Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

29/04/2013 03:59

Việc ngân hàng trung ương nhiều nước chủ trương giảm giá đồng tiền nước mình đã dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

Việc ngân hàng trung ương nhiều nước chủ trương giảm giá đồng tiền nước mình đã dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Ngân hàng trung ương nhiều nước đã chủ trương giảm giá đồng tiền. Điều này khiến chiến tranh tiền tệ có nguy cơ xảy ra.

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thể hiện rõ quyết tâm làm suy yếu đồng tiền quốc gia nhằm giành lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu, đưa kinh tế đất nước thoát khỏi trì trệ kéo dài.

Từ cuối năm ngoái, đồng yen đã giảm 13% giá trị so với đồng bạc xanh. Và chỉ trong vòng 6 tháng (tính từ tháng 9 năm ngoái), đồng yen đã giảm 17% giá trị so với USD và 25% so với euro.

Đua nhau phá giá tiền

Hành động của Nhật tất nhiên sẽ khiến các quốc gia khác đứng ngồi không yên. Trung Quốc đã cáo buộc Chính phủ Tokyo cố tình điều khiển đồng yen nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu của nước này.

Theo các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, chính sách mới của Nhật có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua phá giá tiền tệ giữa các nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng đáp trả nếu cuộc chiến đó xảy ra. Dù nói vậy, nhưng từ trước đến nay, nước này vẫn luôn kiềm chế giá nhân dân tệ thấp hơn giá trị thật, xem đây như một vũ khí để thúc đẩy xuất khẩu.

Hàn Quốc cũng đang tìm cách để đối phó với việc đồng yen giảm giá vì việc này đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các công ty Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã công bố ngân sách bổ sung trị giá 17.300 tỉ won (15,4 tỉ USD) hỗ trợ các công ty xuất khẩu và phục hồi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp.

Hàn Quốc từng nói Nhật đã châm ngòi cho chiến tranh tiền tệ nhưng bây giờ có vẻ như Hàn Quốc bắt đầu vào con đường Nhật đã đi.

Còn tại Thái Lan, hồi tháng 1/2013, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đã đề nghị Ngân hàng Trung ương áp dụng gói 7 biện pháp đối phó với việc đồng baht tăng giá. Hiện tại, đồng baht đã tăng lên mức 29,05 baht đổi được 1 USD, cao nhất trong vòng 16 năm trở lại đây.

Đồng tiền quốc gia tăng giá khiến xuất khẩu của nước này gặp khó khăn. Ông Prasarn Trairatvorakul, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, cho biết đã dự phòng một số phương án và sẵn sàng sử dụng chúng nếu tình hình trở nên xấu hơn.

Đồng bảng Anh cũng rớt giá mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, đồng tiền này đã giảm 6,1% và là đồng tiền giảm nhiều nhất chỉ sau đồng yen trong số 10 đồng tiền mạnh của thế giới.

Trước tình hình trên, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo các nước, trước hết là Nhật, không nên làm suy yếu đồng tiền để đạt lợi thế cạnh tranh. Mỹ lo lắng vì USD mạnh lên sẽ khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt hơn, xuất khẩu của Mỹ sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trong khi phản đối các nước khác hạ giá nội tệ, Mỹ lại đi theo con đường này. Sau khủng hoảng nợ xấu năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã liên tục hạ lãi suất và in thêm tiền tài trợ cho kế hoạch phục hồi kinh tế và xuất khẩu.

Tổng số tiền tung ra sau 3 gói nới lỏng định lượng đã lên đến hơn 3.000 tỉ USD. Vì vậy những năm qua USD liên tục mất giá so với đô la Úc, New Zealand, Singapore, won Hàn Quốc…

Đối phó với cuộc chiến

Ông Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, nói: “2013 có thể là một năm nhiều thách thức, nhiều nước sẽ nỗ lực hạ tỷ giá”. Còn Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann thì cho rằng một cuộc chiến tiền tệ có thể nổ ra khi các ngân hàng trung ương bơm tiền giải cứu nền kinh tế, phá giá nội tệ.

Về nguyên tắc, đồng tiền yếu sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn, tức cạnh tranh hơn so với các nước khác. Phá giá là liệu pháp mạnh để thúc đẩy tăng trưởng, chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài.

Ông Yasutoshi Nishimura, Thứ trưởng kinh tế Nhật, cho biết tỉ giá thích hợp của đồng yen so với USD có thể là trong khoảng 95-100 yen. Nếu yen giảm xuống còn 100 yen đổi được 1 USD (hiện ở mức 93,32 yên) thì cũng không có vấn đề gì.

Chiến tranh tiền tệ nếu nổ ra sẽ gây hậu quả khủng khiếp. Đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930 xảy ra là do Mỹ từ bỏ hệ thống tiền tệ được đảm bảo bằng vàng. Tiền giấy đã được in một cách ồ ạt, tung ra thị trường, nên nhanh chóng xuống giá.

Nhờ đó những năm 1929,1930 kinh tế Mỹ đã phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến khi người đi vay không còn khả năng chi trả nữa, nước này đã rơi vào khủng hoảng.

Theo sau Mỹ không lâu, các nước châu Âu đã lần lượt rời bỏ chế độ bản vị vàng để có thể dễ dàng in thêm tiền giấy. Và đồng tiền của họ cũng liền mất giá.

Đồng bảng Anh, chẳng hạn, đã giảm ngay đến 25% giá trị. Tiền mất giá luôn dẫn đến lạm phát và cuối cùng là lạm phát phi mã. Điều này đã xảy ra với đế chế La Mã, Cộng hòa Weimar ở Đức, Argentina và gần đây nhất là Zimbabwe.

Các biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc giảm lãi suất để hạ giá nội tệ là cần thiết đối với những nước lệ thuộc vào thương mại và xuất khẩu.

Tuy nhiên, chỉ nên giảm giá đồng tiền ở mức thích hợp, đảm bảo tăng tiêu dùng trong nước và giảm thiểu việc phương hại đến cán cân thương mại của nước khác. Các quốc gia dùng biện pháp nới lỏng tiền tệ để cạnh tranh trong xuất khẩu luôn phải trả giá đắt: vòng xoáy lạm phát sẽ xuất hiện.

Úc và New Zealand đều không phá giá đồng tiền. Kết quả là kinh tế những nước này rất ổn định và xuất khẩu đã tăng một cách vững vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO