Mỹ "căng mình" trên nhiều mặt trận

LÊ PHAN| 27/04/2018 06:00

Đúng như dự báo của giới phân tích chính trị, Tổng thống Donald Trump mới cầm quyền hơn một năm nhưng thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đang trải qua thời kỳ đối mặt với nhiều bất ổn.

Mỹ

Trong nước Mỹ thì nội bộ lủng củng, kinh tế thì châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại, ngoại giao thì leo thang quân sự cùng với gây căng thẳng với Nga.

Rạng sáng ngày 14/4, Mỹ không kích các mục tiêu tại Damascus và Homs cùng với sự tham gia của Anh và Pháp, mà họ cho là nơi Syria sản xuất vũ khí hóa học. Cuộc tấn công này nhằm giữ uy tín trước cam kết sẽ tấn công Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học, dù cuộc điều tra của Tổ chức Chống vũ khí hóa học (OPCW) tại Syria vẫn chưa có kết quả.

Trước đó Mỹ gây rúng động các thị trường tài chính toàn cầu khi gia tăng hàng rào thuế quan với các đối tác thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc - nước mà Mỹ đang phải chịu đựng mức thâm hụt thương mại khổng lồ. Sau khi Mỹ tuyên bố tăng thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc ngay lập tức đáp trả khi cũng tăng thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ bán trái phiếu chính phủ Mỹ như một biện pháp trả đũa khác.

Ở mặt trận ngoại giao, Mỹ có khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào ngày 12/5 tới, theo đó khôi phục trở lại các biện pháp trừng phạt gồm hạn chế Iran xuất khẩu dầu. Đáp lại, Iran cho biết có thể khởi động lại các lò vũ khí hạch tâm nếu Hoa Kỳ rút khỏi thỏa ước đã ký vào năm 2015.

Mỹ dự kiến có cuộc đàm phán với CHDCND Triều Tiên vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, nhằm thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Được biết Mỹ muốn CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ cả vũ khí hóa học lẫn sinh học chứ không chỉ vũ khí hạt nhân, trong khi Hàn Quốc đưa hợp tác kinh tế để trao đổi về vấn đề này với Triều Tiên.

Hôm 21/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này không còn cần thiết phải tiếp tục các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay tên lửa.

Có thể thấy tình hình thế giới nói chung và các thị trường tài chính nói riêng thời gian qua liên tục nóng lên trước các chính sách quân sự, ngoại giao và kinh tế của Tổng thống Trump. Một số nhà phân tích cho rằng ông Trump đang tiếp tục lộ trình theo đuổi kế hoạch "nước Mỹ trên hết" mà ông đã cam kết trong giai đoạn tranh cử.

Tuy nhiên, kết quả của những chính sách này như thế nào thì cần phải đợi thời gian trả lời, không loại trừ Mỹ cũng có thể gánh lấy những thiệt hại nặng nề từ các biện pháp trả đũa của các quốc gia khác.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng chính quyền ông Trump leo thang quân sự, ngoại giao và thương mại là nhằm mục đích hướng sự quan tâm của dư luận ra bên ngoài, trong bối cảnh nội bộ tại Nhà Trắng rối ren.

Thời gian qua, bộ máy tranh cử của ông Trump liên tiếp bị cáo buộc có liên hệ với Nga, và FBI đang điều tra khả năng Nga can thiệp vào kết quả bầu cử của Mỹ trong năm 2016.

Trong khi đó, cá nhân ông Trump bị phê phán khi dính líu tới diễn viên phim khiêu dâm Daniel Stormy. Ngày 9/4, nhà của luật sư của ông Trump là Michael Cohen đã bị khám xét và bị tịch thu một số tài liệu từ văn phòng, trong đó có liên quan đến khoản thanh toán cho diễn viên Daniels Stormy.

Việc tấn công quân sự vào Syria cũng là cơ hội để Mỹ và đồng minh phô trương sức mạnh quân sự, khẳng định rằng họ vẫn là một bên quan trọng và có tiếng nói tại Trung Đông nói chung và tại Syria nói riêng, cũng như đe dọa các điểm nóng chính trị khác.

Đối với Mỹ, cuộc tấn công này giúp Tổng thống Trump thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đặc biệt là giúp ông đương đầu với những cáo buộc thân Nga. Cuộc phối hợp quân sự của liên minh Mỹ - Anh - Pháp trong chiến dịch không kích Syria vừa qua còn khẳng định Mỹ vẫn là nước đứng đầu, đóng vai trò chi phối trong liên minh mà chưa có quốc gia nào có thể thay thế được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ "căng mình" trên nhiều mặt trận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO