Đóng cổng toàn cầu hóa

LAM HỒNG| 15/10/2013 03:58

Toàn cầu hóa đang chững lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhường chỗ cho một mô hình kinh tế mới với sự can thiệp của nhà nước và bảo hộ mậu dịch.

Đóng cổng toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa đang chững lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhường chỗ cho một mô hình kinh tế mới với sự can thiệp của nhà nước và bảo hộ mậu dịch.

Đọc E-paper

Người dân Hàn Quốc phản đối FTA với Mỹ

Thuật ngữ toàn cầu hóa xuất hiện vào những năm 1950, với sự phổ biến các phương tiện vận tải có động cơ và sự gia tăng các trao đổi thương mại, được chính thức sử dụng rộng rãi từ những năm 90 của thế kỷ thứ XX.

Năm năm trước, Tổng thống Mỹ George W. Bush tập hợp các nhà lãnh đạo của các nước giàu và đang phát triển lớn nhất tại Washington trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G20. Khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, các nhà lãnh đạo này hứa sẽ không lặp lại sai lầm trước đó, tuyên bố cam kết một nền kinh tế mở toàn cầu và tẩy chay mọi hình thức bảo hộ, hay nói một cách khác là những nước giàu sẽ toàn cầu hóa rộng hơn.

> Mô hình toàn cầu hóa của Việt Nam
> Chiến tranh tiền tệ - phiên bản của toàn cầu hóa

> Toàn cầu hóa ở sân nhà
> FTA Việt Nam - EU: Cơ hội và thách thức cho DN Việt
> Tham gia FTA: Càng đua càng hụt hơi?
> EU cam kết thúc đẩy việc ký kết FTA với Việt Nam
> Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi từ FTA ASEAN + 6
> Thực hiện FTA, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều

Họ chỉ thực hiện cam kết được một phần. Mặc dù không sa vào chủ nghĩa bảo hộ cực đoan của những năm 1930, kinh tế thế giới cũng không mở là bao nhiêu. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đương đầu với những thách thức, chính phủ các nước đã gia tăng chính trị hóa vấn đề thương mại và tăng cường chủ nghĩa bảo hộ.

Sau hai thập kỷ, vốn và hàng hóa đã được di chuyển tự do hơn bao giờ hết, nhưng các bức tường đã được dựng lên để ngăn cản. Hầu như tất cả các nước vẫn giữ các rào cản thương mại và đầu tư quốc tế. Họ muốn tận hưởng những lợi ích của toàn cầu hóa nhưng lại muốn tránh xa các nhược điểm toàn cầu hóa như dòng vốn không ổn định hoặc chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu...

Toàn cầu hóa đã đến thời điểm chững lại. Kim ngạch xuất khẩu trên thế giới tăng đều đặn trong quãng thời gian 1986-2008, sau đó giảm xuống. Dòng vốn toàn cầu, trong năm 2007 đạt 11 ngàn tỷ USD, nhưng chỉ đạt một phần ba vào năm 2012. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang đi xuống từ đỉnh cao được thiết lập vào năm 2007.

Cùng với đó, các hình thức bảo hộ ngày càng tinh vi hơn. Ấn Độ đặt ra quota mua sắm công về công nghệ truyền thông và thiết bị năng lượng Mặt trời. Brazil bắt buộc hãng dầu khổng lồ nhà nước Petrobras mua thêm trang thiết bị của các công ty nội địa. Và cả Mỹ và châu Âu áp đặt, hoặc đe dọa đánh thuế các tấm năng lượng Mặt trời của Trung Quốc...

Các cuộc chống bán phá giá diễn ra hàng loạt đối với đủ các mặt hàng từ thủy sản, nông nghiệp đến công nghiệp. Đồng thời, các nước phương Tây tự cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các công ty phát triển năng lượng xanh.

Thế giới đã không từ bỏ tự do hóa thương mại nhưng đã chuyển trọng tâm từ WTO đa phương sang các hiệp ước khu vực và song phương. Một tháng trước khi Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008, đàm phán thương mại Doha của WTO tại Geneva tan vỡ do Ấn Độ và Trung Quốc muốn bảo vệ thị trường nông sản của mình trước hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ.

Ngay sau đó, Mỹ đã tham gia các cuộc đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, đã được hưởng lợi nhờ sự bùng nổ của tự do mậu dịch và giải phóng nguồn vốn quốc tế. Toàn cầu hóa khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Nhưng dòng vốn ồ ạt này khiến Mỹ đối mặt với thâm hụt lớn về thương mại và bội chi ngân sách, trong khi phần còn lại của thế giới lại thặng dư và sử dụng sự thặng dư này để mua trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Trong giai đoạn 1980-2011, thâm hụt thương mại của Mỹ là 8.600 tỷ USD và tính đến cuối năm 2012 đã vượt qua mức 9.000 tỷ USD. Vì thế, sự giải phóng các dòng tài chính, kể cả dòng vốn tự do đang bị ngăn chặn trên toàn cầu. Nhiều ngân hàng lớn nhanh chóng bị quốc hữu hóa theo mức độ khác nhau.

Xu hướng này được tăng cường bởi các biện pháp điều tiết áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro sau đó. Bên cạnh đó, thế giới đứng bên bờ vực của cuộc "chiến tranh tiền tệ” với ít nhất 13 nước bị cáo buộc thao túng đồng tiền của họ so với USD để hưởng lợi về mậu dịch.

Sự hấp dẫn của toàn cầu hóa gắn với chủ nghĩa tư bản nhà nước cho phép Trung Quốc và các thị trường mới nổi lớn khác như Ấn Độ, Brazil và Nga đi qua cuộc khủng hoảng tốt hơn nhiều so với các nước giàu. Tuy nhiên, những hệ thống kinh tế của các nước này cũng bộc lộ các khiếm khuyết. Ở Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước đã bòn rút tín dụng từ khu vực tư nhân và thúc đẩy một bong bóng tài sản. Ở Ấn Độ và Brazil, đầu tư cơ sở hạ tầng đã dẫn đến lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại...

Vì vậy, nhiều nhà phân tích kinh tế đã cho rằng, mô hình toàn cầu hóa hiện nay đang đứng trước một cuộc khủng hoảng. Lợi ích của toàn cầu hóa không được phân chia công bằng khiến kinh tế thế giới đã nếm trải những mặt trái của nó qua cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính 2009 khiến hệ thống ngân hàng đổ vỡ, điều tiết quá mức, giới đầu tư lo ngại rủi ro nên không sẵn sàng đổ tiền vào phát triển kinh tế. Sự chững lại của mô hình toàn cầu hóa cũng đồng nghĩa với một cú hãm phanh khiến kinh tế thế giới trì trệ và phá hỏng những thành quả mà nó đã tạo ra trong suốt hơn ba thập kỷ qua.

Quá trình toàn cầu hóa bắt đầu từ cuối thập kỷ 1970 và đạt mức độ cao nhất sau năm 1989. Viện Nghiên cứu Peterson ước tính, mỗi năm nước Mỹ giàu thêm khoảng 1.000 tỷ USD do toàn cầu hóa thương mại.

Trong thời gian này, chỉ số Dow Jones tăng từ 800 năm 1979 lên mức cao nhất là 13.000 vào cuối năm 2007, sau đó giảm dần do khủng hoảng tài chính. Hệ thống giám sát rủi ro gần như không hoạt động và bong bóng đã phình to hết cỡ. Còn hiện nay, kinh tế thế giới đang ở trong một kịch bản trái ngược
.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đóng cổng toàn cầu hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO