![]() |
Chỉ vài tuần sau khi “quả bom hẹn giờ” trên phố tài chính Athens được tháo gỡ, một cơn chấn động mới đang rình rập gây đổ vỡ tại Tây Ban Nha.
![]() |
Giới chức Madrid dự đoán cảnh tượng sắp tới sẽ nặng nề không khác những gì từng xảy ra tại Hy Lạp, còn giới đầu tư quan ngại rằng con số nợ xấu của Tây Ban Nha sẽ lên đến 735 tỉ euro, tương đương 960 tỉ USD và khi mức lãi suất cho vay tại thị trường nội địa lên đến 6% thì khả năng trả nợ của hệ thống tài chính nước này sẽ không còn nữa.
Từ thực tế đã xảy ra tại Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp và Iceland, có thể thấy phương thức cứu chữa căn bệnh trầm kha hiện nay tại Tây Ban Nha sẽ nhọc nhằn hơn rất nhiều. Một khi nền kinh tế đã lâm vào cuộc suy thoái, việc cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Tây Ban Nha sẽ hãm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và mục đích cắt giảm thâm hụt ngân sách khó có thể đạt được.
Năm ngoái, Madrid đã đồng ý cắt giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 0,6% GDP nhưng con số thông báo cuối năm cho thấy mức độ thâm hụt thực tế đã lên đến 8,51% và hiện nay nước này đặt mục tiêu thâm hụt mậu dịch trong hai năm 2012 và 2013 lần lượt là 5,3% và 3,0%.
Áp lực cắt giảm chi tiêu đang dấy lên nỗi hoang mang rằng sớm hay muộn thì Tây Ban Nha cũng phải đối diện với một vòng xoáy kinh tế đi xuống như từng đẩy Hy Lạp vào cuộc suy sụp nặng nề và dai dẳng, làm ảnh hưởng xấu đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu.
Theo giới tư vấn thuộc Credit Suisse, cuộc khủng hoảng tại Eurozone vẫn chưa đến hồi kết, tức là toàn bộ châu Âu, ngoại trừ Đức, vẫn đang nằm trong khủng hoảng.
Do đó, tại Tây Ban Nha, nơi giá địa ốc đã tuột dốc cực mạnh, đến 22% kể từ mức trần năm 2007, vẫn còn nhiều dấu hiệu xấu, chẳng hạn tốc độ tăng trưởng rất có thể là -1,7% trong năm nay nếu Chính phủ nước này quyết tâm cắt giảm chi tiêu.
Trong khi đó, tỷ lệ vỡ nợ công vẫn đang nằm ở mức cao nhất trong vòng 18 năm qua và số lượng người thất nghiệp vẫn đang đẩy tỷ lệ vỡ nợ bất động sản leo thang.
Tất cả những khó khăn ấy khiến hệ thống ngân hàng nước này thêm lâm nguy, chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, các ngân hàng Tây Ban Nha đã vay từ Ngân hàng châu Âu số tiền kỷ lục là 316,3 tỉ euro, tương đương 417 tỉ USD, làm tăng gấp đôi công nợ trước đó một tháng.
Trong bối cảnh giới đầu tư bán tháo trái phiếu Tây Ban Nha, hãng định giá tín dụng Moody’s cho biết sẽ sớm hạ điểm tín dụng nước này và đưa đánh giá đó vào bản báo cáo mới trong tháng tới.
Hiện tại, Cao ủy châu Âu cho biết Tây Ban Nha vẫn chưa có dấu hiệu sẽ cần đến những gói cứu trợ tài chính tương tự những nền kinh tế khác thuộc Eurozone để khôi phục hoạt động của hệ thống ngân hàng nước này. Tuy nhiên, rất có thể Madrid sẽ sớm lên tiếng đề nghị một hình thức viện trợ mới nếu Chính phủ nước này không thể tìm được tiền để cứu các ngân hàng đang lâm vào cảnh vỡ nợ.
Ý KIẾN CỦA BẠN