Đi tìm “mô hình Trung Quốc”

THANH TÂM| 24/05/2010 04:24

Các quan chức Trung Quốc từng tuyên bố, World Expo 2010 Thượng Hải được tổ chức đơn giản và tiết kiệm. Nhưng thực tế, khung cảnh lễ hội hoành tráng chẳng thua gì sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008...

Đi tìm “mô hình Trung Quốc”

Các quan chức Trung Quốc (TQ) từng tuyên bố, World Expo 2010 Thượng Hải được tổ chức đơn giản và tiết kiệm. Nhưng thực tế, khung cảnh lễ hội hoành tráng chẳng thua gì sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008... Một số nhà bình luận phương Tây đánh giá, “Trung Quốc không thể cưỡng lại việc phô trương sự giàu có và sức phát triển vượt bậc”.

Kết quả đúng như mong đợi, cả thế giới trầm trồ thán phục, và nhiều quốc gia đang phát triển bị chinh phục hoàn toàn để tình nguyện trở thành “người hâm mộ” của hội chợ triển lãm tiêu tốn hàng chục tỷ USD này.

Trẻ em TQ tại nhà trẻ

Theo đơn vị chuyên tổ chức khảo sát Pew Research Centre của Hoa Kỳ, năm 2009, 85% người Nigeria “ngưỡng mộ” TQ (so với 79% năm 2008). Tỷ lệ đó là 50% người Mỹ (so với 39% năm 2008) và 26% người Nhật (so với 14% năm 2008). Mọi người không ngớt ngợi khen TQ tổ chức World Expo lớn nhất trong lịch sử và bái phục những đổi thay vượt bậc trong cơ sở hạ tầng Thượng Hải...

Hâm mộ con rồng đang vươn vai, cả thế giới hướng sự chú ý vào việc phân tích để học tập mô hình lãnh đạo thành công của TQ. Năm 2004, nhà tư vấn người Mỹ Joshua Cooper Ramo, đã đưa ra khái niệm " Đồng thuận Trung Quốc" dựa trên thuật ngữ “Đồng thuận Washington”: là tự do hóa các hoạt động kinh tế kể cả ngoại thương; giá cả, hối suất do thị trường tự do quyết định; ổn định hóa kinh tế vĩ mô, giảm chi tiêu chính phủ; và tư nhân hóa doanh nghiệp quốc doanh. Ba biện pháp này được khuyến khích tiến hành đồng loạt trong thời gian ngắn.

Quyển sách mới nhất về đề tài mô hình TQ tại phương Tây là “Đồng thuận Trung Quốc. Bằng cách nào mô hình lãnh đạo Trung Quốc sẽ thống trị thế kỷ XXI” của Stefan Halper, một học giả người Mỹ. Ông Halper có ghi: “Toàn cầu hóa kéo thế giới gần lại nhau, trong khi TQ đang khiến phương Tây thu nhỏ lại”.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân ông, “bất chấp việc là tấm biển quảng cáo lớn nhất cho những lựa chọn mới mẻ dẫn đến sự phát triển thịnh vượng, TQ vẫn có nhiều e ngại. Hầu hết chúng xuất phát từ nước ngoài, vì nền kinh tế TQ phát triển nhờ tài nguyên nhập khẩu...”.

Mặt khác, TQ cũng chưa muốn thừa nhận mình đang mạnh lên ngang tầm đối thủ Hoa Kỳ vì e ngại thế đối đầu sẽ ngăn trở sự phát triển vũ bão của kinh tế. Cụ thể, năm 2003, những quan chức TQ có đề cập sự “tăng trưởng ổn định” của TQ. Nhưng chỉ vài tháng sau, họ chẳng còn nhắc gì đến chuyện đó nữa vì không muốn từ “tăng trưởng” làm bận lòng Washington...

Ông Zhao Qizheng đã viết rằng, ông thích dùng từ “trường hợp của TQ” hơn “mô hình TQ”. Bên cạnh đó, Li Junru, nhà lý luận cấp cao của Đảng, đã phát biểu: Nếu người TQ hài lòng rằng mình đã có một mô hình phát triển tốt đáng để thế giới học tập thì rất “nguy hiểm”.

Bởi vì, sự tự mãn có thể kìm hãm nhiệt tình cải cách TQ trong tương lai. Nhiều lãnh đạo TQ cũng né tránh vấn đề mô hình TQ, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng như: môi trường, chống tham nhũng, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Tuy nhiên, chẳng cần TQ phải nhọc công tìm cách “ẩn hình”, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn quá sớm để tung hô TQ thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi tìm “mô hình Trung Quốc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO