Khủng hoảng nợ gây hoảng loạn các thị trường tài chính

HÀ CÚC| 22/07/2011 04:14

Sau Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, đến lượt nước Ý đang rơi vào tâm điểm của vòng xoáy nợ công. Cuộc khủng hoảng nợ nần đang có nguy cơ lan tràn, đe dọa gây tan rã khu vực sử dụng đồng euro.

Khủng hoảng nợ gây hoảng loạn các thị trường tài chính

Sau Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, đến lượt nước Ý đang rơi vào tâm điểm của vòng xoáy nợ công. Cuộc khủng hoảng nợ nần đang có nguy cơ lan tràn, đe dọa gây tan rã khu vực sử dụng đồng euro.

Trong khi các bộ trưởng tài chính châu Âu đang cố gắng tìm lối thoát cho Hy Lạp tránh khỏi bị phá sản, thì căn bệnh nợ công dường như đã lây ra khắp khu vực đồng euro.

Cuộc khủng hoảng nợ lan tràn sang Ý và Tây Ban Nha, trong khi các chủ nợ chính của các con nợ lớn này là các ngân hàng Pháp, Đức.

Theo đánh giá, hiện Ý có 2,6 ngàn tỷ EUR khoản nợ chưa thanh toán, chiếm 120% GDP nước này, gấp ba lần GDP của Hy Lạp, Irealand và Bồ Đào Nha cộng lại. Ý là nền kinh tế lớn thứ 3, cũng là thị trường trái phiếu lớn nhất châu Âu.

Lãi suất cho vay theo đòi hỏi của các thị trường tài chính đối với Ý và Tây Ban Nha đã tăng vọt lên đến 6%/năm. Nếu tình hình này kéo dài, tài chính công của hai nước nói trên sẽ không thể đứng vững. Nếu xảy ra vỡ nợ thì hiển nhiên sẽ kéo các chủ nợ theo.

Chỉ trong vòng vài giờ, các nhà đầu tư đã bán tháo ồ ạt trái phiếu của những nước châu Âu đang nằm trong vòng xoáy của cơn lốc nợ công. Bị ảnh hưởng bởi sự lo sợ, cổ phiếu của các ngân hàng, chủ yếu tại Ý đều đồng loạt sụt giảm mạnh.

Giá cổ phiếu của Ngân hàng Intesa Sanpaolo giảm 8%, còn ngân hàng tín dụng liên doanh Uni Credit giảm 6%, trong 8 phiên giao dịch trước, giá cổ phiếu của hai ngân hàng này đều lần lượt giảm 20% và 25%. Hệ lụy kéo theo đó là hàng loạt thị trường chứng khoán ở châu Âu lao dốc thê thảm, trong đó chủ yếu là cổ phiếu của các ngân hàng.

Khả năng triệu tập cuộc họp thượng đỉnh bất thường cho thấy các lãnh đạo châu Âu rất lo ngại trước nguy cơ khủng hoảng ở Hy Lạp lan rộng, làm sụp đổ dự án thống nhất tiền tệ, 12 năm sau khi khối euro ra đời. Khối này đã nhất trí về mặt nguyên tắc tăng mức quỹ cứu trợ khẩn cấp lên 500 tỷ euro.

Theo đó, trước mắt, để giảm gánh nặng nợ nần cho Hy Lạp, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro đang nghiên cứu khả năng cho phép Quỹ hỗ trợ tài chính mua lại nợ công của Hy Lạp từ các nhà đầu tư. Nhưng giải pháp này “vi phạm” điều cấm kỵ trong khu vực đồng euro với chủ trương Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là cơ chế duy nhất có quyền can thiệp vào thị trường nợ bằng cách thức nói trên.

Đối với khu vực euro, giải pháp ngắn hạn là ECB mua trái phiếu của Ý. Đây là một lựa chọn chính trị khó khăn vì chủ tịch nhiệm kỳ tiếp theo của ECB là Mario Draghi - hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý.

Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Obama một lần nữa lại nhắc đến nguy cơ vỡ nợ của nước Mỹ, khiến nhiều nhà đầu tư nước này chọn giải pháp đứng ngoài quan sát nước Ý và châu Âu chìm trong nợ nần.

Trong khi đó, Cơ quan Ngân hàng Châu Âu (EBA) tại London đã công bố kết quả trắc nghiệm khả năng đối phó khủng hoảng kinh tế của 91 ngân hàng tham gia. Theo kết quả, có 8 ngân hàng châu Âu đã không vượt qua được kỳ trắc nghiệm này, trong đó có 5 ngân hàng của Tây Ban Nha, 2 của Hy Lạp và một của Áo.

Nếu không tính đến khoảng 50 tỷ euro được ghi trong dòng vốn tự có của các ngân hàng đã nghe theo khuyến cáo trên, thì lẽ ra có đến 20 ngân hàng không qua được trắc nghiệm.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khủng hoảng nợ gây hoảng loạn các thị trường tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO