Mất niềm tin về "Sự trỗi dậy hòa bình"

LAM HỒNG| 18/05/2012 06:48

Thiên về sử dụng những hăm dọa quân sự để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc đang khiến nhiều nước láng giềng mất niềm tin về “sự trỗi dậy hòa bình” mà TQ có thể mang lại cho khu vực và thế giới.

Mất niềm tin về

Thiên về sử dụng những hăm dọa quân sự để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc (TQ) đang khiến nhiều nước láng giềng mất niềm tin về “sự trỗi dậy hòa bình” mà TQ có thể mang lại cho khu vực và thế giới.

Đọc E-paper

Người dân Philippines xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc - Ảnh: AFP

“Hiếu chiến ngày càng tăng”

Đã tròn một tháng xảy ra cuộc đối đầu giữa TQ và Philippines ở bãi cạn Scarborough (TQ gọi là Hoàng Nham) mà cả hai nước đều cho là thuộc chủ quyền của mình. Vụ việc xảy ra vào ngày 10/4 khi hai tàu hải giám TQ ngăn cản tàu chiến của Philippines đang tìm cách bắt giữ ngư dân TQ đánh bắt trộm hải sản ở vùng biển này.

Mới đây, tờ Hoàn cầu thời báo (TQ) đã có một bài xã luận mạnh mẽ kêu gọi chiến tranh với Philippines trên Biển Đông dưới tiêu đề: “Hòa bình chỉ là chuyện trong mơ nếu khiêu khích vẫn tiếp diễn” với nhận định “tình hình đã leo thang đến giai đoạn mà TQ cần phải giành được chiến thắng”.

Mặc dù không dùng những lời lẽ gay gắt và mạnh mẽ như Bắc Kinh nhưng Manila cũng thể hiện lập trường quyết liệt và không chịu lùi bước.

Cũng cần biết là theo bản đồ hàng hải của Philippines, bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon chính của nước này chỉ khoảng 230km, trong khi khu vực đất liền gần nhất của TQ là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.

Các quan chức Philippines một mặt thừa nhận, nước này không thể so sánh sức mạnh quân sự với TQ nhưng mặt khác lại tuyên bố, họ sẽ quyết đối đầu đến cùng với nước láng giềng khổng lồ. Kèm theo đó là việc Philippines gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực đang có tranh chấp với sự trợ giúp của các chiến hạm Mỹ.

Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III từng tuyên bố, điều quan trọng nhất là TQ phải “tôn trọng chủ quyền của chúng tôi”. Ông cũng lên tiếng cảnh báo các nước láng giềng ở Đông Nam Á “nên lo ngại về sự hiếu chiến ngày càng tăng của TQ” trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước ở khu vực Biển Đông.

Ông Aquino tiếp tục đặt câu hỏi về sự trỗi dậy của TQ là hòa bình hay đe dọa cho khu vực. Với những gì thể hiện trên biển Đông, rõ ràng sự đe dọa của TQ là có thật và khiến nhiều nước láng giềng phải lo ngại. TQ gây tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia.

Một cuộc chạy đua vũ trang đang lôi kéo cả khu vực. Những động thái này cho thấy sự tăng cường vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cả về quy mô và tốc độ lớn chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh lạnh.

Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) công bố hồi đầu năm nay, châu Á là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ năm 2007-2011.

“Đường lưỡi bò” và “quốc gia xấu xí”

Kể từ khi Nhật Bản trở thành cường quốc thế giới trong thời gian trị vì của Thiên Hoàng Minh Trị (1867-1912), đã có một sức mạnh không thuộc phương Tây trỗi dậy với tiềm năng định hình trật tự toàn cầu. Nhưng có một khác biệt quan trọng, đó là sự trỗi dậy của Nhật Bản đi kèm với sự suy yếu của các nước châu Á khác.

Cuối cùng, đến thế kỷ XIX, phần lớn châu Á đã trở thành thuộc địa của người châu Âu, để rồi không có một nước châu Á nào có thể kiềm chế Nhật Bản. Hiện nay, TQ đang trỗi dậy bên cạnh các nước châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia.

Sự thôi thúc thể hiện quyền lực của một cường quốc đang trỗi dậy của TQ ở một mức độ nào đó bị các nước châu Á phản kháng mạnh mẽ, dẫn đến nhiều cuộc đối đầu mà Philippines là ví dụ điển hình.

Trong các tranh chấp, Bắc Kinh thiên về sử dụng hăm dọa quân sự để buộc các nước yếu hơn phải chấp nhận những đòi hỏi vô lý như bản đồ “lưỡi bò” tại Biển Đông, bất chấp cả luật pháp quốc tế.

Giáo sư Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, có trụ sở ở New Delhi, dẫn bài học Nhật Bản làm ví dụ tham khảo về hậu quả của một nước chỉ có sức mạnh cứng nhưng lại rất tồi tệ trên quan điểm chung của thế giới về sức mạnh mềm. Thời Minh Trị Duy Tân đã tạo ra một quân đội hùng mạnh với khẩu hiệu: “Làm giàu đất nước và tăng cường quân đội”.

Cuối cùng thì quân đội trở nên mạnh mẽ đến nỗi có thể đưa ra các mệnh lệnh cho chính phủ dân sự và hậu quả Nhật Bản chuyển thành một quốc gia quân phiệt hiếu chiến.

Và bây giờ, dù giới lãnh đạo cấp cao TQ đưa ra những tuyên bố về “sự trỗi dậy hòa bình”, nhưng chỉ riêng vấn đề Biển Đông, quân đội TQ đã đẩy khu vực vào nguy cơ chiến tranh.

Cũng như vậy, giáo sư Minxin Pei, môn chính phủ học tại trường Claremont McKenna College, cho rằng, sự gia tăng sức mạnh của TQ đã tạo nên nỗi lo ngại “tiến thoái lưỡng nan về an ninh”:

Thay vì làm cho TQ an ninh hơn, sức mạnh đang lên của TQ đã tạo ra nỗi bất an đối với các nước láng giềng, nghiêm trọng hơn, nó đã gây ra sự phản ứng chiến lược từ Mỹ, nước đang tập trung chuyển trọng tâm an ninh hướng về châu Á.

Thay vì sự trỗi dậy của TQ sẽ tạo nên hình ảnh một cường quốc vươn lên giàu có và có vị thế thì thái độ hiện nay của TQ lại khiến cộng đồng quốc tế nhìn nhận TQ như một “quốc gia xấu xí”.

Về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng bình luận: “Thế giới trông đợi ở TQ một vai trò xứng đáng với vị thế mới của họ và điều đó có thể không còn là sự chọn lựa của bên liên quan trong các vấn đề thế giới. Có thể hiểu cộng đồng quốc tế muốn có sự tin tưởng rằng, sức mạnh trỗi dậy của một quốc gia sẽ được sử dụng để mang lại lợi ích cho tất cả”.

Người dân nhiều nước trong khu vực đã xuống đường biểu tình bày tỏ thái độ phẫn nộ với các hành vi hiếu chiến của TQ. Trước đó, tâm lý bài TQ cũng đã diễn ra ở nhiều quốc gia làm dấy lên những lo ngại về “Mối lo Hán bành trướng” xuất hiện từ lâu.

Đó là sự kỳ thị nhắm vào những người TQ ở nước ngoài và càng bị phức tạp hóa lên bởi các tác động của vấn đề nhập cư, vấn đề phát triển bản sắc dân tộc ở các nước láng giềng...

Trong một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng do Yahoo! thực hiện ở Philippines, hơn 70% trong số 31.000 người trả lời ủng hộ các kêu gọi tẩy chay mọi loại hàng hóa TQ.

Một cuộc thăm dò tương tự trên truyền hình cho thấy tỷ lệ hưởng ứng thậm chí còn cao hơn. Nếu làn sóng này lan ra từ Philippines tới tất cả các nước có tranh chấp với TQ thì rõ ràng TQ sẽ trở thành một “quốc gia xấu xí” trong cộng đồng quốc tế, dù TQ có mang vóc dáng của một cường quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mất niềm tin về "Sự trỗi dậy hòa bình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO