Mâu thuẫn Nga - Mỹ và mối lo kinh tế

MINH KHÔI| 08/08/2017 06:18

Tổng thống Trump dù từng khẳng định Mỹ - Nga có những mục tiêu, lợi ích chung nhưng cũng không thể làm khác vì ông bị áp lực của người dân trước cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Mâu thuẫn Nga - Mỹ và mối lo kinh tế

Hôm 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc phải ký luật trừng phạt Nga sau khi Lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật trên. Tổng thống Trump dù từng khẳng định Mỹ - Nga có những mục tiêu, lợi ích chung nhưng cũng không thể làm khác vì ông bị áp lực của người dân trước cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 

Đọc E-paper

Bản thân Tổng thống Trump gọi việc ký luật trừng phạt là sai lầm nghiêm trọng vì luật này còn nhiều thiếu sót cũng như chứa những điều khoản vi hiến, đi ngược với luật pháp quốc tế. Luật này đề xuất các biện pháp trừng phạt nhắm tới những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và mua bán vũ khí.

Đây là những ngành đem lại nguồn thu đáng kể cho Nga. Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhân quyền, tham nhũng, hỗ trợ chính quyền Syria thu mua vũ khí cũng nằm trong tầm khống chế của đạo luật này. Đối tượng bị trừng phạt còn bao gồm cả những ai đầu tư hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư số tiền lớn hơn 10 triệu USD vào các tài sản nhà nước của Nga trong vòng một năm mà việc đầu tư đó được đánh giá có khả năng đem lại lợi ích cho các quan chức chính phủ.

Tổng số biện pháp trừng phạt là 12, trong đó bắt buộc Tổng thống Mỹ phải thực thi ít nhất 5 biện pháp, như đóng băng tài sản, thu hồi thị thực Mỹ hay cấm xuất khẩu từ Mỹ tới các cá nhân, tổ chức bị trừng phạt.

Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn kỳ nghỉ dưỡng, tránh truyền thông và tuyệt đối không phát biểu điều gì quá căng thẳng khi luật trừng phạt nói trên được ký. Đây được cho là cách tốt nhất giúp làm lắng dịu tình hình trong khi các bài báo liên tục đưa ra những thông tin dự báo những ngày phía trước không hề dễ dàng đối với quan hệ hai nước và nhiều nước liên quan.

Bà Brigitte Zypries - Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế và năng lượng của Đức chia sẻ với báo giới trong nước, cho biết, Mỹ không có quyền trừng phạt các công ty của Đức đang hoạt động ở nước ngoài. Bộ trưởng Brigitte Zypries nhấn mạnh nếu cần, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cân nhắc các biện pháp trả đũa Mỹ, đó có thể là biện pháp ngắn hạn ở một số khu vực có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Mỹ.

Việc châu Âu mong muốn cùng Nga tăng cường đối trọng không phải là điều mới xảy ra. Từ năm 2015, Bộ trưởng Tài chính Đức Oskar Lafontaine khi ấy đã công khai viết trên trang cá nhân kêu gọi các quốc gia thuộc EU phải cùng Nga đứng lên chống Mỹ. Ông Oskar Lafontaine đã nhấn mạnh rằng: "Nếu tiếp tục chơi với lửa, châu Âu sẽ phải gánh chịu sự sụt giảm thương mai với Nga và mất nhiều việc làm". Ông cho rằng châu Âu cần một chính sách đối ngoại rắn hơn nhằm hạn chế tác động của Mỹ. Quay trở lại luật trừng phạt lần này, rõ ràng châu Âu không thể tiếp tục ở vị trí quan sát lâu hơn được nữa.

Một kịch bản được đưa ra là có thể Mỹ vấn áp luật trừng phạt Nga nhưng thực tế sẽ diễn ra như cách mà EU đang làm với Nga. EU dù có riêng luật trừng phạt Nga nhưng trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Brussels (Bỉ) tháng 7 vừa qua, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Nga. EU vẫn đang dựa một phần ba nguồn năng lượng từ phía Nga.

Năm 2015, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Eurostat của EU, 28 quốc gia của khu vực này đã nhập khẩu 25,8% nhiên liệu rắn, 27,7% lượng dầu thô và 29,4% khí đốt từ Nga. Đây là những con số cho thấy lợi ích châu Âu - Nga có sự gắn kết rõ ràng. Công trình Dòng chảy phương Bắc 2 là một trong những công trình chủ chốt giữa Nga và châu Âu trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu năng lượng vì lợi ích đôi bên cũng nằm trong danh sách bị ảnh hưởng lần này.

Sau kỳ nghỉ trở về, Tổng thống Trump được chờ đợi sẽ có những bước đi nào tiếp theo để xoa dịu tình hình vì ông vốn luôn tự hào về khả năng thương thuyết của mình. Không dễ để ông Trump xoay chuyển hoàn toàn tình thế nhưng cũng không dễ để luật trừng phạt được thực thi một cách triệt để trong bối cảnh lãnh đạo Mỹ và Nga đang đặt những hy vọng rất lớn vào sự hợp tác của hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực.

>>EU, Nga cảnh báo sẽ đáp trả dự luật trừng phạt của Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mâu thuẫn Nga - Mỹ và mối lo kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO