Mỹ: Đảng Cộng hòa "nói không với Trung Quốc"

VŨ THÀNH CÔNG - NGUYỄN THẾ PHƯƠNG| 04/09/2012 04:07

Đảng Cộng hòa khai mạc Đại hội lần thứ 40 với hàng loạt các tuyên bố cũng như cương lĩnh được khẳng định. Không nằm ngoài dự đoán khi lần này những thành viên chủ chốt lại tiếp tục sử dụng yếu tố “bài Trung Quốc” với những tuyên bố rất cứng rắn.

Mỹ: Đảng Cộng hòa

Đảng Cộng hòa khai mạc Đại hội lần thứ 40 với hàng loạt các tuyên bố cũng như cương lĩnh được khẳng định. Không nằm ngoài dự đoán khi lần này những thành viên chủ chốt lại tiếp tục sử dụng yếu tố “bài Trung Quốc” với những tuyên bố rất cứng rắn.

Cần phải chú ý rằng thất nghiệp và kinh tế đang là hai vấn đề được người dân Mỹ quan tâm nhất hiện nay. Có thể thấy, trong khi nền kinh tế Mỹ đang rơi vào khủng hoảng, giới chính trị gia Đảng Cộng hòa đang sử dụng Trung Quốc (TQ) như là một chất kích thích để thu hút lá phiếu của cử tri về phía mình.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trầy trật trong khủng hoảng như hiện nay, TQ nổi lên như là một “kẻ ngáng đường” khó chịu cho quá trình hồi phục của Mỹ. Cán cân thanh toán song phương bị chênh lệch nghiêm trọng khi nhập siêu của Mỹ từ TQ không ngừng tăng. Viện Chính sách kinh tế Mỹ vừa cho biết, thâm hụt thương mại rất lớn của nước này với TQ đã khiến trên 2,7 triệu người Mỹ thất nghiệp trong vòng 10 năm từ 2001 - 2011, trong đó 2,1 triệu việc làm là trong ngành chế tạo.

Về vấn đề này, ứng cử viên Mitt Romney cũng đã hứa sẽ nêu đích danh TQ như là một nước thao túng tiền tệ ngay ngày đầu tiên làm tổng thống. Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa cũng hứa hẹn sẽ đánh thuế cao đối với các hàng hóa xuất xứ từ TQ nếu như Bắc Kinh không thay đổi các chính sách thương mại của mình, đồng thời đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt với các doanh nghiệp nước ngoài ăn cắp công nghệ và quyền sở hữu của Mỹ. Nếu TQ không tuân thủ các quy định của Tổ  chức Thương mại Thế giới, cương lĩnh của GOP cảnh báo rằng, Chính phủ Mỹ sẽ “chấm dứt mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ TQ”.

Mặc dù đại diện tiêu biểu và các ứng viên Đảng Cộng hòa thường chỉ nhắc tới vấn đề kinh tế vốn được quan tâm hàng đầu, nhưng chính trị và quân sự cũng là vấn đề rất được quan tâm khi xung đột trên Biển Đông đang bước vào giai đoạn rất nóng. Tầm quan trọng của khu vực này trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương và kiềm chế sự trỗi dậy của TQ khiến nó không thể bị lơ là.

Đối với các vấn đề tranh chấp xưa nay, Đảng Cộng hòa luôn thể hiện xu hướng sử dụng vũ lực để khẳng định sức mạnh quân sự cũng như quyền lực chính trị trong hệ thống quốc tế. Điều này cũng được thể hiện trong thời gian vừa qua, khi Đảng Dân chủ kêu gọi tham gia Luật Biển 1982 (UNCLOS) để thúc ép TQ theo luật và hành xử một cách chừng mực tại Biển Đông, thì khá nhiều thành viên bảo thủ trong Đảng Cộng hòa lại phản đối điều này, đặc biệt là ứng viên phó tổng thống Mỹ Paul Ryan.

Không chỉ  phản đối các hành động gây hấn của TQ trên Biển Đông và chỉ trích Tổng thống Obama “yếu mềm” và nhân nhượng đối với TQ, ứng viên Mitt Romney còn không giấu giếm thái độ khi khẳng định rằng nếu mình đắc cử sẽ “dạy cho TQ bài học về nhân quyền, tăng cường sức mạnh quân sự để kiềm chế Bắc Kinh... và thực thi chiến lược khiến tham vọng bá chủ khu vực của TQ phải trả giá đắt hơn nhiều so với việc trở thành thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”. Và dường như muốn làm cho phía TQ tức giận hơn, Mitt Romney còn tuyên bố sẽ bán vũ khí cho Đài Loan - một đồng minh nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung.

Mong muốn kiềm chế tham vọng bá quyền của TQ nhưng lại không muốn dùng luật và thể hiện rõ ràng quan điểm cứng rắn về sử dụng sức mạnh và trừng phạt kinh tế khiến có thể dự đoán rằng nếu Đảng Cộng hòa đắc cử, các hành động của Mỹ trên Biển Đông sẽ mạnh mẽ hơn với sự tăng cường hiện diện quân sự và đẩy nhanh chính sách “xoay trục”. Ngay cả vấn đề kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau rất lớn mà Đảng Cộng hòa còn tuyên bố sẵn sàng cắt đứt với TQ, thì đối với chính trị và quân sự, vốn lập trường rất vững chắc từ trước đến nay, sẽ khó có thể thay đổi.

Tuy không được nhắc đến trong Cương lĩnh nhưng vấn đề về UNCLOS cũng nên được đề cập khi vào tháng 5 hàng loạt những tên tuổi lớn đã hoặc đang là thành viên của Đảng Cộng hòa như: Henry Kissinger, Condoleezza Rice, James Baker III hay Colin Powell đã cùng lên tiếng ủng hộ việc Mỹ nên gia nhập UNCLOS. Đã có nhiều phân tích cho thấy UNCLOS sẽ là một trong ba mũi nhọn chủ yếu giúp Mỹ thâm nhập trở lại vào châu Á - Thái Bình Dương, một trong ba phương pháp nhằm kiềm chế các tham vọng đang trỗi dậy mạnh mẽ không ngừng của TQ. Tuyên bố của các thành viên kỳ cựu cho những người ủng hộ UNCLOS hy vọng rằng Đảng Cộng hòa sẽ thông qua bộ luật và nếu Mitt Romney đắc cử tổng thống, ông cũng sẽ ủng hộ việc tham gia UNCLOS.

Tuy có một thực tế rằng hiện tại 34 nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện bác bỏ bộ luật do nhiều lý do khác nhau (Paul Ryan, ứng viên chính thức cho vị trí phó tổng thống cũng nằm trong danh sách này), nhưng các lý do đó hoàn toàn không liên quan gì nhiều đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Chính tham vọng tái tranh cử mới là nguyên nhân chủ yếu khiến các thượng nghị sĩ không đồng tình với UNCLOS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ: Đảng Cộng hòa "nói không với Trung Quốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO