẫn tập trung một nguồn tiền không nhỏ để bành trướng ảnh hưởng văn hóa.

 Đọc E-paper

Nhật Bản dự kiến thu hút 600 triệu USD trong năm nay để xây dựng "quyền lực mềm".

Thượng viện Nhật mới đây đã thông qua một quỹ tiền mặt có giá trị lên tới 500 triệu USD, chi tiêu trong 20 năm, nhằm thúc đẩy sự xâm nhập của văn hóa Nhật Bản tại nước ngoài. Chiến dịch có tên Cool Japan (tạm dịch: Nhật Bản thú vị) là tổng hòa của rất nhiều phương tiện văn hóa, như anime (phim hoạt hình Nhật Bản), manga (truyện tranh Nhật Bản) tới phim truyện, thiết kế, thời trang, thực phẩm và du lịch. Được giám sát bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), chiến dịch dự tính thu hút đầu tư tư nhân trong năm nay đạt con số 600 triệu USD.

Với Tokyo, đây mới chỉ là những động thái đầu tiên của chương trình đẩy mạnh "quyền lực mềm" của nước Nhật. Tất nhiên chiến dịch này cùng với toàn bộ nội dung sáng tạo của nó sẽ tập trung vào mục tiêu cuối cùng là "thúc đẩy bán hàng". Trong lĩnh vực này, tấm gương của Hàn Quốc là một ví dụ sinh động. Trong năm 1998, Hàn Quốc đầu tư 500 triệu USD vào một quỹ quảng bá văn hóa.

Mười lăm năm sau, nghệ sĩ Hàn thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc khắp châu Á, trong mảng truyền hình và phim truyện, phim Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng phát hành cũng như doanh thu phòng vé, cả thế giới biết rằng rapper nổi tiếng Psy là một người Hàn. Thậm chí, hàng hóa xuất xứ Hàn Quốc với các sản phẩm như điện thoại và máy tính bảng Samsung, xe hơi Hyundai đã trở thành những sự lựa chọn hàng đầu trên toàn thế giới, với chung một hình ảnh hiện đại, trẻ trung và vui vẻ.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều người hoài nghi về chương trình mới này của Nhật, nhất là khi lại lựa chọn đi theo con đường của Hàn Quốc, trong khi các đặc trưng văn hóa Nhật, như thời trang, sushi, phim ảnh và hiện tượng "cosplay" đã trở thành những nét văn hóa phổ biến toàn cầu.

Theo Japan Times, xuất khẩu văn hóa của Nhật mới chỉ có tính chất ngẫu nhiên, chưa cho thấy sự nỗ lực hệ thống và bền vững để khai thác cơ hội xuất khẩu. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này chỉ là các công ty vừa và nhỏ, không có tham vọng và không đủ nguồn lực để bành trướng ra thị trường toàn cầu, nên sẽ cần cú hích quan trọng để lan tỏa rộng rãi hơn. Ví dụ mảng sản xuất phim hoạt hình hiện nay tại Nhật, một trong những mảng đóng vai trò quan trọng nhất trong "quyền lực mềm", đang sụt giảm đáng kể doanh số bán DVD, trong bối cảnh hàng điện tử cũng như nội dung sáng tạo tại khu vực châu Á, "sân nhà” của Nhật, đang bị xâm lấn và thống trị bởi các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc.

Mặc dù chiến dịch Cool Japan có ý nghĩa quan trọng về mặt thời điểm, nhưng ý tưởng rõ ràng không phải là mới. Từ năm 2002, ý tưởng này đã manh nha khi xuất hiện một bài báo của nhà báo người Mỹ Douglas McGray, đề cập đến "chỉ số” văn hóa thú vị trong nền kinh tế quốc dân của Nhật, bằng cách chơi chữ Japans Gross Nation Cool thay cho chỉ số GNP (thu nhập quốc dân của nền kinh tế). Nhiều năm trôi qua, các nỗ lực của Nhật trong việc thúc đẩy ảnh hưởng văn hóa đối với kinh tế đều không cho thấy bước tiến nào đáng kể.

Năm 2008, Bộ Ngoại giao Nhật chọn "đại sứ phim hoạt hình" là chú mèo máy Doraemon dễ thương mà quên mất rằng nhân vật này chưa từng được phân phối chính thức tới các nước nói tiếng Anh trên thế giới. Một năm sau đó, hình ảnh các cô hầu gái xinh đẹp được chọn làm đại sứ Kawaii để phổ biến thời trang Nhật nhưng cũng không gây được tiếng vang nào.

Và cựu Thủ tướng Taro Aso, một trong những thủ tướng có thời gian tại vị rất ngắn tại Nhật trong thời gian thủ tướng từ chức và được bầu mới liên tục trong thập kỷ gần đây, đã công bố rộng rãi một kế hoạch về việc xây dựng và quảng bá cho bảo tàng manga đầu tiên hồi năm 2009, cũng là kế hoạch đã bị "bỏ rơi" không lâu sau đó.

Hiện tại, chương trình "quyền lực mềm" đang được hỗ trợ mạnh cả về mặt kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, không phải không có những ý kiến hoài nghi về nỗ lực này. Một nhà cựu sản xuất phim của Nhật cho rằng, số tiền chính phủ đổ vào các tập đoàn lớn và các công ty quảng cáo như Dentsu, hay Hakuhodo và sẽ lọc qua nhiều tầng lớp sản xuất, chứ chưa chắc sẽ đến tay các nghệ sĩ Nhật đích thực vốn đang rất cần kinh phí để xuất xưởng các sản phẩm nghệ thuật.

Quả vậy, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình tại Nhật sống với mức thu nhập khiêm tốn chỉ khoảng 11.000 USD một năm, tại trung tâm đô thị đắt đỏ hàng đầu thế giới như Tokyo, sẽ đứng trước những thử thách nghiêm túc về việc lựa chọn nghề nghiệp. METI rõ ràng cần tập trung vào hỗ trợ chính những nghệ sĩ này, vì họ mới mang lại tinh thần Nhật đích thực cho Cool Japan.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản gia cố "quyền lực mềm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO