Ảnh minh họa: Neon Brand |
Gần đây có rất nhiều biểu hiện cho thấy đồng đô la Mỹ đang dần mất đi vai trò dự trữ quốc tế của mình. Theo Financial Times (FT), Trung Quốc và EU đã bỏ ra không ít nỗ lực để đạt mục tiêu soán ngôi đồng tiền Mỹ.
Tham vọng đoạt vị vủa Trung Quốc và EU
Năm 2018 là một năm đầy biến động đối với đồng USD. Tỷ lệ dự trữ USD tại các ngân hàng trung ương trên toàn cầu giảm thấp nhất trong vòng 5 năm qua, đạt 62,3% trong quý II. Trong khi đó, chỉ số đo sức mạnh của đồng USD lại tăng mạnh.
Tổng nợ nước ngoài của Kho bạc Mỹ giảm còn 41%, mức thấp nhất trong vòng 15 năm.
Trung Quốc đã bắt đầu giao dịch các hợp đồng dầu mỏ có kỳ hạn bằng đồng CNY, thách thức quyền lực của đồng đô Mỹ.
Cùng lúc, Đức, Pháp, Anh và Nga đều muốn thay thế hình thức thanh toán bằng đồng USD bằng một hình thức khác. Các quốc gia này muốn tiếp tục mua bán cùng Iran và tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang thu hẹp bảng cân đối kế toán, giảm thanh khoản USD. Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung khiến các quốc gia khác ngày càng giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính cũng như đồng tiền của Mỹ.
CNY và EURO chưa đủ nội lực
Trước điều kiện như vậy, EU và Trung Quốc thực tế vẫn chưa đủ lực để thực hiện tham vọng của họ.
Đến giữa năm 2018, đồng EURO chiếm vị trí thứ hai về tỷ lệ dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chỉ bằng 1/3 so với đồng USD. Chuyên gia cho rằng sẽ rất khó khăn để làm nhà đầu tư tin tưởng vào đồng tiền này trong khi khối EURO đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Về phía Trung Quốc, sức mạnh đồng CNY cũng không được đánh giá quá cao. Đồng CNY chỉ chiếm 1,84% trong kho dự trữ ngoại tệ toàn cầu sau 6 tháng đầu năm. FT đánh giá điều này có thể thay đổi khi sáng kiến Vành đai và Con đường đang dần bành trướng. Các quốc gia nằm trong dự án này sẽ dễ dàng sử dụng chung đồng tiền này.
Thế nhưng, đồng CNY vốn không được thả nổi, mà bị kiểm soát bởi chính sách tiền tệ và hệ thống kinh tế - tài chính vốn khép kín của Trung Quốc.
Vai trò của đồng USD
Sự trở lại của Mỹ với vai trò một quốc gia sản xuất dầu thô lớn sẽ củng cố vị trí của đồng đô la. Theo IbisWorld, tổng giá trị mua bán dầu toàn thế giới bằng đồng USD đạt con số 2.000 tỷ trong năm 2017.
Ngoài ra, mạng lưới toàn cầu vững chắc là chỗ dựa lớn cho USD trên trường quốc tế. Khoảng 40% nhập khẩu toàn cầu được thanh toán bằng USD, ngay cả khi Mỹ chỉ chiếm 10% buôn bán toàn thế giới.
Nhu cầu thanh toán bằng "đồng tiền chung" này của toàn thế giới đã trợ lực cho ngành dịch vụ tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, nhu cầu trên đồng thời đẩy giá trị đồng USD lên. Điều đó khiến hàng xuất khẩu Mỹ kém cạnh tranh, nhập khẩu rẻ mạt và thâm hụt thương mại của Washington tăng thêm. Ngay cả khi Mỹ không cần tới vai trò của một đồng tiền dự trữ toàn cầu, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không thể trốn tránh trách nhiệm này.