Nền kinh tế khủng bố

Nguồn: VTV| 14/01/2015 01:45

Sau vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris, rõ ràng khái niệm khủng bố đã không chỉ gói gọn ở những vùng chiến Trung Đông xa xôi nữa, mà đang đe dọa cả những quốc gia an ninh cao nhất.

Nền kinh tế khủng bố

Ngày 13/1, hàng trăm nghìn người đã xuống đường tại châu Âu biểu tình chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Sau vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris, rõ ràng khái niệm khủng bố đã không chỉ gói gọn ở những vùng chiến Trung Đông xa xôi nữa, mà đang đe dọa cả những quốc gia an ninh cao nhất.

Và nguồn lực cũng như là quy mô của hệ thống tài chính phía sau những tổ chức khủng bố chính là đề tài của báo chí quốc tế những ngày vừa qua. Làn sóng khủng bố; Vấn đề khủng bố nhức nhối; Châu Âu thức tỉnh trước thảm kịch khủng bố tại Paris... có lẽ chưa bao giờ 2 từ "khủng bố" lại xuất hiện nhiều đến thế trên báo chí quốc tế. Nỗi kinh hoàng đi kèm với từ này đã vượt qua cả trang báo và chạm đến người dân sống ngay giữa lòng châu Âu vốn thanh bình, yên ổn.

Những tổ chức khủng bố này tuyên chiến với phương Tây, đe dọa chính phủ các nước bằng những chiến dịch quy mô nhất, những vũ khí tối tân nhất. Khủng bố không còn là một nhóm phiến quân đứng sau một vài vụ tấn công nhỏ lẻ ở một chiến trường Trung Đông xa xôi nào đó.

Bà Loretta Napoleoni, một nhà phân tích chính trị người Italy đã nhận định: "Những tổ chức này hoạt động ngày càng quy mô, thậm chí có cả một hệ thống tài chính đang tiếp sức cho chúng.", và bà Napoleoni gọi đó là "Nền kinh tế khủng bố".

Theo bà, trước thảm kịch 11/9 nền kinh tế này trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, đến thời điểm này con số đó đã tăng thêm 5%. Phần lớn số tiền này liên quan đến hoạt động tài chính phi pháp. Năm 2012, một báo cáo của Thượng viện Mỹ cáo buộc ngân hàng HSBC đã cung cấp dịch vụ và rửa tiền cho các tổ chức tài chính của Ả rập Saudi, Syria và Iran. Đáng nói là những tổ chức tài chính này đứng sau tài trợ nhiều nhóm khủng bố, trong đó có cả cái tên khét tiếng Al-Quaeda.

Một phần của nền kinh tế khủng bố cũng đến từ những hoạt động kinh doanh đầu tư chính thống. Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và ngành sản xuất lúa mạch của Iraq là một ví dụ. IS kiểm soát khoảng 40% sản lượng lúa mạch nước này và khách hàng lớn nhất của chúng không ai khác là chính phủ Iraq, với mục đích ngăn ngừa IS bán phá giá mặt hàng lương thực chủ chốt này. Nguồn sống của những nông dân Iraq giờ đang biến thành hàng triệu USD chảy vào kho vũ khí đạn dược của khủng bố.

Dù với bất kỳ quy mô nào, dưới bất kỳ cái tên nào, khủng bố phải bị lên án mạnh mẽ bởi cả thế giới, từ những người dân vùng chiến vô tội hay những nhà báo Charlie Hebdo. Việc chống lại làn sóng này không chỉ là của riêng các chính trị gia nữa mà đã trở thành của cả xã hội.

Tiếp theo là các tin tức đáng chú ý khác: Tỷ giá tiếp tục giảm sau khi NHNN nâng giá mua; Thiếu cầu treo, người dân tại nhiều địa phương khó phát triển kinh tế; Airbnb, một cái tên khác đại diện cho mô hình kinh tế chia sẻ đã tiến bước vào Việt Nam: Nên quản hay nên cấm? là vấn đề được đặt ra trong phần Điểm báo chuyên đề... Mời quý vị quan tâm theo dõi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO