Nhật Bản: Các hãng xe “ly hương”

THỤY KHA| 22/01/2011 09:55

Chuyển sản xuất ra nước ngoài có thể dẫn làm bức tranh thất nghiệp ở Nhật Bản và khiến triển vọng kinh tế nước này càng thêm ảm đạm. Đặc biệt là 8% lao động nước này liên quan đến ngành công nghiệp xe hơi.

Nhật Bản: Các hãng xe “ly hương”

Chuyển sản xuất ra nước ngoài có thể dẫn làm bức tranh thất nghiệp ở Nhật Bản và khiến triển vọng kinh tế nước này càng thêm ảm đạm. Đặc biệt là 8% lao động nước này liên quan đến ngành công nghiệp xe hơi.

Ngày 16/1, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda chính thức tuyên bố về khả năng di dời các nhà máy Toyota ra nước ngoài nếu đồng yên vẫn tiếp tục tăng cao như hiện nay. Tuyên bố này được đưa ra cùng với thời điểm Toyota chuẩn bị công bố kế hoạch kinh doanh trung hạn vào tháng Tư tới.

Cũng như Toyota, nhiều nhà sản xuất xe hơi và đồ điện tử Nhật Bản hiện đang chịu áp lực của việc đồng yên tăng giá trong thời gian gần đây. Vào cuối năm 2010, đồng yên từng giao dịch với USD ở mức 84,34 yên/USD, cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Bộ Tài chính Nhật đã bán ra 2,12 nghìn tỷ yên, tương đương 25 tỷ USD trong khoảng thời gian một tháng, kết thúc ngày 28/9/2010 để hạ bớt đà tăng giá của đồng tiền này.

Đồng yên tăng giá khiến hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi làm giảm lợi nhuận của các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở nước ngoài.

Chính vì vậy, các nhà sản xuất xe Nhật Bản tìm cách chuyển các dây chuyền sản xuất và kinh doanh ra nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường các nước châu Á đang lớn mạnh, còn người Nhật lại giảm mua xe do phí nhiên liệu và bảo dưỡng cũng như thuế tại Nhật tăng cao.

Toyota đã công bố lợi nhuận 1,2 tỷ USD trong quý II của năm tài chính. Có thể thấy rõ ảnh hưởng của giá đồng yên trong mức lợi nhuận của hãng xe này. Chính vì vậy, vào cuối năm ngoái, Toyota đã công bố kế hoạch giảm sản xuất tại thị trường nội địa vào năm 2011.

Thực tế, Toyota hiện đã lắp ráp mẫu xe bán tải Hilux Vigo và mẫu xe việt dã Fortuner tại Thái Lan để phục vụ xuất khẩu. Toyota cũng đang cân nhắc chuyển hướng sản xuất loại xe Corolla sang các nhà máy ở nước ngoài kể từ năm 2013.

Chi phí thấp hơn, cùng với nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng dồi dào là hai trong nhiều thế mạnh của Thái Lan. Trước đó, các nhà sản xuất ô tô khác như Nissan và Ford cũng đang có động thái chuyển hoạt động sản xuất sang Thái Lan vì chi phí sản xuất ở các khu vực khác tăng cao.

Trong nỗ lực giảm lỗ khi giá trị đồng yên ngày càng tăng nhanh so với đồng USD, Honda phải chọn giải pháp sản xuất mẫu xe cỡ nhỏ Fit tại Mỹ thay vì ở Nhật.

Việc đồng yên không ngừng mạnh lên làm giảm doanh thu của các công ty Nhật thu được từ Mỹ khi quy đổi ra đồng yên. Các doanh nghiệp Nhật vì thế liên tục kêu gọi giảm thuế, song cho đến nay họ vẫn không nhận được bất kỳ sự can thiệp nào về chính sách tiền tệ.

Có thể thấy các nước G8 đã không hề can thiệp vào thị trường tiền tệ trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính. Do vậy, khả năng can thiệp cả về mặt kinh tế và chính trị trên thực tế là rất thấp.

Một lãnh đạo của Mitsubishi Motor thừa nhận: "Chúng tôi không thể trụ được trước việc đồng yên tăng giá. Hơn nữa, thuế kinh doanh giờ đã quá cao”. Mitsubishi Motors có kế hoạch sản xuất dòng xe với động cơ có dung tích xilanh từ 1.000 - 1.200cc ở Thái Lan.

Trong vài năm tới, Mitsubishi Motors hướng tới sản xuất từ 400.000 - 500.000 xe/năm ở Thái Lan và các nước khác để xuất ra thị trường thế giới.

Ông Toru Hasegawa, Chủ tịch Chi nhánh Thái Lan của Nissan Motors cho biết, việc sản xuất các xe mini ở Thái Lan đã giảm chi phí sản xuất từ 20 - 30% so với việc chế tạo ở Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản: Các hãng xe “ly hương”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO