Đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam?

MINH VŨ (Theo Straits Times)| 17/12/2011 09:46

Trước việc Thái Lan bị lũ lụt nghiêm trọng, thời gian qua, nhiều nguồn tin cho rằng các công ty Nhật đang cân nhắc chuyển cơ sở hoạt động tại Thái Lan sang Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam?

Trước việc Thái Lan bị lũ lụt nghiêm trọng, thời gian qua, nhiều nguồn tin cho rằng các công ty Nhật đang cân nhắc chuyển cơ sở hoạt động tại Thái Lan sang Việt Nam.

Mô hình khu công nghiệp Vietnam - Singapore

Nhiều đơn vị tư vấn ở Việt Nam đồng tình với điều này. Theo ông Thân Thanh Vũ, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Sao Khuê, “nhiều phái đoàn Nhật đã sang TP.HCM hoặc liên lạc với Tổ chức Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản tại đây để tìm hiểu những địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Ưu tiên hàng đầu của họ là những địa điểm không bị lũ lụt”.

Xu hướng này sẽ đánh dấu bước chuyển quan trọng cho Việt Nam, bởi gần đây sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã không còn như trước.

Từng một thời được đánh giá là “con hổ châu Á”, nhưng tình trạng tham nhũng và cơ sở hạ tầng yếu kém của Việt Nam đã làm giảm đáng kể sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ thu hút được 9,9 tỷ USD đầu tư nước ngoài cho các dự án mới, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khu công nghiệp Thăng Long do Tập đoàn Sumitomo của Nhật xây dựng tại ngoại thành Hà Nội đã minh họa rõ nét quá trình chuyển biến này. Khánh thành vào năm 2000 và hoạt động hết công suất vào năm 2009, khu công nghiệp quy tụ nhiều công ty sản xuất đến từ Nhật, với khoảng 55.000 nhân công.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động hiện tại của khu công nghiệp này không còn được như xưa. Tình trạng lạm phát cao khiến công nhân thường xuyên đình công đòi tăng lương, điều mà các công ty phải miễn cưỡng chấp nhận.

Thế nên, câu hỏi đặt ra là liệu những trận lũ nghiêm trọng thời gian qua tại Thái Lan cùng với việc giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng cao có phải là cơ hội cho Việt Nam chuyển mình?

Một số nhà đầu tư nghĩ như thế. Là một tập đoàn chuyên về công nghệ và cơ sở hạ tầng xây dựng, Jesco Holding vừa công bố liên doanh với Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình để phát triển cơ sở hạ tầng cho một khu công nghiệp ở Long An.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng có những chương trình hỗ trợ tài chính để các khu công nghiệp Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật.

Mặc dù vậy, không có gì đảm bảo Việt Nam sẽ hưởng lợi khi các nhà đầu tư nước ngoài điều chỉnh chiến lược kinh doanh của họ. Lấy ngành công nghiệp ô tô làm ví dụ: các báo cáo cho thấy, nhiều hãng ô tô hoạt động tại Thái Lan như Honda và Nissan buộc phải tạm ngưng sản xuất do lũ lụt, nhưng không vì thế mà Việt Nam trở thành sự thay thế lý tưởng.

Thị trường ô tô nội địa còn nhỏ, không đủ hấp dẫn các công ty ô tô nước ngoài đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất quy mô lớn để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Hơn nữa, nhiều hiệp định thương mại với các nước trong khu vực sẽ buộc Việt Nam phải cắt giảm đến 50% thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào năm 2014.

Đến thời điểm đó, các công ty nước ngoài lắp ráp ô tô tại Việt Nam, sau vài năm hoạt động thuận lợi, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Với một thị trường ô tô nội địa rộng lớn và nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, Indonesia sẽ là điểm đến khả dĩ nhất của các hãng ô tô nước ngoài. Vài tháng gần đây, Toyota và Nissan cũng đã công bố nhiều khoản đầu tư lớn ở “quốc gia vạn đảo” này.

Để trở thành điểm thu hút đầu tư có thể cạnh tranh với Indonesia và các nước khác trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Mức lạm phát cao đang có xu hướng giảm kèm theo kim ngạch xuất khẩu gia tăng là hai bằng chứng cho thấy các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có dấu hiệu ổn định.

Dù vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Cuộc khảo sát gần đây do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện với sự tài trợ của chính phủ cho thấy, sự thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề cao chính là lo ngại lớn nhất khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng nâng cấp hay mở rộng nhà máy.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt kỹ năng quản lý cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhận xét về những kết quả khảo sát nói trên, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Lee Chon Kin, cho biết: “Chúng tôi muốn mang nhiều trang thiết bị hiện đại đến Việt Nam nhưng không thể tuyển được đủ số lượng kỹ thuật viên có trình độ để vận hành chúng”.

Các nhà đầu tư cũng ngày càng quan ngại về sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, nhưng đề xuất mở rộng sân bay này do cơ sở hạ tầng hiện nay đã quá tải vẫn chưa được chính quyền thành phố phê chuẩn.

Trong khi đó, vào tháng 6 năm nay, báo chí trong nước đưa tin thành phố đang có kế hoạch sử dụng quỹ đất chưa sử dụng cạnh hai sân bay lớn ở Hà Nội và TP.HCM để xây dựng sân golf. Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài sụt giảm.

Tỷ lệ lạm phát đang giảm, các nhà đầu tư hoạt động trong những khu công nghiệp mới sẽ không còn gặp cảnh công nhân đình công như sự cố xảy ra ở khu công nghiệp Thăng Long trong năm nay, nhưng nếu không nâng cấp chất lượng nguồn lao động tại chỗ và cơ sở hạ tầng quốc gia, Việt Nam sẽ khó thuyết phục các nhà đầu tư hào hứng rót tiền vào Việt Nam như trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO