Kinh tế thế giới: Sức ép từ Trung Quốc

LAM HỒNG| 21/08/2015 06:34

Các thị trường mới nổi đang chịu sức ép biến động trái chiều của kinh tế Mỹ và Trung Quốc (TQ).

Kinh tế thế giới: Sức ép từ Trung Quốc

Các thị trường mới nổi đang chịu sức ép biến động trái chiều của kinh tế Mỹ và Trung Quốc (TQ).

Đọc E-paper

Thị trường tài chính thế giới đang trải qua những ngày tháng hỗn loạn đến mức thuật ngữ "chiến tranh tiền tệ” phủ đầy trên các mặt báo. Đáng chú ý nhất là sự mất giá bất ngờ của đồng nhân dân tệ làm dấy lên những lo ngại về sự bất ổn của kinh tế TQ, kéo theo những lo ngại khác về tương lai của các thị trường mới nổi: giá đồng thấp nhất trong 6 năm; giá dầu dưới 50 USD một thùng; đồng tiền của Malaysia đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á vào năm 1998...

Không có yếu tố duy nhất có thể giải thích tất cả mọi thứ đang diễn ra. Nhưng mọi chú ý đổ dồn vào hai nền kinh tế khổng lồ, đang tác động qua lại lẫn nhau và tác động chung tới kinh tế thế giới. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và thiết lập lãi suất và tiền tệ trên toàn cầu. TQ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Nhưng hai nền kinh tế khổng lồ này đang đi ngược chiều nhau. Phục hồi của kinh tế Mỹ đang dần đạt kết quả, trong khi kinh tế của TQ đang chậm lại đáng kể. Sự trái ngược này đang tạo nên những ma sát tiêu cực đối với kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với những thị trường mới nổi lâu nay phụ thuộc vào nhu cầu bùng nổ của TQ và tín dụng giá rẻ từ Mỹ.

Tất cả các dấu hiệu của kinh tế Mỹ đều cho thấy sự tăng trưởng vững chắc hơn. Đã có 215.000 việc làm tăng thêm vào tháng 7, một sự gia tăng phù hợp với xu hướng tăng trưởng của thị trường lao động gần đây; trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang giảm xuống gần 5%. Tăng trưởng lành mạnh trong nền kinh tế lớn nhất thế giới rõ ràng là một tin tốt. Nhưng tháng 9 tới, nhiều thông tin cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ.

Triển vọng này đã đẩy giá đồng USD lên cao hơn dù đồng bạc của Mỹ đã tăng 15% trong 2 năm qua. Sự lên giá của USD đã gia tăng sức ép đối với các thị trường mới nổi theo hai cách. Đầu tiên, vốn được rút ra đối với lãi suất cao hơn các tài sản của Mỹ, hơn là được sử dụng để đầu tư; thứ hai, khách hàng vay tại các nước đang phát triển đối mặt với rủi ro của khoản vay 1,3 ngàn tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD mà họ đã phát hành từ năm 2010. Khách hàng vay nặng nhất khoản vay kiểu này là TQ, Brazil, Nga, Mexico và Hàn Quốc.

Khi nền kinh tế của Mỹ lấy lại động lực, thì TQ lại đang xuống dốc. Con số đáng báo động mới được công bố cho thấy xuất khẩu của TQ giảm 8% trong tháng 7. Giá đầu ra đã giảm 41 tháng liên tiếp, một dấu hiệu của dư tải trong nhiều ngành công nghiệp nặng của TQ. Suy thoái trong nền kinh tế của TQ là không thể tránh khỏi khi chuyển đổi từ một nền kinh tế đầu tư sang một trung tâm tiêu thụ. Đà suy thoái của công xưởng thế giới này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế liên quan.

Bị tác động lớn nhất là các nhà sản xuất hàng hóa, từ Brazil đến Nam Phi. Tăng trưởng GDP ở Singapore đã giảm xuống dưới 2%, mức thấp nhất trong ba năm. Khảo sát cho thấy sản lượng nhà máy bị thu hẹp ở Đài Loan và Hàn Quốc. Lạm phát cũng dễ xảy ra hơn đối với Ấn Độ, dù nền kinh tế nước này ít ràng buộc với TQ hơn là các nước láng giềng. Các nhà sản xuất thép Ấn Độ bị đè bẹp trước sự đột biến của thép nhập khẩu giá rẻ từ TQ.

Áp lực hàng giá rẻ của TQ khiến các thị trường láng giềng nhanh chóng mất thị phần và buộc phải đua theo TQ trong cuộc đua hạ giá tiền tệ để cứu vãn xuất khẩu cũng như thị trường trong nước. Ngay sau khi Bắc Kinh hạ giá đồng nhân dân tệ, đồng ringgit của Malaysia đã giảm khoảng 2% giá trị so với đồng USD, ở mức thấp nhất kể từ khi bùng lên cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 đến nay. Tương tự như vậy, đồng rupiah của Indonesia cũng rơi xuống mức của năm 1998, với 13.789 rupiah đổi được một USD, trong lúc đồng tiền Việt Nam giảm giá 1%, tuột xuống mức 1 USD ăn 22.040 đồng... Ngân hàng ANZ đã cắt giảm từ 0,5% đến 0,75% tỷ lệ tăng trưởng dự kiến năm 2015 cho một số nước châu Á.

Sự bất đồng địa-chính trị giữa Mỹ và TQ càng làm vấn để trở nên phức tạp hơn. Bắc Kinh phải dùng đến vũ khí nhân dân tệ bất chấp các nước láng giềng có thể gây hậu quả không tốt cho chính sách khu vực của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang rất muốn dùng lợi ích kinh tế để thuyết phục các nước chấp nhận quyền khống chế của Bắc Kinh trên Biển Đông, hay hậu thuẫn cho Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á mà TQ mới thành lập, cũng như ủng hộ TQ trong việc đòi Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận đồng tệ trở thành ngoại tệ dự trữ toàn cầu.

Theo The Economist, những nỗi sợ này đã bị thổi phồng. Bắc Kinh không muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh tiền tệ. Bởi vì, đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ khiến sức mua của TQ suy giảm, du khách TQ cũng ít đi. Tương tự, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không muốn hành động quá đột ngột khi có thể gặp một hiệu ứng boomerang khi tăng lãi suất. Nếu tăng lãi suất, nền kinh tế toàn cầu càng bị tổn thương nhiều hơn, sau đó sẽ kéo theo tình trạng kinh tế Mỹ cũng xấu đi... Đồng USD tăng mạnh sẽ khiến các công ty Mỹ gặp tình trạng khó khăn khi cạnh tranh với những mặt hàng rẻ hơn của Nhật hay châu Âu. Ngoài ra, sẽ làm tăng giá trị sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ do đó ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại. 

>Việc ngắn hạn lên ngôi nhờ khủng hoảng 

>Khủng hoảng nợ có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu

>Đồng nhân dân tệ rẻ đi: Điện thoại xuống, chuối lên

>Trung Quốc "hứa" không để Nhân dân tệ mất giá đến 10%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế thế giới: Sức ép từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO