Diễn đàn Shangri-La: "Thủ phạm là Trung Quốc"

LAM HỒNG| 04/06/2015 06:13

Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-La năm nay chỉ đích danh hoạt động lấn chiếm chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc (TQ) tại Biển Đông là thủ phạm đe dọa an ninh khu vực.

Diễn đàn Shangri-La:

Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-La năm nay chỉ đích danh hoạt động lấn chiếm chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc (TQ) tại Biển Đông là thủ phạm đe dọa an ninh khu vực.

Người Mỹ hết kiên nhẫn

"TQ đã cải tạo, bồi đắp hơn 8km2 đảo, nhiều hơn tất cả những nước khác gộp lại... và TQ làm được điều đó chỉ trong vòng 18 tháng", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore từ ngày 29/5. Bộ trưởng Carter cho biết: "Mỹ quan ngại sâu sắc về quy mô cải tạo đất và khả năng TQ quân sự hóa các đảo đang bồi đắp. Những động thái này chỉ làm gia tăng tính toán sai lầm hoặc xung đột".

Ông Carter cũng gọi các hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh là "chưa từng có tiền lệ”. Theo tiết lộ của một số quan chức cao cấp Mỹ, được nhật báo Wall Street Journal trích dẫn, các phi vụ trinh sát mà Mỹ mới thực hiện gần các công trình bồi đắp mà TQ đang thực hiện đã phát hiện được hai cỗ pháo cơ động. Đây là bằng chứng khẳng định mối nghi ngờ được nêu lên trong thời gian qua là TQ bồi đắp đảo nhân tạo nhằm mục tiêu quân sự.

Dường như Mỹ đang mất kiên nhẫn với TQ. Đô đốc Harry Harris Jr., tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Hải quân Mỹ) tại lễ nhậm chức ngày 22/5 đã gọi tuyên bố chủ quyền của TQ trên biển Đông là "lố bịch" và tuyên bố lực lượng Mỹ sẵn sàng "chiến đấu ngay trong đêm" để bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ và các nước láng giềng của TQ lo ngại rằng TQ cuối cùng đã có thể tuyên bố một "khu nhận dạng phòng không" (ADIZ) tại Biển Đông như đã từng làm tại khu vực có vùng đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản. Nếu TQ thiết lập được ADIZ, tất cả máy bay khi đi vào vùng trời này phải báo cáo với TQ. Để đáp lại nguy cơ này, Mỹ nhanh chóng gửi hai máy bay B-52 qua khu vực mà TQ dự kiến thiết lập ADIZ.

Bất chấp các phản ứng công khai của Mỹ, Bắc Kinh không có thay đổi nào về các hoạt động "cải tạo các hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông với tốc độ điên cuồng". Ngày 26/5, Bộ Quốc phòng TQ phát hành "Sách Trắng" về chiến lược quân sự, nhấn mạnh nước này nên xây dựng một "lực lượng hải quân hiện đại" để bảo vệ "quyền và lợi ích hàng hải" của TQ, bao gồm cả ở Biển Đông. Mặt khác, Bắc Kinh chỉ trích Mỹ đang gây ra căng thẳng tại Biển Đông và kêu gọi Mỹ chấm dứt "hành vi khiêu khích". Global Times, một tờ báo nổi tiếng với quan điểm cứng rắn của TQ, cho rằng "một cuộc chiến thế giới thứ ba sẽ không thể tránh khỏi" nếu Mỹ tiếp tục can thiệp sâu vào hoạt động của TQ tại Biển Đông. Ngày 24/5, tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính của Đảng Cộng sản TQ, đã cảnh báo rằng "Mỹ đang làm tổn thương người khác" và có thể "kết thúc là làm tổn thương chính mình".

Bắc Kinh kiếm lời?

"Các thử nghiệm của Mỹ có thể buộc Bắc Kinh phải đáp trả một cách mạnh mẽ”, Zhu Feng, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu về Biển Nam Trung Hoa tại Đại học Nam Kinh, cho biết. Cựu Phó giám đốc Cơ quan Tình báo CIA Michael Morell cũng nhận định trên CNN rằng "căng thẳng giữa Mỹ và TQ tại Biển Đông hiện nay có thể dẫn tới một cuộc chiến trong tương lai". Mặc dù vậy, Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng, lịch sử cho thấy TQ luôn kiếm lợi trong các hoàn cảnh căng thẳng nhưng lại khôn khéo tránh đối đầu. "Có thể sẽ có những tình huống căng thẳng, nhưng nếu các nước trong khu vực đoàn kết với nhau, điều đó sẽ khiến TQ chùn bước", ông nói.

Đối thoại Shangri-La năm nay có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng và tướng lĩnh quân đội từ 26 quốc gia trong khu vực. Lần đầu tiên, TQ cử một tướng bốn sao, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ, tham dự. Đây là một chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với các chỉ trích của quốc tế về sách lược gây hấn của họ ở Biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel thông báo với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng trong vòng một năm rưỡi qua, TQ đã tạo ra nhiều đảo nhân tạo tại những khu vực trước kia từng là các bãi cạn hay rặng san hô. Ba trong số các khu đất mới bồi đáp này lớn hơn hòn đảo tự nhiên rộng nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, TQ cũng tiến hành các hoạt động bồi đất tại Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Tại diễn đàn, cả đại biểu Nhật và Mỹ đều chỉ đích danh TQ là thủ phạm đe dọa an ninh khu vực qua các hành vi xây dựng, lấn chiếm ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đưa thêm tàu chiến và máy bay vào vùng tranh chấp và yêu cầu Bắc Kinh ngưng "tức khắc" các công trình củng cố đảo nhân tạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakataki cho rằng nếu không có biện pháp đối phó với tình trạng mà ông gọi là vô luật pháp thì "trật tự sẽ biến thành rối loạn và hòa bình ổn định sẽ sụp đổ”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đề nghị Mỹ nên cung cấp tài chính để giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang của các nước Đông Nam Á đối mặt với những thách thức lãnh thổ xuất phát từ TQ. Đề xuất này nằm trong một sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ 2016, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay, mang tên Kế hoạch Biển Đông. Sửa đổi này cho phép cấp tới 425 triệu USD trong khoảng thời gian 5 năm cho những nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam với "thiết bị, vật phẩm, hoạt động huấn luyện và xây dựng quân sự quy mô nhỏ. 

> Tướng Trung Quốc: Mỹ gây ra tình hình hiện nay trên Biển Đông

>Bắc Kinh sẽ là “nạn nhân lớn nhất” trong căng thẳng Biển Đông

>Mỹ tiếp tục lên án hành động gây bất ổn ở Biển Đông

>Tại Shangri-La 13: Mỹ cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn đàn Shangri-La: "Thủ phạm là Trung Quốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO