Facebook liệu có đi vào vết xe đổ của Yahoo?

LÊ PHAN| 28/03/2019 03:54

Sau 20 năm phát triển với những mốc son rực rỡ, năm 2017 Yahoo chấp nhận sự sụp đổ, phải bán cho Verizon Communications. Và thời gian gần đây, người ta có nhiều liên tưởng hình ảnh của Facebook với Yahoo, khi gã khổng lồ mạng xã hội này liên tiếp vướng vào những vụ kiện cáo và tai tiếng gây thất vọng cho người dùng.

Facebook liệu có đi vào vết xe đổ của Yahoo?

Những bức ảnh lung linh, những buổi phát sóng trực tiếp (livestream) sống động, những bài viết tương tác hấp dẫn thu hút hàng nghìn lượt like và comment trên Facebook, nhưng ít ai biết rằng phía sau đó là cả một đội ngũ khổng lồ có trách nhiệm kiểm duyệt, lại phải thường xuyên tiếp xúc với nội dung độc hại vốn để lại bao di chứng tâm lý nặng nề cho không ít người.
Dù vậy, không phải bao giờ lực lượng ấy cũng đủ sức lọc và ngăn chặn hết các nội dung xấu do người dùng đưa lên, mà livestream về vụ xả súng ở hai nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand mới đây gây thiệt mạng 50 người là một ví dụ. Trong một thế giới ngày càng bất ổn với đầy rẫy những kẻ khủng bố, những cá nhân điên loạn muốn được lịch sử lưu danh bằng những hành động gây nên nỗi khiếp sợ, thì có thể còn những vụ livestream điên khùng như vậy tiếp diễn.
Khi biết Facebook không đủ sức kiểm duyệt các tin giả và độc hại lan truyền hằng ngày thì ứng dụng livestream của mạng xã hội khổng lồ này càng trở thành vùng đất màu mỡ cho những tên tội phạm, những kẻ luôn muốn thu hút sự chú ý của dư luận.
Như trong vụ xả súng được phát trực tiếp vừa qua, Facebook đã bị cảnh sát thành phố Christchurch cảnh báo, yêu cầu xóa ngay nội dung bạo lực, nhưng Facebook đã không ngăn chặn được bởi bất kỳ công cụ trí tuệ nhân tạo hay bộ phận kiểm duyệt nào.
Sau đó Facebook cho biết trong một bài đăng trên blog rằng, trong 24 giờ đầu tiên của vụ xả súng nói trên, bộ phận quản trị mạng xã hội đã xóa khoảng 1,5 triệu video về cuộc tấn công trên toàn cầu, với hơn 1,2 triệu video bị chặn khi tải lên.
Hai ngày sau khi hệ thống kiểm soát của Facebook bị rớt trên toàn cầu, giám đốc điều hành hàng đầu của Công ty là Chrix Cox rời đi vì không hài lòng với hướng đi mới của Chủ tịch Facebook là Zucker-berg. Cần biết rằng Chrix Cox là Giám đốc sản phẩm lâu năm của Công ty và là nhân vật quyền lực thứ ba tại Facebook, chỉ sau Mark Zuckerberg và CEO Sheryl Sandberg.
Giám đốc WhatsApp là Chris Daniels cũng sẽ ra đi, tiếp bước những nhà sáng lập của WhatsApp và Instagram - hai nền tảng được Facebook mua lại đã rời Công ty vào năm 2017 và 2018 vì bất đồng quan điểm với Mark Zuckerberg.
Với nguồn lực chất xám bị chảy máu, có vẻ như Facebook đang mất định hướng khiến nội bộ càng trở nên rối ren. Đã có những báo cáo cho thấy một số nhân viên của Facebook đang tìm kiếm công việc mới hoặc không cảm thấy thoải mái khi đưa ra những ý kiến trái chiều trong bối cảnh Zuckerberg kiểm soát chặt chẽ. Vào tháng 1 vừa qua, đài CNBC đưa tin sinh hoạt của Công ty giống như một giáo phái làm một số nhân viên lo ngại khi muốn đưa ra những phản hồi trung thực, càng góp phần vào những bê bối đã bao trùm Công ty suốt thời gian qua.
Trong bối cảnh những tai tiếng về việc để lộ thông tin của hàng triệu người dùng chưa được giải quyết, thì mới đây các chuyên gia bảo mật lại phát hiện Facebook ưu ái hàng trăm triệu mật khẩu của người dùng ở dạng không mã hóa. Điều đó có nghĩa là bất kỳ nhân viên nào của Facebook cũng có thể đọc mật khẩu của bất kỳ người dùng nào.
Cách nay hai tuần, Zuckerberg đã gây ngạc nhiên đối với các nhà đầu tư và người dùng với cam kết sẽ cải thiện quyền riêng tư, theo đó ứng dụng nhắn tin được mã hóa. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại điều này lại bị kẻ xấu lợi dụng. Facebook cũng đang phải đối đầu với hàng loạt vụ kiện ở nhiều quốc gia về việc làm lộ dữ liệu người dùng. Cần nhớ rằng một trong những nguyên nhân khiến Yahoo sụp đổ cũng đến từ việc bảo mật kém, để rò rỉ tài khoản và đánh mất niềm tin của người dùng.
Tháng 10 năm ngoái, một nhóm cổ đông đại diện cho khoảng 5 triệu cổ phần đã yêu cầu hội đồng quản trị Facebook chỉ định một chủ tịch độc lập và tìm cách phế truất Zuckerberg. Tuy nhiên, Zuckerberg vẫn đang nắm phần lớn lượng cổ phần biểu quyết. Chính vì vậy, cho dù quyết định của Zuckerberg có chính xác hay không, các nhà đầu tư của Facebook buộc phải tin tưởng ông ta, khi họ không có tiếng nói thực sự nào.
Nếu như Google có ứng dụng cốt lõi là bộ máy tìm kiếm hiệu quả, Twitter là mạng chia sẻ thông tin nhanh chóng, thì Facebook dù có nhiều ứng dụng nhưng lại thiếu một nền tảng cốt lõi đủ sức giữ chân người dùng. Hay nói cách khác, người dùng sẽ lo lắng khi thiếu Google nhưng nếu Facebook biến mất thì cũng chẳng có gì phải quá bận tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Facebook liệu có đi vào vết xe đổ của Yahoo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO