Mỹ - Trung: Bùng nổ chiến tranh mạng?

LAM HỒNG| 09/06/2015 00:54

Các cuộc tấn công mạng dữ dội bị nghi ngờ từ Trung Quốc (TQ) khiến Chính phủ Mỹ không ngần ngại nói về một "cuộc chiến tranh mạng" để đáp trả.

Mỹ - Trung: Bùng nổ chiến tranh mạng?

Các cuộc tấn công mạng dữ dội bị nghi ngờ từ Trung Quốc (TQ) khiến Chính phủ Mỹ không ngần ngại nói về một "cuộc chiến tranh mạng" để đáp trả.

Đọc E-paper

Theo Wall Street Journal, khoảng 4,2 triệu người đang làm việc cho Chính phủ Mỹ, trong đó có 1,5 triệu quân nhân, đã bị hacker đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Thượng nghị sĩ Mỹ Susan Collins cho rằng, vụ tấn công có nguồn gốc từ TQ. CNN gọi đây là "vụ tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử" vào hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ, đe dọa thông tin bảo mật của công chức, viên chức chính phủ toàn liên bang. Các quan chức Mỹ cho biết hacker cũng tấn công vào mạng lưới các công ty tư nhân, bao gồm dữ liệu về 80 triệu người Mỹ của Công ty Bảo hiểm Anthem.

Cục Quản lý Nhân sự (OPM) nói đã phát hiện vụ xâm phạm từ tháng 4/2015 và đang làm việc với Bộ An ninh nội địa và FBI. Cuộc điều tra ban đầu của FBI cho thấy, tin tặc đã dùng một hệ thống có tên "Einstein", tấn công từ xa vào các lỗ hổng trên máy chủ, xâm phạm dữ liệu hồ sơ của hàng triệu người.

Trước đó, TQ và Mỹ đã có tranh cãi về an ninh mạng, khi Mỹ tố cáo TQ hack các công ty Mỹ để tạo lợi thế kinh tế. Chính quyền TQ đã phủ nhận cáo buộc này. "Nếu bạn tiếp tục sử dụng các từ "có thể” hay "có lẽ " mà không có một nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ là vô trách nhiệm và không khoa học", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi tuyên bố.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không úp mở đổ lỗi cho Bắc Kinh đang tiến hàng nhiều cuộc tấn công mạng trong những năm gần đây. Ngoài hàng loạt các vụ tấn công mới nhất này, Bắc Kinh cũng bị cáo buộc đã tải trộm nhiều terabyte dữ liệu của dự án thiết kế máy bay chiến đấu F-35 trị giá 400 tỷ USD và các vũ khí khác của Mỹ.

Bắc Kinh cũng thừa nhận sự hiện hữu của lực lượng chiến tranh mạng trong Sách trắng quốc phòng vừa được công bố tháng 5 nhưng khẳng định lực lượng này chủ yếu chỉ có mục đích phòng thủ. Mặc dù vậy, ngay từ năm 2013, Hãng bảo mật Mandiant công bố một báo cáo 60 trang mô tả chi tiết về nhóm tin tặc liên tục tấn công mạng các công ty, tổ chức và cơ quan Chính phủ Mỹ, từ một tòa nhà 12 tầng ở ngoại ô Thượng Hải.

Mandiant xác định đây chính là nhóm 61398 thuộc Cục Trinh sát kỹ thuật (Cục 3) của Bộ Tổng tham mưu PLA. Vào cuối tháng 5, Hãng bảo mật FireEye (Mỹ) cũng công bố báo cáo về hoạt động của nhóm tin tặc APT 30 đặt tại TQ, tấn công các nước Đông Nam Á suốt 10 năm. Theo các nhà phân tích đến từ nhóm nghiên cứu Citizen Lab (Canada), TQ vừa phát triển vũ khí mạng mới có tên "Great Cannon".

Đây là công cụ cho phép TQ nhằm vào "bất kỳ máy tính của nước nào tương tác với bất kỳ website nào của TQ". Justin W. Clarke, một nhà nghiên cứu an ninh cao cấp tại Hãng bảo mật Cylance, nhận định Great Cannon là "công cụ hủy diệt tiềm năng" và là "một trong những vũ khí mạng lớn nhất từng được phát hiện".

Mỹ là quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh mạng nhất vì quốc gia này sử dụng internet nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Năm 2010, các quan chức Mỹ đã lập nên danh sách các hình thức tấn công có thể được xem là một "hành động chiến tranh" và đáng bị đáp trả dữ dội.

Ngay sau đó là cuộc tấn công của hacker Mỹ vào cơ sở làm giàu uranium của Iran bằng mã độc Stuxnet năm 2010. Mới đây, Lầu Năm Góc đã công bố chiến lược an ninh mạng mới, lần đầu công khai tuyên bố nếu xảy ra xung đột với kẻ thù thì lựa chọn hàng đầu của quân đội Mỹ sẽ là tác chiến mạng.

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng đã đến Thung lũng Silicon, gặp gỡ lãnh đạo của các công ty công nghệ cao để tìm kiếm sự hợp tác trong viêc đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng nhắm vào nước Mỹ. Đồng thời, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật an ninh mạng, buộc các công ty cung cấp cho nhân viên điều tra liên bang quyền truy cập vào mạng máy tính, tra cứu số liệu.

Tờ New York Times nhận xét rằng, nếu Hạ viện và Thượng viện Mỹ thống nhất phê chuẩn dự luật cuối cùng, thì đây sẽ là phản ứng mạnh mẽ nhất của chính phủ liên bang đối với một loạt các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra sự bất mãn cho những người ủng hộ quyền riêng tư.

Việc tiết lộ tin tặc được đưa ra trước cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ- Trung hàng năm được tổ chức từ ngày 22 đến 24/6 tại Washington D.C. An ninh mạng được dự trù sẽ đứng hàng đầu trong nghị trình của cuộc đối thoại.

Reuters trích lời ông James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói rằng: "Trung Quốc đã nói một cách riêng tư và đôi lúc công khai là chúng tôi muốn hội nghị thượng đỉnh tiến hành tốt đẹp. Đừng nói đến gián điệp, nhưng hãy nói về việc làm thế nào chúng ta có thể làm việc với nhau". Ông Lewis nói thêm về câu trả lời của Mỹ sẽ là: "Không, chúng ta thảo luận về gián điệp". 

>An ninh mạng: Cuộc chiến vũ khí số

>Cuộc chiến gián điệp mạng Mỹ-Trung

>Mỹ - Trung căng thẳng vì gián điệp kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ - Trung: Bùng nổ chiến tranh mạng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO