Mỹ - OPEC: Giằng co giá dầu

THÁI BẢO| 31/05/2017 06:39

Những diễn biến mang tính bước ngoặt về câu chuyện giá dầu có thể sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Mỹ - OPEC: Giằng co giá dầu

Những diễn biến mang tính bước ngoặt về câu chuyện giá dầu có thể sẽ diễn ra vào cuối năm nay. 

Đọc E-paper

Kết thúc cuộc họp tuần trước, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thông qua kế hoạch gia hạn việc cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng nữa. Như vậy tương tự thỏa thuận từ cuối năm 2016 tới nay, từ đây đến tháng 3/2018, OPEC sẽ giữ mốc 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC tham gia thỏa thuận cũng sẽ giảm 558.000 thùng/ngày.

"Chịu đấm ăn xôi"?

Kể từ khi cuộc khủng hoảng giá dầu xảy ra, làm hạ giá mỗi thùng từ ngưỡng 100 USD xuống có lúc chỉ nhỉnh hơn 40 USD/thùng, OPEC đã mất khá lâu để giảm sản lượng. Việc cắt giảm sản lượng có thể hiểu nhằm hạ nguồn cung, giúp đẩy giá lên cao trở lại. Tuy nhiên bản thân các thành viên OPEC, điển hình như Venezuela - nước có ngành xuất khẩu hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ, phải chịu tổn thương về kinh tế.

Cuối năm ngoái, OPEC nhất trí giảm sản lượng như đã nêu. Một mặt giải quyết được bài toán giá cả, ngăn giá dầu tụt thêm, một mặt giải quyết lượng sản phẩm tồn kho. Tuy vậy sản lượng tồn kho tính tới nay vẫn cao hơn mức bình thường, dẫn tới việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, Bloomberg cho biết.

Trong cùng thời gian OPEC hạn chế bơm dầu, các quốc gia này chứng kiến sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh. Tạp chí Forbes trong bài viết hôm 25/2 bi quan về cách làm của OPEC. Họ cho biết từ tháng 11 năm ngoái, lượng sản xuất dầu của Mỹ đã tăng lên 600.000 thùng/ngày, đẩy sản lượng đầu ra lên 9,9 triệu thùng/ngày tính tới cuối năm.

Sau 123 vụ phá sản và 80 tỷ USD nợ xấu, ngành công nghiệp dầu mỏ ở Mỹ đã tái cơ cấu đáng kể và hoạt động hiệu quả. Trong quý đầu tiên năm nay, những tiến bộ về giàn khoan và kỹ thuật đã giúp các công ty Mỹ giảm chi phí biên xuống còn 63 USD so với 100 USD cách nay vài năm, theo Hãng nghiên cứu đầu tư Bernstein. Nói cách khác, Forbes gọi đó là cú sốc thị trường tới từ Mỹ, mà OPEC thì bị xem như mất khả năng kiểm soát.

Tuy nhiên, Bloomberg lại lạc quan hơn khi cho rằng, OPEC thực tế có thể hài lòng với những gì diễn ra 6 tháng qua. Số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IAE) khẳng định OPEC "có động cơ tài chính để mở rộng thời gian cắt sản lượng".

Tính toán của IEA chỉ ra rằng, OPEC đã nhận thêm 75 triệu USD/ngày trong quý đầu tiên của năm 2017 này so với quý cuối cùng năm 2016, bất chấp đã giảm sản lượng từ 33,3 triệu thùng xuống còn 31,9 triệu thùng. Kể cả Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất ngoài OPEC tham gia cam kết cắt giảm, cũng nhận được nhiều tiền hơn dù bơm dầu ít hơn.

>>Giá dầu sụt giảm: Dao hai lưỡi

Đấu trí?

OPEC sẽ có nhiều lý do để lo lắng. CNBC dẫn thông tin của IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu lúc này tăng không mạnh, nhưng chí ít vẫn ở mức 99 triệu thùng/ngày theo tính toán cuối năm nay, so với 95,7 triệu thùng/ngày cuối năm 2015.

Điều này có thể lý giải tại sao nhiều nhà đầu tư tài chính không vui với quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC, trong khi những công ty lọc dầu châu Á tỏ ra sốt sắng. Châu Á vẫn là nơi giữ nhu cầu sử dụng dầu thô ở mức bình thường trong giai đoạn qua, một yếu tố khiến OPEC vẫn hài lòng.

Reuters dẫn lời Yasushi Kimura - Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Nhật Bản và cũng là Chủ tịch Tập đoàn dầu khí JXTG cho biết, OPEC và các nhà sản xuất ngoài OPEC thực sự muốn thắt chặt cung cầu, và điều này khiến cuối năm nay sẽ chứng kiến giá dầu cao lên do cầu chắc chắn vượt cung.

Ghi nhận ngay sau khi OPEC công bố kế hoạch gia hạn cắt giảm sản lượng hôm 25/5 cho thấy, giá dầu giảm gần 5%. Tuy vậy Giám đốc công ty tư vấn ngành năng lượng Wood Mackenzie - Sushant Gupta nhận xét, đó chỉ là cách thị trường phản ứng thái quá, và sự cân bằng sẽ sớm xuất hiện trong quý III và IV của năm nay.

Theo dự đoán của Wood Mackenzie, sản lượng toàn cầu vẫn sẽ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày, trong khi nhu cầu lại tăng đến 1,3 triệu thùng/ngày. Nói cách khác, hãng tư vấn này dự đoán lượng sản phẩm dư thừa sẽ ít đi đáng kể khi kết thúc năm nay.

Đây có thể là cơ sở cho một kế hoạch đầy toan tính của OPEC, theo Business Insider. Với nhu cầu không đổi, thậm chí có chiều hướng tăng, nhiều bên sẽ hình dung về một thời kỳ tiếp tục dư thừa nguồn cung dầu mỏ vào quý đầu tiên của năm 2018 - thời điểm thỏa thuận cắt giảm mới đây của OPEC hết hạn. Nó sẽ khiến các nhà đầu tư vào dầu đá phiến của Mỹ phải dè chừng, nhất là khi các nhà sản xuất dầu đá phiến luôn phải đề phòng rủi ro về việc tụt cổ phiếu do giá dầu thấp hơn thì giá trị của họ sẽ bị giảm đi.

Tất cả sẽ còn đợi diễn biến từ tiến trình thanh toán lượng hàng tồn kho của OPEC và tất nhiên là những biến cố khác trên thị trường. Bryan Goh - Trưởng văn phòng phụ trách đầu tư của ngân hàng Bordier and Cie (Thụy Sĩ) nhận xét rằng, việc giá dầu giảm ngay sau khi có tin OPEC giảm sản lượng tiếp tục, cho thấy thiếu sót của tổ chức này về khả năng quản trị truyền thông, vì đã để lộ kế hoạch rất sớm. Nhưng rõ ràng, phải đặt trường hợp ngược lại là có phải OPEC "vô tình" để rò rỉ thông tin hay không. 

>> Giá dầu thế giới - "cơn ác mộng" tồi tệ nhất 12 năm qua

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ - OPEC: Giằng co giá dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO