Lòng tin không bao giờ thay thế được sự giám sát

LAM HỒNG| 11/12/2012 01:30

Trước Ngày Thế giới phòng chống tham nhũng (9/12) năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2012 với của 176 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lòng tin không bao giờ thay thế được sự giám sát

Trước Ngày Thế giới phòng chống tham nhũng (9/12) năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2012 với của 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có tới 2/3 trong tổng số 176 quốc gia có điểm số dưới 50, cũng có nghĩa là tham nhũng vẫn tiếp tục lan tràn.

Sinh viên Indonesia bạo động vì những uất ức do tham nhũng gây ra

Theo TI, sự uất ức vì tham nhũng đã góp phần châm ngòi cho các vụ nổi dậy "mùa Xuân Ả rập", khi các cuộc biểu tình ồ ạt và các hành động khác lật đổ các chính phủ ở Tunisia, Ai Cập và Libya.

Bản phúc trình cho thấy thậm chí biện pháp mạnh nhất là thay đổi chính phủ cũng không chấm dứt được nạn tham nhũng. Theo học giả Charles Kenny, thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu, tham nhũng vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, như dùng hối lộ để được cấp bằng lái xe, xin việc hay hợp đồng cho một người không hội đủ điều kiện...

Chẳng hạn, tại Pakistan, giáo viên Bashir Bulti nói phải hối lộ mới xin được việc làm. Tài xế xe lam Chum Van ở Campuchia nói công an vẫn đổ lỗi cho người nghèo trong các tai nạn giao thông, bất kể ai gây ra tai nạn.

Các gia đình nghèo bị đòi hối lộ để được bác sĩ khám bệnh hay được sử dụng nước sạch... Đây là những hình thức tham nhũng không mới nhưng một rủi ro mới được TI đưa vào diện cảnh báo là các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng tại các nước đang phát triển hay các chương trình đối phó với biến đổi khí hậu có thể bị tham nhũng "ăn mòn".

Hậu quả là những công trình quan trọng như cầu đường, thủy điện có thể bị hư hỏng bất cứ lúc nào; các công trình phòng chống lũ không được xây dựng đúng tiêu chuẩn... và hậu quả sẽ rất trầm trọng nếu thiên tai xảy ra.

Chẳng hạn, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Kinh tế châu Phi (UNECA) cho rằng, tham nhũng là thách thức lớn nhất về quản lý và phát triển đối với châu Phi hiện nay vì khoảng 50% nguồn thu nhập từ thuế và 30 tỷ USD viện trợ nước ngoài hằng năm cho châu lục đã bị biển thủ hoặc không còn trong các danh mục đầu tư phát triển.

Hậu quả ai cũng đã thấy là một châu Phi dường như không còn cơ hội để thoát khỏi nghèo đói và dịch bệnh triền miên.

Để xếp hạng các quốc gia tham nhũng nhất thế giới trong năm 2012, Tổ TI đã dựa vào các tiêu chí chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), chỉ số đưa hối lộ; chẩn đoán về hệ thống liêm chính quốc gia; giám sát, phân tích thực hiện công ước phòng chống tham nhũng.

Theo chỉ số này, Somali, CHDCND Triều Tiên, Afghanistan, Turkmenistan nằm trong nhóm những quốc gia có tham nhũng nhiều nhất, trong khi Đan Mạch, Phần Lan, và New Zealand được đánh giá là các nước ít tham nhũng nhất.

TI hy vọng ở một số quốc gia, nơi các luật lệ mới tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng theo dõi sự chi tiêu của chính phủ và dành một số biện pháp bảo vệ cho những người đưa ra các cáo buộc tham nhũng.

Theo TI, New Zealand là nước ít tham nhũng nhất dựa trên nền tảng dân chủ, chính phủ luôn cam kết minh bạch hóa các dữ liệu từ các cơ quan công quyền để đảm bảo người dân có thể tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời.

Đặc biệt, New Zealand đang khuyến khích các cơ quan nhà nước đăng tải dữ liệu và thông tin lên internet để người dân dễ tiếp cận.  Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước đang có kết quả tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng, như Trung Quốc.

Trong Đại hội Đảng lần thứ 18, ông Tập Cận Bình, người vừa được bầu làm Tổng bí thư và vào tháng Ba năm tới, đã nhấn mạnh là cần phải tăng cường, đổi mới công tác chống tham nhũng và cảnh báo rằng nạn tham nhũng "sẽ giết chết Đảng và đất nước".

Trong năm 2011, tại Trung Quốc có khoảng 143.000 quan chức bị trừng phạt vì tham nhũng liên quan đến số tài sản trị giá 8,4 tỷ nhân dân tệ. Nhằm đẩy lui nạn tham nhũng, Trung Quốc đẩy mạnh các chế tài liên quan đến việc buộc công bố công khai tài sản của quan chức với thời hạn là cuối năm 2013.

Một giải pháp nhằm khuyến khích các quan tham thú tội là nếu khai báo trung thực sẽ được hưởng ân xá.

Chủ tịch TI bà Huguette Labelle cho biết: "Các chính phủ cần phải kết hợp các hành động chống tham nhũng vào mọi quyết sách. Các ưu tiên gồm những quy định tốt hơn trong việc vận động hành lang và tài trợ chính trị, chi tiêu công và ký kết hợp đồng công minh bạch hơn, và làm cho các cơ quan công phải có trách nhiệm giải thích với nhân dân".

Tại khu vực ASEAN, điểm sáng duy nhất là Singapore, năm nay có điểm CPI là 87, là quốc gia minh bạch xếp hạng 5 của thế giới, cao hơn nhiều nước châu Âu, Canada và Mỹ.

Để phòng chống tham nhũng hiệu quả, nhiều chuyên gia đưa ra 4 bài học mà các nước châu Á có thể tham khảo từ Singapore. Đó là chính trị phải là chìa khóa thành công, cơ quan chống tham nhũng phải độc lập với cảnh sát và bộ máy cầm quyền.

Bản thân cơ quan này phải trong sạch và giảm tối đa tham nhũng bằng việc giải quyết các vấn đề liên quan đến lương, khả năng điều tra hạn chế và chế tài trừng phạt nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lòng tin không bao giờ thay thế được sự giám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO