Lành ít, dữ nhiều?

HÀ THỊNH| 18/09/2012 05:34

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang áp dụng những chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử để chống lại những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính.

Lành ít, dữ nhiều?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang áp dụng những chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử để chống lại những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tuyên bố tung ra một chương trình mua trái phiếu không giới hạn với quy mô 40 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tăng trưởng và giảm thất nghiệp. Đây chính là chương trình nới lỏng định lượng thứ ba (QE3) mà Chủ tịch FED Bernanke đang tiếp tục sử dụng trong cuộc chiến cứu tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức trên 8% kể từ tháng 2/2009.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm tốc còn 1,7% trong quý II vừa qua, từ mức 4,1% trong quý IV năm ngoái.

Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh, lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Các nhà đầu tư hưng phấn cao độ khi FED tuyên bố sẽ tiếp tục mua tài sản, theo đó bơm thanh khoản vào nền kinh tế, đồng thời sẽ triển khai thêm các công cụ chính sách cần thiết khác “nếu triển vọng của thị trường việc làm không được cải thiện rõ rệt”.

Cũng trong tuyên bố kết thúc cuộc họp, FED tuyên bố có thể duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở mức gần 0% ít nhất cho tới giữa năm 2015.

Bên cạnh đó, chương trình hoán đổi kỳ hạn trái phiếu từ ngắn hạn sang dài hạn nhằm hạ lãi suất QE2 cũng sẽ được FED tiếp tục áp dụng. Với cả QE2 và QE3, lượng trái phiếu dài hạn mà FED mua vào mỗi tháng sẽ lên tới 85 tỷ USD cho tới cuối năm nay.

Với chính sách mới, FED dự báo, thị trường lao động của Mỹ sẽ cải thiện nhanh chóng, giảm còn 6-6,8% vào năm 2015. GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm tới và 3,8% vào năm 2014, từ mức dự báo 2,8% và 3,5% trước đó.

Tuy nhiên, QE3 đã nhận phải sự phản đối kịch liệt của đảng Cộng hòa, chỉ trích mạnh vào việc chính sách của ông Bernanke đã làm phương hại tới độ khả tin của FED vì gia tăng rủi ro đối với bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này, trong khi chẳng có mấy tác dụng kích thích nền kinh tế.

Thậm chí, một số chủ tịch chi nhánh FED ở các tiểu bang Richmond, Philadelphia và Atlanta lo ngại về lạm phát, hoặc chưa chắc FED hành động thêm sẽ thúc đẩy được tăng trưởng.

FED đã mua hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và các khoản cho vay thế chấp mua nhà kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng đà tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ vẫn không thoát cảnh trì trệ.

Theo nhà đầu tư Marc Faber, việc in thêm tiền có thể giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp là sai lầm nghiêm trọng. Bởi vì, tiền sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính và vào túi tiền của những người giàu có.

Không chỉ ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng sẽ in thêm tiền và sức mua của tiền giấy sụt giảm rõ rệt. Các quan chức ở Trung Quốc, Indonesia và Brazil đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách của Fed có thể làm tăng nguy cơ đối với nền kinh tế của nước họ bởi đã có báo cáo về sự can thiệp tiền tệ đang được lên kế hoạch hoặc đã được thực thi tại Đài Loan, Brazil và Philippines.

Ngày 10/9, Chính phủ Hàn Quốc công bố gói kích thích kinh tế trị giá 5.900 tỷ won (5,23 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề do suy giảm tăng trưởng. Trong đó, 4.600 tỷ won (4,1 tỷ USD) được dành cho năm 2012 và 1.300 tỷ won dành cho năm 2013, đồng thời không cần nguồn ngân sách quốc gia mới.

Thực tế, đã nhiều năm nay, FED in thêm tiền nhằm cứu nền kinh tế nhưng dường như hành động này không đem lại kết quả như mong đợi. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái.

Tuy nhiên, theo phân tích của Credit Suisse, đối tượng hưởng lợi đầu tiên sau quyết định của FED sẽ là thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường bất động sản cùng đồng USD. Chỉ số S&P 500 tăng gấp 2 lần từ gần 700 điểm lên sát 1.400 điểm kể từ năm 2009 đến nay.

Khi FED tung ra gói nới lỏng lần 1 (QE1) vào tháng 3/2009 và kết thúc vào tháng 5/2010, thị trường chứng khoán Mỹ tăng 71% mặc dù sau đó thị trường giảm 12%.

Đặc biệt, đồng USD sẽ duy trì ở mức thấp so với các loại tiền tệ khác trong suốt quá trình QE3 được thực hiện. Song, đồng USD giảm cũng có nguy cơ đẩy giá hàng hóa lên cao hơn.

Thực tế, ngay sau khi thông tin về QE3 được công bố, giá một loạt các loại hàng hóa như vàng, dầu, ngũ cốc và đồng đã tăng vọt. Đồng USD được định giá thấp cũng chính là bất lợi đầu tiên do QE3 chính là đồng euro phải chịu áp lực tăng giá.

Tình trạng lạm phát tăng cao sẽ ngăn cản ECB tiếp tục nới lỏng chính sách kinh tế. Chương trình nới nỏng tiền tệ của Mỹ sẽ giúp tiền đổ về Trung Quốc nhờ tỷ giá nhân dân tệ. Nhân dân tệ sẽ giảm theo đồng USD và xuất khẩu Trung Quốc qua đó sẽ được hưởng lợi khá nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lành ít, dữ nhiều?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO