Minamata và hành trình 60 năm đi tìm công lý

KHỞI VŨ| 04/10/2017 03:37

Đã hơn 60 năm từ khi ca nhiễm bệnh Minamata đầu tiên được công bố. Căn bệnh hủy diệt cơ thể này là hậu quả từ việc xả thải thủy ngân xuống vùng vịnh Minamata trong hơn 30 năm của Tập đoàn hóa chất Chisso.

Minamata và hành trình 60 năm đi tìm công lý

Đã hơn 60 năm từ khi ca nhiễm bệnh Minamata đầu tiên được công bố. Căn bệnh hủy diệt cơ thể này là hậu quả từ việc xả thải thủy ngân xuống vùng vịnh Minamata trong hơn 30 năm của Tập đoàn hóa chất Chisso.

Đọc E-paper

Từ đó đến nay, những nạn nhân của vùng "vịnh chết" vẫn không ngừng đệ đơn yêu cầu bồi thường cũng như lên tiếng về cơn ác mộng mang tên "nhiễm độc thủy ngân".

Vào những năm 1950, cư dân Kumamoto, Nhật Bản đã vô cùng khiếp sợ khi phát hiện những con mèo trong vùng rên la một cách quái dị, lên cơn điên và co giật trước khi chết. Chẳng mấy chốc, những triệu chứng này cũng lan sang người dân địa phương và chỉ đến khi căn bệnh lạ bùng phát thì cuộc điều tra nguyên nhân mới được sốt sắng triển khai.

Không lâu sau, người ta mới vỡ lẽ ra bóng đen đằng sau toàn bộ câu chuyện chính là Tập đoàn hóa chất Chisso ngay trong vùng. Để sản xuất acetaldehyde, nơi này đã sử dụng thủy ngân làm chất xúc tác và sau đó đổ toàn bộ chất thải xuống vùng vịnh Minamata từ năm 1932. Suốt hơn 3 thập kỷ, Chisso đã thải ra biển khoảng 600 tấn thủy ngân, biến cả khu vực Minamata trở thành một vùng vịnh chết.

Mặc dù đã bị xác định là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nhưng mãi đến năm 1968, 12 năm sau khi nạn nhân đầu tiên qua đời, Chisso mới hoàn toàn chấm dứt xả thải. Khi đó, việc công ty này ngừng hành vi tàn phá môi sinh chẳng phải bắt nguồn từ ý thức ăn năn mà vì sử dụng thủy ngân trong sản xuất không còn có lời.

Tháng 1/1960, Chisso đã long trọng làm lễ ra mắt hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra biển. Trước mặt mọi người, ông chủ tịch đã uống cạn ly nước thải được lọc qua thiết bị xử lý một cách ngon lành. Sau này, giám đốc nhà máy thừa nhận rằng máy xử lý nước thải chẳng qua chỉ là chiêu bài xoa dịu cơn thịnh nộ từ dư luận sau đợt biểu tình của hàng ngàn ngư dân vào năm 1959.

>>7 dấu hiệu cảnh báo sớm các căn bệnh nguy hiểm

Bệnh Minamata, trong mắt cộng đồng khoa học, là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất từng xuất hiện trong lịch sử Nhật Bản, có thể sánh với thảm họa hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki. Kịch độc mang tên methyl thủy ngân được các sinh vật biển hấp thụ cũng như tích tụ với hàm lượng ngày một nhiều trước khi đi vào và ở luôn trong cơ thể người dùng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, methyl thủy ngân từ nhà máy Chisso thải ra đã gây ảnh hưởng lên ít nhất là 50.000 người. Đến tháng Tư năm nay, hơn 2.000 nạn nhân vẫn đang mòn mỏi chờ đợi công nhận mắc bệnh và không ngừng đấu tranh vì lẽ công bằng cho những nạn nhân Minamata.

Sau nhiều năm đàm phán, vào năm 2013, Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Minamata về thủy ngân và từ đó đến nay, nó đã được 74 quốc gia thông qua. Tháng Tám vừa qua, Công ước đã chính thức có hiệu lực về mặt pháp lý và các thỏa thuận thực hiện nó cũng đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị các bên ở Geneva vào tuần trước.

Bà Shinobu Sakamoto, một trong những người bị di chứng ô nhiễm thủy ngân từ khi còn trong bụng mẹ, nay đã 61 tuổi, bày tỏ: "Nếu tôi không lên tiếng, sẽ chẳng có ai biết về bệnh Minamata. Vẫn còn nhiều vấn đề xung quanh nó và tôi muốn mọi người đều được biết. Minamata vẫn tồn tại. Nó không đơn giản là một câu chuyện đã kết thúc trong quá khứ".

>>Béo phì, một “bệnh” truyền nhiễm?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Minamata và hành trình 60 năm đi tìm công lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO