"Đế chế" Alibaba đe dọa giới fintech Đông Nam Á

22/11/2016 00:38

Các fintech có thể là mối đe dọa đối với những tổ chức tài chính truyền thống, nhưng chính họ tại Đông Nam Á lại đang bị đe dọa bởi bước tiến uy lực từ "đế chế Alibaba".

Các fintech có thể là mối đe dọa đối với những tổ chức tài chính truyền thống, nhưng chính họ tại Đông Nam Á lại đang bị đe dọa bởi bước tiến uy lực từ "đế chế Alibaba".  

Tháng 5/2003, Alibaba ra mắt Taobao và nhanh chóng trở thành sàn thương mại điện tử C2C lớn nhất Trung Quốc. Đến năm 2007, Taobao đã chiếm đến 80% thị phần thương mại điện tử C2C tại nước này. Tuy nhiên, ngay từ đầu Alibaba đã xác định tham vọng của mình nhiều hơn việc mở "chợ" trên mạng để bán hàng.

Theo đó, sau khi Taobao ra đời không lâu, năm 2004, Alibaba giới thiệu Alipay - một nền tảng thanh toán của bên thứ ba để giúp giao dịch trên Taobao thuận lợi hơn. Cho đến hiện tại, Alipay cũng trở thành nền tảng thanh toán của bên thứ ba lớn nhất Trung Quốc, chiếm 70% thị phần và có hơn 400 triệu người dùng, với 70 triệu thanh toán được thực hiện mỗi ngày. Trong khi đó, PayPal cũng chỉ có 9 triệu giao dịch mỗi ngày.

Về mặt tính chất, trong khi PayPal chỉ là một nền tảng thanh toán trực tuyến ngang hàng (peer-to-peer) dựa trên email và kết nối với thẻ tín dụng thì Alipay lại kết nối với các tài khoản ngân hàng và có những tính chất được thiết kế đặc thù dành cho thị trường Trung Quốc, như ký quỹ.

Đối với nhà sáng lập Jack Ma, tính năng ký quỹ này chính là chìa khóa then chốt để chuyển nền thương mại điện tử từ phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD) là chủ yếu sang phương thức thanh toán trực tuyến, hiện đã chiếm đến 68% lượng giao dịch.

Tận dụng được 400 triệu người dùng, Alipay dần phát triển vượt ra ngoài phạm vi của một nền tảng thanh toán của bên thứ ba mà đang trở thành một đơn vị tài chính ngân hàng thực thụ, có khả năng đe dọa cả những nền tảng tài chính truyền thống. Năm 2011, Alipay tách ra khỏi Alibaba để thành lập Ant Financial Services Group, cung cấp hàng loạt dịch vụ từ thanh toán trực tuyến đến các dịch vụ tài chính, cho vay cỡ nhỏ.

Công ty này đã huy động được nguồn vốn trị giá 4,5 tỷ đôla hồi đầu năm. Hiện tại, công ty được định giá khoảng 60 tỷ đôla, là công ty công nghệ chưa niêm yết lớn thứ hai thế giới sau Uber.

Khí thế đang lên, Ant Financial bắt đầu vươn mình đến Đông Nam Á với cơ sở đầu tiên tại Singapore vào năm 2010, nhưng còn thiếu một kênh phân phối phù hợp. Mọi chuyện chỉ thay đổi kể từ đầu năm nay, khi Alibaba bắt đầu "nhúng tay" vào thị trường thương mại điện tử ở đây.

Theo nhận định của các chuyên gia, thương mại điện tử tại Đông Nam Á có những đặc trưng giống với thương mại điện tử của Trung Quốc cách đây 8 năm, khi thanh toán COD vẫn là phương thức giao dịch chính, chiếm đến 70%.

Thực tế, hiện tỷ lệ thanh toán COD tại Đông Nam Á đang duy trì ở mức này. Để giảm dần thói quen thanh toán COD, nhiều fintech đã ra đời trong khu vực, ví dụ như: Omise (Thái Lan), Doku (Indonesia), LINE Pay (Thái Lan) và True Money (Thái Lan). Tuy nhiên, so với Alipay của Ant Financial, những nền tảng này đều có nguy cơ bị đánh bật nếu dấu chân của Alibaba trong thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á ngày càng rõ nét.

Hầu hết các dịch vụ như Omise hay 2C2P không thể ứng dụng khả thi cho các giao dịch có giá trị lớn. LINE Pay thì chưa bao giờ có một thị phần lớn mặc dù ứng dụng này đang có khoảng 33 triệu người dùng tại Thái Lan. Các fintech đình đám như Digio hay Deep Pocket đang phát triển các giải pháp ví điện tử trước khi giải quyết được vấn đề "con gà và quả trứng".

Có thể nói, hầu hết nền tảng đều không có một mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng đầu cuối. Người ta dễ chuyển sang một ví điện tử khác nếu thích hoặc thấy ưu đãi hơn. Trong khi đó, Alipay gắn liền với Taobao. Thành viên Taobao thanh toán qua Alipay luôn được ưu đãi cao hơn hẳn thành viên không dùng Alipay. Trong khi Taobao đang "bá chủ" Trung Quốc thì Alipay cũng nhờ vậy mà cầm trịch được thị trường thanh toán trực tuyến.

Với cùng công thức đó, việc Alibaba mua lại Lazada Đông Nam Á không chỉ là để mở rộng thị trường thương mại điện tử mà còn để dọn đường cho "đế chế tài chính trực tuyến" Ant Financial sẵn sàng đánh bật các fintech địa phương, còn được giới bình luận gọi là các ví điện tử "cây nhà lá vườn" so với Alipay.

Nhiều dự báo cho rằng, một ngày không xa, Alipay, hoặc một biến thể tương tự do Ant Financial tạo ra sẽ xuất hiện trên hệ thống của Lazada Đông Nam Á. Để giảm bớt sự cạnh tranh, ngay khi thâu tóm Lazada Đông Nam Á, Alibaba còn rót tiền để mua 20% cổ phần của Ascend Money (Thái Lan) với sản phẩm là True Money.

“Chiến lược của Alibaba Group là xây dựng một cơ sở hạ tầng của nền thương mại điện tử trong tương lai. Thương mại điện tử chỉ mới là bước đầu… Hơn một nửa nguồn lực của Alibaba Group, bao gồm cả các công ty Ant Financial và Cainiao đang làm việc trong những mảng quan trọng của hệ sinh thái này, bao gồm: logistic, tài chính internet, big data, điện toán đám mây, internet di động, quảng cáo…”, nhà sáng lập Jack Ma tuyên bố vào năm 2015.

>Lazada hợp tác cùng 40 nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam

>Alibaba đầu tư 1 tỷ USD vào Lazada, "bành trướng" tại Đông Nam Á

>27 startup fintech “kỳ lân” có giá trị nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Đế chế" Alibaba đe dọa giới fintech Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO