Hàn gắn nước Mỹ

LAM HỒNG| 06/11/2012 05:16

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ được chọn sau cuộc bỏ phiếu ngày 6/1, ngoài gánh nặng nợ nần và kinh tế xuống dốc còn một nhiệm vụ nặng nề khác: hàn gắn một nước Mỹ đang chia rẽ.

Hàn gắn nước Mỹ

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ được chọn sau cuộc bỏ phiếu ngày 6/1, ngoài gánh nặng nợ nần và kinh tế xuống dốc còn một nhiệm vụ nặng nề khác: hàn gắn một nước Mỹ đang chia rẽ.

Nước Mỹ chọn hai

Chiến thắng của Obama hồi năm 2008 khi gợi cho cử tri Mỹ về một nước Mỹ có thể thay đổi và một nước Mỹ đoàn kết. Lúc đó ông nói rằng “Chúng ta không phải là các bang xanh hay bang đỏ. Chúng ta là nước Mỹ”.

Tuy nhiên, sau 4 năm, khi phải đối đầu với Romney trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Obama đã thay đổi chiến thuật, nhắm vào giới thượng lưu với “Luật Buffett” (dự luật thuế áp dụng với những người thu nhập trên 1 triệu USD/năm) và làm mếch lòng những người ủng hộ mình bằng cách bỏ qua phần nhạy cảm trong lập luận của Đảng Cộng hòa rằng cần phải triệt để cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Obama không có sự lựa chọn nào khác.

Nhưng cử tri Mỹ buộc phải lựa chọn giữa một Đảng Cộng hòa dị ứng với các khoản tăng thuế cần thiết và một Đảng Dân chủ thiếu can đảm cắt giảm chi tiêu để nước Mỹ tồn tại. Ngoài hố sâu ngăn cách từ lâu giữa hai đảng, đã có thêm những vết nứt mới do cuộc khủng hoảng tạo ra, như khoảng cách giữa 1% nhà giàu và phần còn lại của xã hội, những chia rẽ giữa người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Latin...

Dù ai trúng cử cũng sẽ lại phải đối mặt với một quốc hội đầy chia rẽ như hiện nay: một Hạ viện của phe Cộng hòa và một Thượng viện của phe Dân chủ. Trên thực tế, chiến thắng áp đảo của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010 đã đưa nhiều phần tử bảo thủ cuồng tín vào chính quyền, khiến việc lập pháp gặp khó khăn và biến Quốc hội Mỹ trở nên phân cực sâu sắc.

Điều này đã từng hủy hoại hai năm cuối nhiệm kỳ đầu của ông Obama ở Nhà Trắng, đến mức ông đã phải đối mặt với một Đảng Cộng hòa chỉ còn biết phủ quyết tất tật những gì Nhà Trắng đưa ra với mục tiêu trên hết là làm suy yếu ông Obama hơn là chú tâm đến những lợi ích của đất nước.

Cuộc bám đuổi sát nút giữa Obama và Romney căng thẳng cho đến giờ phút cuối cũng cho thấy một nước Mỹ chia đôi. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chưa bao giờ sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ lại gay gắt và quyết liệt như hiện nay: cử tri hằn học nhau, quốc hội không tìm được tiếng nói chung, báo chí đứng ở hai chiến tuyến...

Thế giới chọn một

Theo cuộc thăm dò quốc tế do BBC World Service thực hiện, người dân trên khắp thế giới ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama so với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney. Bình quân, 50% người được hỏi ưa thích ông Obama, so với 9% tán thành ông Romney, và Pakistan là nước duy nhất trong số 21 quốc gia được hỏi nói rằng họ muốn thấy ông Romney giành phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 6/11.

Thậm chí, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đã phá vỡ nghi thức ngoại giao bằng cách công khai bày tỏ ủng hộ ông Obama: “Nếu tôi là một công dân Mỹ, tôi sẽ không ngần ngại bỏ phiếu cho Obama”.

Theo Joe Twyman, Giám đốc Nghiên cứu Chính trị và Xã hội của YouGov: “Theo các tiêu chuẩn châu Âu lục địa, Obama được xem là trung hữu hoặc thậm chí thuộc cánh hữu. Nhưng Romney lại còn nghiêng về cánh hữu nhiều hơn. Do đó, ông ấy vượt xa các tiêu chuẩn châu Âu”.

Hướng đến cuộc bầu cử ở nửa kia vòng Trái đất, người dân châu Á cùng dành nhiều ủng hộ cho Obama. Nhật Bản và Trung Quốc đang có những mâu thuẫn cực điểm liên quan đến tranh chấp biển đảo nhưng lại có một điểm chung: cùng muốn đương kim Tổng thống Mỹ Obama thắng cử.

Theo thăm dò được thực hiện trong tháng 9 và 10 do AFP-Ipsos tiến hành, tỷ lệ ủng hộ dành cho Obama lên đến 86% ở Nhật Bản, so với 12,3% dành cho Romney; còn tỷ lệ ủng hộ đương kim tổng thống Mỹ tại đại lục cũng lên đến 63%.

Chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại học Thanh Hoa, ông Chen Qi, Obama được ủng hộ vì vị tổng thống này có xu hướng “vị dân”, quan tâm đến những người ở tầng lớp thấp của xã hội bằng cách chính sách cải cách y tế...

Trong khi đó, Romney được biết đến như một người “tư bản từ gốc”, tham chính với xuất phát điểm là một doanh nhân giàu có, dành các chính sách ưu đãi cho giới giàu có tại Mỹ. Ngòai ra, Romney thường chỉ trích Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và Nhật thì trì trệ trong kinh tế, khiến ứng viên Cộng hòa không được lòng người hai quốc gia châu Á này.

“Việc Romney chủ trương tăng sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương hơn nữa, và khẳng định sẽ gây sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc ở nhiều mặt trận có thể khiến người dân châu Á tin rằng tốt hơn hết là duy trì hiện trạng hiện nay”, Giám đốc Ipsos Hồng Kông Andrew Lam phân tích. Tại châu Á, tỷ lệ người Hàn Quốc muốn Obama tái cử cũng ở mức áp đảo.

Tuy nhiên, đối với chính sách đối ngoại, trong một phát biểu ngày 1/11 ở Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á Kurt Campbell cho biết, Mỹ sẽ không thay đổi chính sách cũng như các cam kết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho dù ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Ông Campbell nhấn mạnh, Mỹ sẽ tích cực can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương bởi Mỹ có nhiều lợi ích về an ninh cũng như kinh tế tại khu vực này và đây là chính sách nhất quán của Chính phủ Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàn gắn nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO