Huy động vốn khó khăn, Uber "khó sống" ở Trung Quốc

14/07/2015 00:38

Trong cuộc đua huy động vốn tại Trung Quốc, Uber luôn chậm chân hơn hãng xe của Alibaba và Tencent.

Huy động vốn khó khăn, Uber

Trong cuộc chiến giữa những ứng dụng chia sẻ chuyến đi, ai thành công hơn trong việc huy động vốn sẽ là kẻ trụ lại cuối cùng.

Tháng 6 vừa qua, Travis Kalanick - Giám đốc điều hành Uber tuyên bố sẽ rót 1,1 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc trong năm nay. Ngoài ra, Uber hiện cũng đang huy động thêm một tỷ USD nhằm đầu tư vào các hoạt động kinh doanh tại quốc gia này.

Tuy nhiên Didi Kuaidi - hãng xe được hai đại gia thương mại điện tử Alibaba và Tencent hỗ trợ, tỏ ra nhanh chân hơn trong cuộc đua huy động vốn. Ngày 8/7, hãng tuyên bố chính thức hoàn tất thương vụ huy động 2 tỷ USD. Theo Fortune, ngoài Alibaba và Tencent, đợt này có những nhà đầu tư mới bao gồm Quỹ đầu tư vốn tư nhân toàn cầu (CIPEF) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Ping An.

Ngoài ra, ngày 26/6 vừa qua, hãng này cũng thành công trong việc kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế hùn 1,5 tỷ USD (ngoài khoản 2 tỷ USD) nhằm cấp vốn cho giai đoạn phát triển thứ hai. Didi chia sẻ với Fortune chỉ trong 5 ngày số lượng nhà đầu tư đăng ký đã vượt quá chỉ tiêu, buộc hãng có kế hoạch tăng trần đăng ký.

Như vậy Didi Kuaidi với 3,5 tỷ USD đã áp đảo Uber với một tỷ USD trong cuộc chiến huy động vốn trên thị trường Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Chibo Tang thuộc một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Thượng Hải nhận định, tài chính là chìa khóa thành công đối với những ứng dụng cung cấp dịch vụ chia sẻ chuyến đi. “Những ai huy động được nhiều vốn hơn sẽ là người trụ lại cuối cùng” – vị này nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán lao dốc trong những thời gian gần đây sẽ có thể khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn trong tương lai gần.

Về phía Uber, hãng này tỏ ra rất lạc quan và tin tưởng vào khả năng thuyết phục nhà đầu tư góp vốn. Phát ngôn viên Kristin Carvell của Uber thông báo: “Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm cực kỳ lớn từ những nhà đầu tư”, nhưng không tiết lộ số người và giá trị vốn đã huy động được là bao nhiêu.

Giám đốc điều hành Uber, Travis Kalanick chia sẻ với hãng tin Caixin rằng Uber đang tiến hành thành lập chi nhánh độc lập UberChina tại Trung Quốc. Travis cho rằng những đặc điểm quá khác biệt của thị trường này chính là nguyên nhân khiến Uber lần đầu tiên thay đổi chiến lược mở rộng.

Trước đó hãng tìm kiếm Baidu đã đồng ý sẽ góp vốn vào UberChina và sẽ từng bước trở thành cổ đông tại chi nhánh độc lập này.

Một hành khách sử dụng dịch vụ của Kuaidi. Ảnh Forbes doanhnhansaigon
Một hành khách sử dụng dịch vụ của Kuaidi. Ảnh Forbes

Là kết quả của cuộc sáp nhập giữa Didi Dache và Kuaidi Dache hồi đầu năm, Didi Kuaidi hiện đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng Unicorn của Fortune có giá trị vốn hóa 8,8 tỷ USD. Con số này tỏ ra khiêm tốn trước 41 tỷ USD giá trị của Uber, được cho là sẽ tăng lên 50 tỷ USD sau đợt huy động vốn tiếp theo.

Kuaidi tỏ ra rất tự hào về những thành tích đạt được. Trong bức thư chia sẻ với Fortune có đoạn viết: “Trong vòng 3 năm qua, từ một hãng taxi thống lĩnh thị trường Trung Quốc, chúng tôi đang dần trở thành hãng vận tải lớn nhất thế giới”.

Bức thư này này bao gồm nhiều số liệu thống kê mà theo Fortune là “đáng kinh ngạc”. Theo đó, từ tháng 5 đến nay, số lần gọi chuyến đã tăng từ một triệu lên 3 triệu mỗi ngày khiến tốc độ tăng trưởng theo tuần của Kuaidi lên 30%. Con số này của Uber là một triệu.

Theo thống kê của Didi, hãng này hiện chiếm hơn 80% thị phần ứng dụng chia sẻ chuyến đi trên thị trường Trung Quốc, trong khi đó thị phần của Uber xung quanh mức 11% trong quý II năm 2015. Tuy nhiên một thống kê khác được Uber thực hiện lại cho kết quả ngược lại khi hãng công nghệ Mỹ cho rằng 50% thị phần thuộc về mình. Còn theo Financial Times, con số 80% của Didi sẽ giảm nhanh chóng trong thời gian tới.

Alibaba và Tencent được cho là đang nắm giữ 23% thị phần tại Didi. Hai “gã khổng lồ” này kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận thông qua việc Didi sử dụng hệ thống thanh toán điện tử Alipay và Tenpay.

Như vậy với sự góp mặt của Baidu, Alibaba và Tencent, cuộc chiến giữa Uber và Didi sẽ trở nên ngày càng gay gắt hơn.

>Hậu tranh cãi về taxi Uber: Người dân hưởng lợi

>Microsoft chuyển giao quảng cáo hiển thị cho AOL, bản đồ cho Uber

>Pháp: Tài xế taxi bạo động, phản đối dịch vụ Uber

>Dịch vụ "đi chung xe" của Google sẽ đánh bại Uber tại Israel?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huy động vốn khó khăn, Uber "khó sống" ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO