Hội nghị BRIC: Tân tứ trụ

THỤY KHA| 22/04/2010 00:47

Suy thoái tại phương Tây càng làm nổi bật vai trò của các nền kinh tế đang phát triển. Đây cũng là cơ hội để BRIC lên tiếng lập lại một trật tự thế giới mới.

Hội nghị BRIC: Tân tứ trụ

Suy thoái tại phương Tây càng làm nổi bật vai trò của các nền kinh tế đang phát triển. Đây cũng là cơ hội để BRIC lên tiếng lập lại một trật tự thế giới mới.

Các lần họp trước khối BRIC (tên viết tắt tiếng Anh của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đều mời các nước khác dự họp để trình làng. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay tại thủ đô Brasilia của Brazil chỉ có bốn bên tham dự. Đơn giản vì các nước này khẳng định muốn đẩy chủ đề cuộc họp năm nay đánh dấu sự vươn lên của BRIC thành một khối chính trị và kinh tế mà sức mạnh đang có tác động toàn cầu. Vì vậy, họ có thể tự đưa ra những quyết định riêng như khối G7 hay G20 vẫn làm.

Nguyên thủ các nước Nga, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh BRIC ngày 15/4/2010 - Ảnh: AFP

Nội dung bao trùm hội nghị cũng khẳng định vị thế của BRIC khi đề cập một vấn đề mà trước nay chỉ thuộc về các nước phương Tây: kêu gọi cải tổ nhiều định chế quốc tế để tạo lập một trật tự thế giới mới công bằng hơn. Trong cuộc họp giữa bốn quốc gia thành viên BRIC và cuộc họp giữa ba thành viên nhóm IBAS gồm Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, lãnh đạo các nước đồng thanh kêu gọi cải tổ hệ thống vận hành của nhiều định chế đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Liên Hiệp Quốc.

Các quốc gia đang trỗi dậy đòi được đại diện một cách "cân bằng" hơn trong các định chế này. Là nước chủ nhà, Tổng thống Brazil nhấn mạnh: “Thượng đỉnh của nhóm BRIC là một giải pháp trong một thế giới mà trật tự quốc tế không tương xứng và công bằng”.

Trong khi vai trò của Nga tại châu Âu vẫn còn đang là chuyện phải bàn thì vị thế của Brazil tại Nam Mỹ đã rất mạnh, còn hai nước Trung Quốc và Ấn Độ thì đang làm thay đổi hoàn toàn cán cân kinh tế và địa chính trị châu Á. Theo WB, sức mua của châu Á nay chiếm 21% sức mua toàn thế giới. Tính đến 2008, các thị trường chứng khoán châu Á cũng chiếm 32% thị trường tài chính toàn cầu, trên châu Âu (25%) và Hoa Kỳ (30%).

Thậm chí, Chủ tịch WB, ông Robert Zoellick, nói với đà tiến lên của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, thì khái niệm "Thế giới thứ ba" nay hoàn toàn không hợp thời nữa. Đã đến lúc chúng ta công nhận một không gian kinh tế mới, song hành.

Công ty đầu tư Goldman Sachs nhận định, các quốc gia thuộc nhóm BRIC được kỳ vọng “sẽ làm lu mờ các nền kinh tế giàu nhất thế giới trước năm 2050”. Năm ngoái, khối lượng sản xuất của các quốc gia thuộc khối BRIC chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 40% dân số thế giới. Khối BRIC hy vọng con số này sẽ tăng lên và tin rằng việc thừa nhận địa vị sẽ cao hơn so với IMF cũng như có tiếng nói lớn hơn trong vấn đề tài chính toàn cầu.

Theo Tổng thư ký Trung tâm nghiên cứu về Brazil thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Zhou Zhiwei, khối BRIC đang khai thác khả năng hợp tác thực sự giữa các quốc gia, tuy nhiên đó là “chặng đường dài phía trước”. Hợp tác hiện tại giữa các nước đang mạnh hơn ở lĩnh vực kinh tế, chứ không mạnh ở lĩnh vực chính trị".

Hiện tại, các nước khối BRIC có mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn với các nước khác và những bất đồng thương mại song phương có thể xuất hiện trong tương lai. Các chuyên gia tranh luận rằng, Nga và Brazil chỉ nhóm lại với nhau sau khi Goldman Sachs đưa ra thuật ngữ BRIC vào năm 2001. Tuy nhiên, với quy mô của mình, có thể thấy rõ rằng, các nước thuộc khối BRIC sẽ ngày càng quan trọng đối với thế giới. Nhưng nếu họ sửa đổi cấu trúc tài chính quốc tế, thì nó có thể tiến hóa hơn là một cuộc cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nghị BRIC: Tân tứ trụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO