Giá dầu sụt giảm: Dao hai lưỡi

LAM HỒNG| 29/01/2016 06:39

Thay vì vui mừng, giá dầu sụt giảm quá mạnh lại là nỗi lo của kinh tế thế giới.

Giá dầu sụt giảm: Dao hai lưỡi

Thay vì vui mừng, giá dầu sụt giảm quá mạnh lại là nỗi lo của kinh tế thế giới.

Đọc E-paper

Theo The Economist, các cú sốc giá dầu đều ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Bắt đầu với lệnh cấm vận dầu của Ả rập năm 1973, khiến giá dầu tăng mạnh, kéo theo hậu quả nền kinh tế thế giới bị "tàn phá”. Ngược lại, khi giá dầu sụt giảm vào năm 1986, tạo cho kinh tế thế giới một động lực tăng trưởng.

Theo tính toán, giá dầu giảm 10% sẽ thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 0,1 - 0,5 điểm phần trăm. Trong 18 tháng qua, giá dầu đã giảm 75%, từ 110 USD xuống dưới 27 USD. Tuy nhiên, lợi ích chung của giá dầu giảm ít chắc chắn hơn. Mặc dù người tiêu dùng hưởng lợi nhưng các nhà sản xuất dầu đang điêu đứng.

Trong quá khứ, khi giá dầu sụt giảm, các quốc gia Trung Đông thường đóng vai trò điều tiết - cắt giảm sản lượng khi nhu cầu và giá dầu giảm và tăng sản lượng khi giá tăng. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, Ả rập Xê út đã cương quyết giữ sản lượng ở mức cao, ngay cả khi giá dầu giảm từ 100 USD mùa hè 2014 xuống còn dưới 30 USD/thùng.

Nguyên nhân là Ả rập muốn giữ thị phần khi Mỹ đẩy mạnh sản xuất dầu đá phiến trong khi nhu cầu toàn cầu sụt giảm. Mặt khác, Ả rập Xê út cũng đề phòng Iran sẽ tung ra 3 - 4 triệu thùng dầu/ngày sau khi nước này được bãi bỏ lệnh trừng phạt.

Tình hình này khiến một số chuyên gia kinh tế còn đưa ra dự báo đáy của giá dầu có thể về  10 USD, dù trong tuần qua đã có dấu hiệu giá dầu tăng trở lại. "Giá dầu càng thấp càng tốt" là suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, hãy nhìn cách dầu giá rẻ đã ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu từ châu Âu đến Nam Á. Hóa đơn dầu nhập khẩu của khu vực đồng euro đã giảm 2% GDP kể từ giữa năm 2014. Trong khi Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới khi giá dầu xuống thấp.

>>OPEC cạn tiền vì dầu rẻ

Tuy nhiên, doanh thu dầu sụp đổ có thể gây ra sự bất ổn chính trị của nhiều nước sản xuất dầu, chẳng hạn như Venezuela và vùng Vịnh. Dầu cùng nhiên liệu hóa thạch rẻ sẽ giảm động lực hành động về biến đổi khí hậu. Trong quá khứ, dầu giá rẻ đã giúp các nền kinh tế thế giới hứng khởi hơn vì người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Nhưng tình thế đang đảo ngược.

Người tiêu dùng Mỹ có thể tiết kiệm nhiều hơn mong đợi. Nga thông báo cắt giảm 10% chi tiêu công. Ngay cả Ả rập Xê út đang cắt giảm ngân sách  để đối phó với thâm hụt ngân sách khoảng 15% của GDP... Khi dầu thô hơn 100 USD/thùng khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng thăm dò dầu, như Bắc Cực, phía tây châu Phi và ngoài khơi bờ biển Brazil. Nhưng giá dầu giảm khiến các nhà đầu tư thất vọng. Ít nhất các công trình khai thác dầu khoảng 380 tỷ USD đã đình lại. Ở Mỹ, chi tiêu cho tài sản cố định trong các ngành công nghiệp dầu đã giảm một nửa so với mức đỉnh...

Khi giá dầu bị sụp trong bối cảnh của một nền kinh tế thế giới còn mong manh, nó có thể kích hoạt nhiều rủi ro khác. Phần lớn sự gia tăng 650 tỷ USD nợ tại các thị trường mới nổi từ năm 2007 nằm trong ngành công nghiệp dầu mỏ và hàng hóa.

Với GDP sụt giảm do thu nhập từ xuất khẩu dầu sụt giảm, Nga phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách trong vòng vài tháng tới. Một nước xuất khẩu dầu khác là Venezuela, nơi lạm phát trên 140%, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế.

>>Năm 2016, Kinh tế Venezuela vẫn không lạc quan

Tất nhiên, sự sụt giảm giá dầu sẽ tạo ra cơ hội cho những nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Nó mang lại cho nền kinh tế phụ thuộc vào dầu như Ả rập Xê út và Venezuela một lý do để cải cách. Nó cung cấp các nhà nhập khẩu dầu như Hàn Quốc cơ hội để xé bỏ các khoản trợ cấp hay năng lượng lãng phí thúc đẩy lạm phát và kiềm chế thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế. Nhưng cú sốc dầu đến khi nền kinh tế thế giới vẫn đang đối phó với hậu quả của khủng hoảng tài chính.

Chính vì vậy, khi giá dầu tăng hơn 8% vào ngày 23/1, chứng khoán toàn cầu tăng mạnh nhất kể từ 2012. Ngân hàng Citigroup nhận định dầu sẽ là hàng hóa sinh lời của năm 2016 nếu có thể thích ứng tốt với việc các nhà sản xuất ở Trung Đông tăng sản lượng. "Ban đầu thị trường sẽ đón nhận nguồn cung dồi dào từ Iran, nhưng khi làn sóng này kết thúc, đó sẽ là thời điểm mà giá dầu có cơ hội hồi phục. Giá dầu có hiệu ứng lan tỏa rất lớn và sẽ tác động đến giá của nhiều loại tài sản khác", chuyên gia Ivan Szpakowski của Citigroup nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá dầu sụt giảm: Dao hai lưỡi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO