FED tăng lãi suất: Việc chẳng đặng đừng

LÊ PHAN| 14/06/2018 09:35

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhóm họp ngày 13/6 và đã quyết định tăng lãi suất thêm một lần nữa, tiếp tục lộ trình bình thường hóa lãi suất bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2015.

FED tăng lãi suất: Việc chẳng đặng đừng

Ảnh: Business Insider

Tháng 3 vừa qua, FED đã tăng lãi suất lần đầu và cơ quan này còn có kế hoạch tăng lãi suất 3 lần, thậm chí có thể 4 lần trong năm 2018. Do đó, lần tăng thêm trong cuộc họp tháng 6 này cũng không có gì bất ngờ, nhất là khi FED thường có các quyết định điều chỉnh lãi suất trong những cuộc họp vào tháng cuối cùng của một quý.

Cơ sở tăng lãi suất

Các dữ liệu kinh tế công bố gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ lạc quan hơn dự báo và đây là cơ sở vững chắc cho quyết định tăng lãi suất của FED. Một trong những chỉ báo có tác động đến chính sách lãi suất của FED là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) - thước đo lạm phát của FED công bố vào cuối tháng 5 vừa qua tăng 0,2% so với tháng trước, cao hơn mức dự báo 0,1%, theo đó so với cùng kỳ đã chạm ngưỡng lạm phát mục tiêu đặt ra ở mức 2%.

Trong khi đó, thị trường việc làm tiếp tục khởi sắc, giúp thu nhập của lực lượng lao động tiếp tục tăng. Trong tháng 5, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 223.000 việc làm, vượt mức kỳ vọng tới 17%. Theo đó, lũy kế 5 tháng qua đã tạo thêm hơn 1 triệu việc làm, giúp tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm 3,8% vào cuối tháng 5, thấp hơn so với mức dự báo và của tháng trước là 3,9%. Đây cũng là con số thất nghiệp thấp kỷ lục trong 50 năm qua.

Có vẻ như lời hứa phục hồi nền kinh tế nói chung và việc làm cho dân Mỹ nói riêng của Tổng thống Donald Trump đang dần thành hiện thực. Theo ước tính của Sentier Research, dựa trên dữ liệu thống kê của Cục Điều tra dân số Mỹ, thì từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, thu nhập của các gia đình trung lưu Mỹ đã tăng gần 3,2% và đạt mức bình quân kỷ lục 61.483 USD trong tháng 4/2018.

Rõ ràng chính sách mở rộng tài khóa, theo đó cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, bên cạnh việc cắt giảm các thủ tục hành chính và áp đặt các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Mỹ quay về nước, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân.

Với lạm phát chạm mục tiêu và nền kinh tế lẫn thị trường việc làm lạc quan, FED càng có động cơ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn. Mà không riêng gì FED, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) tại các nước phát triển cũng đang có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ theo sau Hoa Kỳ.

Link bài viết

Kinh tế trưởng của NHTƯ Châu Âu (ECB) - ông Peter Praet ngày 7/6 cho biết, ECB sẽ thảo luận xem liệu có nên chấm dứt chương trình mua trái phiếu trong năm nay hay không, nhất là khi lạm phát sẽ chạm mức gần 2% trong trung hạn. Nhật Bản cũng đã đề cập đến việc kết thúc gói nới lỏng định lượng, có lẽ là trong năm sau, dù vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Việc chẳng đặng đừng

Dù vậy, vẫn có những kỳ vọng FED sẽ làm chậm lại lộ trình tăng lãi suất trước rủi ro khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trước diễn biến mạnh lên của đồng USD với kỳ vọng tăng lãi suất của FED, nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài đã rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là tại Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi khiến đồng nội tệ của những nước này sụt giá và buộc NHTƯ phải tăng mạnh lãi suất để ổn định giá trị đồng tiền.

Thực tế thì điều này cũng từng xảy ra trong quá khứ. Như năm 1998, Chủ tịch FED là Alan Greenspan đã giảm lãi suất 3 lần để bù đắp cho tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng. Hay như vào năm 2016, FED đã đưa ra kế hoạch nâng lãi suất 4 lần, nhưng lại chỉ nâng 1 lần duy nhất vì tình trạng rối loạn trên thị trường tài chính xuất phát từ nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Thống đốc NHTƯ Ấn Độ Urjit Patel gần đây phát biểu rằng, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ đã đẩy đồng USD tăng mạnh đồng thời thúc đẩy sự đảo chiều của dòng vốn nước ngoài trong 6 tuần qua. Thống kê cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 12,3 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi trong tháng 5, đánh dấu mức rút ròng lớn nhất kể từ tháng 11/2016. Ông Patel cũng thúc giục FED nên giảm kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán để khắc phục tình trạng hỗn loạn của thị trường.

Tuy nhiên, Chủ tịch FED là Jerome Powell công khai cho rằng tác động của chính sách tiền tệ Mỹ đến các thị trường mới nổi thường bị cường điệu hóa. Do đó, FED khó có thể thay đổi kế hoạch chỉ đơn thuần dựa trên những nỗi lo ngại về các thị trường mới nổi. Như vậy, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất là việc chẳng đặng đừng, tức không muốn cũng phải làm trong thời điểm hiện nay trước nội tại của kinh tế Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FED tăng lãi suất: Việc chẳng đặng đừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO