Hội nghị Cấp cao chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen

Nguồn Dân Trí/SGTT| 08/12/2009 09:12

15.000 đại biểu từ 192 nước đã họp tại Copenhagen với nhiệm vụ đạt được đồng thuận về hành động lập tức phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính...

Hội nghị Cấp cao chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen

Ngày 7/12 tại Copenhagen đã hội tụ hàng ngàn các đại biểu từ 192 nước với nhiệm vụ đạt được đồng thuận về hành động lập tức phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ hàng tỷ USD giúp các nước nghèo hơn đối phó với vấn đề này.

Trong những ngày này, du khách đến Copenhagen đã thấy những biểu tượng chào mừng hội nghị. Ảnh: Reuters

Hội nghị Copenhagen được nhiều nhà khoa học đặt kỳ vọng là hội nghị quan trọng nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực khí hậu. An ninh bên ngoài đang được thắt chặt, khi bên trong các đại biểu bắt đầu buổi khai mạc với quyết tâm chung phải đạt được một sự đồng thuận.

Trước thềm hội nghị, thương thuyết gia chính của Liên Hợp Quốc về thay đổi khí hậu Yvo de Boer cho hay cuộc thảo luận về chủ đề này đang diễn tiến tốt đẹp, nhiều quốc gia hiện đang cân nhắc cam kết cắt giảm khí thải nhà kính. Ông de Boer nói: “Chưa bao giờ trong suốt 17 năm thương thảo về biến đổi khí hậu lại có nhiều quốc gia nêu cam kết thế này”. Ông cũng nói các đề xuất trợ giúp tài chính cho công nghệ sạch ở các nước nghèo cũng đang được đưa ra và các nhà đàm phán đã có tiến bộ trong hình thành viễn cảnh lâu dài về cắt giảm khí carbon từ nay tới năm 2050.

Trong khi đó, một thăm dò ý kiến của BBC cho thấy người dân toàn cầu ngày càng tỏ ra quan ngại về thay đổi khí hậu: 64% người được hỏi nói họ cho là tình trạng ấm nóng toàn cầu rất nguy hiểm, tỷ lệ này cách đây một thập niên chỉ là 20%.

Các nhà hoạt động môi trường biểu tình tại thành phố Copenhagen trước giờ khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Biểu ngữ viết: "Các nước giàu hãy trả món nợ khí hậu". Ảnh: Reuters.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị lần này, 56 tờ báo lớn tại 45 quốc gia sẽ nhất loạt đăng một bài xã luận vào ngày 7/12 để cảnh báo rằng thay đổi khí hậu sẽ “tàn phá hành tinh của chúng ta” nếu như không có hành động. Bài xã luận này sẽ xuất hiện bằng 20 thứ tiếng và có nhận định: “Trọng tâm của các thỏa thuận sẽ là một dàn xếp giữa các nước giàu và các nước nghèo”.

Các nhà vận động cho môi trường dự tính sẽ tổ chức biểu tình tại Copenhagen và các nơi khác trên thế giới vào ngày 12/12 để khuyến khích các đại biểu đưa ra cam kết mạnh mẽ nhất. Hàng chục nghìn người đã tuần hành tại London và các thành phố khác ở Anh và châu Âu hôm thứ Bảy vừa qua.

Các thỏa thuận đạt được tại Copenhagen lần này sẽ thay thế Hiệp ước Kyoto năm 1997 về thay đổi khí hậu vì các tiêu chí của hiệp ước này chỉ đặt ra tới 2012. Đàm phán tại Copenhagen bắt đầu ngay ngày 7/12 và tuần tới, 100 lãnh đạo các quốc gia sẽ tới đây để ký kết thỏa thuận.

Có mặt tại phiên khai mạc là Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen và người đứng đầu ủy ban chuyên gia về khí hậu của Liên Hợp Quốc Rajendra Pachauri. Trong số các nguyên thủ đã hứa sẽ tham gia hội nghị có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh Gordon Brown, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Các chủ đề chính được thảo luận là: Mục tiêu cắt giảm khí thải của các nước phát triển; Hỗ trợ tài chính cho việc đối phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển; Cơ chế trao đổi carbon nhằm chấm dứt nạn phá rừng từ nay tới 2030.

Đóng bao nhiêu cho đủ?

Nếu như Nghị định thư Tokyo được cho là quá mềm mỏng trong việc đưa ra một chế tài để xử lý các nước không tuân thủ cam kết, thì Pháp đang đề nghị một biện pháp hữu hiệu hơn: hàng hoá nhập khẩu từ những nước không đạt mục tiêu cắt giảm khí thải đề ra sẽ chịu thuế cao, gọi là thuế biên giới. Hình thức này được đánh giá là sẽ giúp tránh được việc các nhà máy ô nhiễm di chuyển từ nước giàu đến các nước nghèo để tiếp tục sản xuất và xả khí thải.

Dự luật cắt giảm khí thải Waxman–Markey của Mỹ cũng có một điều khoản về việc áp thuế này. Tuy nhiên, điều này bất lợi cho các nước đang phát triển. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã từng nhận xét thuế biên giới “sẽ không hỗ trợ cho bất cứ nỗ lực nào của một quốc gia trong các thương thuyết liên quan đến biến đổi khí hậu, và Trung Quốc cực lực phản đối thuế này”.

Giải pháp để bù đắp thiệt thòi này là các khoản tài chính hỗ trợ để thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu. Các nước giàu cần phải chi các khoản tiền này vì họ là nguồn xả khí thải lớn trên thế giới từ nhiều năm nay gây ra tình trạng biến đổi khí hậu nên giờ phải có trách nhiệm giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các nước đang phát triển khác thiếu nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh nên cần sự hỗ trợ tài chính từ các nước giàu. Theo ước tính của tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) để đạt được mục tiêu “20C”, cần đầu tư một ngàn tỉ USD để xanh hoá các nhà máy trên thế giới, trong đó – theo ngân hàng Thế giới – 475 tỉ USD cần phải được chi cho các nước đang phát triển.

Lý lẽ là vậy, nhưng trong vấn đề này cũng đang tồn tại các khoảng cách. Trung Quốc cho rằng các nước phát triển cần phải đóng góp 1% GDP của mình, tương đương 400 tỉ USD/năm, cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. African Union muốn riêng lục địa đen phải nhận được 67 tỉ USD/năm.

Tuy nhiên Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng tổng các khoản đóng góp chỉ khoảng 100 tỉ USD/năm là đủ, còn Uỷ ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu với mức chi 100 tỉ euro vào năm 2020. Một khoảng cách khác là trong khi Trung Quốc và châu Phi đề cập đến khoản chi mà chính phủ các nước phát triển cấp cho chính phủ các nước đang phát triển, ông Brown và EC thì bàn đến sự hợp tác trong việc chi tiền hỗ trợ từ các nguồn vốn của chính phủ và tư nhân.

Các khoảng cách quá lớn sẽ không thể lấp đầy ngay sau hội nghị thượng đỉnh ở Copenhagen, nhưng thế giới đang mong chờ hội nghị này sẽ mở ra những cách thức để lấp những khoảng cách này dễ dàng hơn.

Chủ tịch Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhà kinh tế học người Ấn Độ Rajendra Pachauri phân tích: “Cái gọi là sự thịnh vượng của thế giới đến năm 2030 cũng chỉ bị chậm lại vài tháng do ảnh hưởng của việc cắt giảm khí thải. Trong khi đó, cắt giảm khí thải sẽ mang lại rất nhiều lợi ích rất hiển nhiên như giảm bớt ô nhiễm không khí, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, giảm bớt chi phí y tế, bảo đảm an ninh năng lượng, tạo việc làm, phát biển nông nghiệp bền vững, và tăng cường an ninh lương thực”.

Khoảng 100 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới cũng sẽ tham dự Hội nghị kéo dài 12 ngày này tại Copenhagen nhằm tìm kiếm một thoả thuận thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nghị Cấp cao chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO