Hồ nghi bủa vây Tổng thống đắc cử Donald Trump

THÁI BẢO| 15/11/2016 04:20

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ một cách "bất ngờ" đã đặt ra khá nhiều dấu hỏi trong chính sách đối nội và đối ngoại vốn bị cho là cứng rắn, khó đoán của tỷ phú 70 tuổi này

Hồ nghi bủa vây Tổng thống đắc cử Donald Trump

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ một cách "bất ngờ" đã đặt ra khá nhiều dấu hỏi trong chính sách đối nội và đối ngoại vốn bị cho là cứng rắn, khó đoán của tỷ phú 70 tuổi này.

Đọc E-paper

Ngày 10/11, ông Trump đã gặp Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục trong buổi họp báo giới thiệu trước khi hai bên bắt đầu giai đoạn chuyển giao quyền lực. Từ ngày bầu cử 8/11 tới đầu tháng 1/2017, ông Trump sẽ tiếp nhận các quy trình làm việc tại Nhà Trắng, rà soát nhiều loại hồ sơ trước khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Áp lực trong nước

Cho đến ngày 10/11, nhiều ý kiến cho rằng họ vẫn chưa tin được, thậm chí chưa quen với cụm từ "Tổng thống Donald Trump". Đơn giản, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ông Donald Trump (Đảng Cộng hòa) và bà Hillary Clinton (Đảng Dân chủ) bị cho là "cuộc bầu cử chia rẽ nhất lịch sử". Và đa phần đều dùng từ "sốc" khi chứng kiến một chính trị gia lão làng như bà Clinton với những chính sách ôn hòa phải chịu thất bại trước một tỷ phú bất động sản với những phát ngôn mạnh mẽ, thậm chí quá khích như ông Trump.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần bị báo giới trích dẫn những phát ngôn mang tính kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, xúc phạm phụ nữ. Mặc dù nội hàm của ông Trump không hoàn toàn theo hướng cực đoan như thế, song có lẽ chỉ người ủng hộ ông - nhất là những người trực tiếp nghe ông phát biểu trước đám đông, mới thấu hiểu cho doanh nhân người New York này.

Một thống kê hồi tháng 10 cho thấy, đa phần các tờ báo lớn nhất ở Mỹ cũng như đài truyền hình CNN đều "quay lưng" với ông Trump. Đây là một tác nhân khiến hình ảnh của ông khó đẹp trong lòng công chúng.

Ngay sau thông tin ông giành hơn 270 phiếu đại cử tri, đã xuất hiện những cuộc biểu tình khắp các bang của Mỹ, thậm chí dẫn tới bạo lực như tại Portland, Oregon.

Với những áp lực dư luận như thế, giờ đây ông Trump sẽ chịu sự soi xét kỹ càng của truyền thông quanh các chính sách và lời hứa.

Kẻ mừng, người lo

Giới quan sát nhận định rằng bà Hillary Clinton với kinh nghiệm chính trị, và cũng là người thuộc Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama, có phần "dễ đoán" hơn so với ông Trump. Nhưng dù thế nào thì kết quả bầu cử cho thấy Donald Trump mới là tổng thống thứ 45 năm, và là người đứng đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong 4 năm tới.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một trong những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng thành quả của ông Trump. Ông Duterte - người cũng thường được ví là "Donald Trump của Philippines", có vẻ kỳ vọng nhiều vào việc cải thiện quan hệ với Mỹ sau khi nhiều lần "va chạm" với Tổng thống Obama trên báo chí.

Kế đến, thông điệp tích cực xuất hiện từ nước Nga. Tổng thống Vladimir Putin lâu nay vẫn dành những lời lẽ tốt đẹp cho ông Trump, và bản thân tổng thống mới đắc cử của Mỹ cũng không dưới một lần ca ngợi lãnh đạo Nga.

Ngược lại, bầu không khí lo ngại bao trùm những quốc gia từng nghe về chính sách không thân thiện của ông Trump trong quá trình tranh cử, kể cả những đồng minh lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 11/11 khi được hỏi, cho rằng chính phủ nước ông đã trả những khoản phí xứng đáng, đầy đủ cho lính Mỹ. Hằng năm, Nhật Bản vẫn dành 1,9 tỷ USD trả cho 50.000 lính Mỹ đóng ở Nhật. Tuy nhiên trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng khiến cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc phản ứng vì tuyên bố hai nước này phải trả thêm tiền cho Mỹ nhằm san sẻ gánh nặng tài chính dành cho quân đội Mỹ.

Ngày 17/11, ông Trump sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và có thể cuộc hội kiến này sẽ phần nào làm rõ hơn thái độ của Tổng thống Mỹ tương lai đối với Nhật Bản. Trước đó Reuters đưa tin từ một cố vấn an ninh của ông Trump cho hay, ông vẫn đánh giá rất cao vai trò đồng minh của người Nhật.

Một số đồng minh khác của Mỹ cũng đang lo, đó là Liên minh Châu Âu (EU) và NATO. Trong khi châu Âu cần Mỹ gánh vác một phần cuộc khủng hoảng di cư từ Trung Đông và châu Phi, khối NATO lại lo ngại lập trường xích lại gần Nga của Trump, hoặc ít nhất là thái độ "lấy lợi ích của Mỹ làm trọng".

Viết trên The Guardian ngày 13/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ý nhắc nhở rằng: "Một mình tiến bước không phải là lựa chọn đối với cả EU lẫn Mỹ”.

>Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ

>Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump sẽ giữ lại một phần Obamacare

>Ông Donald Trump chỉ bài xích người nhập cư trái phép

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồ nghi bủa vây Tổng thống đắc cử Donald Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO