Liệu eo biển Hormuz có trở thành ngòi nổ?

LÊ VIẾT ĐỈNH| 07/03/2012 09:24

Từ sáu tháng nay, quan hệ giữa Iran và phương Tây xấu đi nhanh chóng. Trước hết là Mỹ chỉ trích Iran có dính líu đến âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia tại Hoa Kỳ; tiếp theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra một báo cáo mới nhất chỉ trích Iran từng bí mật nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân; rồi Mỹ, Anh, Canada và EU tuyên bố tiến hành trừng phạt đơn phương đối với Iran.

Liệu eo biển Hormuz có trở thành ngòi nổ?

Từ sáu tháng nay, quan hệ giữa Iran và phương Tây xấu đi nhanh chóng. Trước hết là Mỹ chỉ trích Iran có dính líu đến âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia tại Hoa Kỳ; tiếp theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra một báo cáo mới nhất chỉ trích Iran từng bí mật nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân; rồi Mỹ, Anh, Canada và EU tuyên bố tiến hành trừng phạt đơn phương đối với Iran.

Từ sáu tháng nay, quan hệ giữa Iran và phương Tây xấu đi nhanh chóng. Trước hết là Mỹ chỉ trích Iran có dính líu đến âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia tại Hoa Kỳ; tiếp theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra một báo cáo mới nhất chỉ trích Iran từng bí mật nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân; rồi Mỹ, Anh, Canada và EU tuyên bố tiến hành trừng phạt đơn phương đối với Iran.

Sau đó, Iran đã giảm cấp quan hệ ngoại giao với Anh, bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, đồng thời để xảy ra sự kiện người dân đập phá sứ quán Anh.

Iran còn lựa chọn thời điểm và khu vực nhạy cảm là eo biển Hormuz tiến hành tập trận nhằm tập trung phô diễn với phương Tây về sức mạnh của quân đội và khả năng phòng thủ trên vùng biển quốc tế của Iran.

Tình hình này dẫn đến sự kiện mới nhất là ngày 23-1-2012, Hội nghị Ngoại trưởng châu Âu họp tại Brussells đã thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ Iran, xem như là một hành động trừng phạt.

Theo đó, từ nay Liên minh châu Âu (EU) sẽ không ký kết các hợp đồng mua bán dầu với Iran. Các hợp đồng đã ký phải kết thúc trước 1-7.

Để đáp trả, Iran cho biết có thể sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, một hành động mà như lời Tư lệnh Hải quân Iran là “dễ hơn uống một cốc nước lạnh”. Và khi ấy, theo ông sẽ không có một giọt dầu nào lọt qua được eo biển này.

Một vị trí chiến lược nhạy cảm

Nằm giữa Oman và Iran, eo biển Hormuz nối vịnh Persic với vịnh Oman và biển Ả Rập. Đây được xem là cái nút chai cung cấp nguồn dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Năm 2011, có tới 35% lượng dầu mỏ xuất khẩu của toàn thế giới đi qua eo biển này.

Trung bình, mỗi ngày có khoảng 14 tàu dầu thô đi ngang Hormuz trong năm 2011, trong khi hơn 85% nguồn xuất khẩu dầu thô này được chuyển ra Ấn Độ Dương để từ đó đến châu Á, cung cấp cho những thị trường tiêu thụ dầu nhiều nhất khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Hải quân Iran tập trận trong vịnh Persic

Tại điểm hẹp nhất, Hormuz rộng 33,8km, nhưng bề rộng cho phép đối với hành lang di chuyển an toàn cho tàu thì chỉ khoảng hơn 3,2km. Tuy nhiên, Hormuz đủ sâu và đủ rộng để cho thông thương những con tàu dầu lớn nhất thế giới.

Với vị trí chiến lược như vậy, một biến động chính trị nghiêm trọng tại Hormuz chắc chắn khiến thị trường dầu thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.

Do Oman, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có chung biên giới với Hormuz nên cả ba nước đều đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định môi trường an ninh tại khu vực.

Oman và UAE là đồng minh của Mỹ, lâu nay vẫn nhận viện trợ hoặc mua vũ khí của Hoa Kỳ, trong đó có chiến đấu cơ F-15 và F-16. Mặt khác, nhiều thập niên qua Mỹ luôn duy trì một lực lượng hải quân mạnh tại khu vực.

Nếu Hormuz bị phong tỏa, cửa “thoát hiểm” duy nhất đối với nguồn dầu vịnh Persic là cảng Yanbu (thuộc Arab Saudi) tại Hồng Hải, nơi có thể xuất khoảng 4,8 triệu thùng/ngày.

Trên bộ, một hệ thống ống dẫn 1.199km, gọi là “tuyến ống dẫn Đông Tây”, cũng có thể được tăng cường sử dụng nếu Hormuz bị khóa. Hệ thống ống dẫn dầu này băng ngang Arab Saudi, từ Abqaiq đến Hồng Hải, có thể chuyển được khoảng 5 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, UAE đang xây hệ thống ống dẫn Abu Dhabi (1,5 triệu thùng/ngày) băng ngang Abu Dhabi và đến cảng Fujairah, cũng được xem là cửa ngỏ thay thế nếu Hormuz bị phong tỏa.

Hiện nay, hải quân Iran kiểm soát và quản lý eo biển Hormuz cùng với Vương quốc Oman, do có bán đảo Musandam của Oman ở đây.

Quan trọng hơn, để quá cảnh qua eo biển Hormuz, tất cả tàu bè, kể cả của hải quân Mỹ, cũng phải đi qua vùng biển thuộc chủ quyền Iran. Gần như tất cả đường vào vịnh Persic đều đi xuyên qua biển của Iran và đường ra thì đi qua biển của Oman.

Tên lửa tầm xa của Iran được bắn trong ngày cuối cùng của cuộc tập trận

Lâu nay Iran cho phép tàu nước ngoài sử dụng vùng biển thuộc chủ quyền của họ, do thiện ý và dựa trên cơ sở Phần III trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, phần quy định các điều khoản về quá cảnh trên biển.

Theo đó, tàu bè được tự do đi qua eo biển Hormuz và các vùng biển tương tự, trên nguyên tắc đảm bảo hàng hải nhanh chóng và liên tục giữa một cảng mở với biển cả.

Mặc dù Tehran, theo thông lệ, vẫn tuân thủ các tập tục hàng hải quy định trong Luật Biển, nhưng họ không chịu sự ràng buộc mang tính pháp lý nào của các tập tục đó. Cũng giống như Hoa Kỳ, Iran ký công ước quốc tế này nhưng chưa bao giờ phê chuẩn.

Nếu đóng cửa Hormuz

Mới đây cơ quan lập pháp Iran đang đề xuất luật phong tỏa bất kỳ chiến hạm nước ngoài nào, không cho phép sử dụng vùng biển thuộc chủ quyền của Iran để đi qua eo Hormuz nếu không được nước này cho phép.

Thế nhưng, theo các nhà quan sát thông thạo, phong tỏa eo biển Hormuz sẽ là hành động tự sát về kinh tế đối với Iran.

Ông François Géré - nhà sử học, chuyên gia địa chính trị, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trường Đại học Paris III - cũng như ông Francis Perrin - Giám đốc tạp chí Dầu mỏ và khí đốt Ả Rập - khi trả lời phỏng vấn các tạp chí Đại Tây DươngAffaires Stratégiques đều cho rằng Iran sẽ không đóng cửa eo biển Hormuz.

Một phần là do Iran chưa có đủ phương tiện để làm điều đó, mà nếu có đủ phương tiện Iran cũng sẽ không thể duy trì được việc phong tỏa trong một thời gian dài khi phải đối mặt với Hạm đội V của Mỹ.

Hơn nữa, Iran cũng không có lợi gì khi đóng cửa eo biển Hormuz vì các khách hàng chính của họ là các nước châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ.

Các nước này ngày càng mua nhiều dầu mỏ ở nơi khác ngoài Iran và nếu phong tỏa eo biển Hormuz, Iran gây phương hại một mặt cho xuất khẩu dầu mỏ của chính mình và mặt khác cho các khách hàng của mình.

Tàu chở hàng hóa lưu thông qua eo biển Hormuz

Nhưng giả thiết việc đóng cửa eo biển Hormuz xảy ra thì điều đó sẽ nằm trong lôgích chiến tranh. Nếu Iran bị Israel hay Mỹ tấn công, lôgích phong tỏa eo biển Hormuz là có thể.

Trong trường hợp này sẽ xảy ra hai hậu quả trước mắt: (1) giá dầu tăng vọt trên thị trường quốc tế và (2) tăng phí bảo hiểm đối với các tàu chở dầu hoạt động ở vùng biển này.

Nếu xảy ra phong tỏa thì điều đó là một hành động chiến tranh, một sự vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến quyền tự do hàng hải qua các eo biển.

Các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ và các cường quốc phương Tây dĩ nhiên không thể chấp nhận hành động phong tỏa đó, còn Iran không có phương tiện để phong tỏa lâu dài.

Như vậy, hậu quả kinh tế sẽ không quá lớn, cũng không kéo dài, nhưng trước mắt sẽ là giá dầu và phí bảo hiểm cho các tàu chở dầu tăng, cộng với rủi ro chính trị có thể sẽ gia tăng trong toàn vùng vịnh Persic, theo đánh giá của các nhà đầu tư.

Cho đến bây giờ, giá dầu đã tăng cao, phong tỏa trong một tháng có thể tăng lên đến 500 USD/thùng dầu. Đây là một cuộc tấn công mạnh mẽ đối với nền kinh tế thế giới.

Đây là một con dao hai lưỡi, không chỉ đối với phương Tây, đối với Iran cũng vậy, kinh tế Iran sẽ sụp đổ, bởi vì Iran chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ.

Lối thoát

Xét trên tương quan lực lượng, Iran không có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz lâu dài, và đối thủ của họ là Mỹ và phương Tây cũng không muốn tình hình trở nên căng thẳng, bởi trong sâu xa vấn đề là ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà thôi.

Các nhà phân tích cho rằng nếu Iran ra tay trước, hải quân nước này sẽ làm tắc nghẽn eo biển Hormuz trong thời gian ngắn, như dùng thủy lôi, hoặc bí mật rải mìn trong điều kiện bên ngoài không biết rõ tình hình, từ đó làm cho tàu chiến cỡ lớn, tàu thương mại cỡ lớn, tàu chở dầu hàng chục nghìn tấn sẽ bị chìm do va phải đá ngầm hoặc ngư lôi.

Rõ ràng, Iran hoàn toàn có khả năng làm tắc nghẽn eo biển Hormuz.

Hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln và John C. Stennis trong vùng biển Hormuz

Còn nếu chiến tranh do Mỹ và phương Tây phát động thì việc làm đầu tiên là sẽ tìm cách triệt hạ các cơ sở hạt nhân của Iran, tiếp theo sẽ tấn công triệt tiêu lực lượng, vũ khí có thể phong tỏa vận tải biển ở eo biển Hormuz mà Iran về cơ bản không thể đánh trả.

Cả thế giới đều hiểu tầm quan trọng của eo biển Hormuz, Hoa Kỳ và các đồng minh cũng ý thức rất rõ rằng Iran có thể đóng eo này lại trên phương diện quân sự trong một khoảng thời gian đáng kể.

Đó là lý do tại sao Mỹ đã và đang hợp tác với các nước vùng Vịnh - gồm Arab Saudi, Qatar, Bahrain, Kuwait, Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - để chỉnh lại đường đi của dầu mỏ, thông qua những đường ống vòng tránh eo Hormuz và dẫn dầu của các nước vùng Vịnh đến thẳng Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, hoặc Địa Trung Hải.

Washington cũng đã và đang yêu cầu Iraq cũng là nước sản xuất dầu lớn tại khu vực vịnh Persic tìm các tuyến đường thay thế cho đường đi cũ, trong những cuộc đàm phán của Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Arab Saudi.

Cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều rất quan tâm đến dự án chiến lược này. Ankara đã đàm phán với Qatar về việc lập ra một trạm trung chuyển dầu mà từ đó dầu có thể đi qua Iraq tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Thổ nỗ lực buộc Iraq phải kết nối các mỏ dầu ở phía nam cũng như phía bắc Iraq tới các tuyến đường quá cảnh chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có liên quan đến chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành một hành lang về năng lượng, một điểm quá cảnh có ý nghĩa quan trọng.

Việc điều chỉnh lại đường đi của dầu từ vịnh Persic ra ngoài sẽ nhằm mục đích xóa đi một yếu tố chiến lược mà Iran đang nắm giữ để chống lại Hoa Kỳ cùng các đồng minh.

Việc làm này sẽ hạ thấp một cách đáng kể tầm quan trọng của eo biển Hormuz. Đó có thể là một điều kiện tiên quyết để chuẩn bị một cuộc chiến do Mỹ cầm đầu chống lại Iran, một cuộc chiến mà hai bên đang nói mạnh nhưng trong thâm tâm không muốn nó xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liệu eo biển Hormuz có trở thành ngòi nổ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO